Doanh nghiệp, ngư dân trước xăng dầu phi mã: Lao đao

Ngụp lặn trong bão giá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng loạt tàu thuyền đánh cá nằm bờ, phần vì thời tiết xấu, phần vì giá nhiên liệu tăng. Doanh nghiệp vận tải chồng chất khó khăn sau nhiều lần giá xăng dầu nhảy vọt.

Tàu cá nằm bờ

Mùa biển động ra khơi đã quá khó, nay giá nhiên liệu leo thang khiến con tàu trên 90CV của ngư dân Nguyễn Văn Chỉnh (trú xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn phải nằm bờ gần 1 tháng nay. Từ ra Tết đến nay anh tranh thủ xin theo một chủ thuyền nhỏ cùng xã để khai thác hải sản gần bờ, đi về trong ngày.

Sinh ra ở miền biển, theo nghề từ nhỏ, anh chỉ nghỉ ra khơi khi biển động, hay mùa mưa bão. Nhưng khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng, kéo theo các chi phí cho chuyến ra khơi như đá lạnh, thực phẩm cũng “nhảy số”, anh cùng các bạn thuyền phải tính toán kỹ về ngày đánh bắt hải sản để giảm bớt chi phí. Do thời tiết xấu, giá nhiên liệu lại tăng, nên tàu lớn chưa thể nhổ neo.

Ngụp lặn trong bão giá ảnh 1
Tàu cá bơm nhiên liệu tại cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ngày 20/2

Theo anh Chỉnh, với một con thuyền nhỏ, đi về trong ngày, mỗi lần ra khơi mất khoảng 2-5 triệu đồng tiền nhiên liệu, còn với tàu công suất lớn, chi phí hàng chục triệu đồng. Không chỉ anh Chỉnh mà nhiều ngư dân phải thay đổi phương án đi biển, giảm số hải lý ra khơi để tránh thua lỗ khi chi phí tăng cao.

Ngoài ra, giờ tìm nhân công đi biển rất khó vì đa số thanh niên trong làng đi kiếm nghề khác thu nhập cao hơn.

“Từ Tết đến nay, con thuyền lớn chưa nổ máy được vì thời tiết và chi phí dầu đang quá cao. Trong khi đó, hải sản mùa này cũng khó đánh bắt, nhân công phải giá cao mới đi làm nên tạm thời tôi phải xin đi theo thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ. Thuyền gần bờ cũng có ngày được, ngày mất, nhưng vẫn phải bám thôi”, anh Chỉnh chia sẻ.

Thâm niên 45 năm theo nghề biển, nhưng chưa lúc nào ông Phạm Ngọc Thạch (trú huyện Lộc Hà) lại cảm thấy buồn với nghề như hôm nay. Từ Tết đến nay, ông ra khơi 3 chuyến, gồm 2 chuyến có lãi, một chuyến đủ trả tiền công cho người làm. Ông Thạch nói, giá nhiên liệu chiếm hơn 50%, giờ kiếm ngày công mỗi người từ 200-300 ngàn đồng/ngày cũng khó.

“Chuyến này đi 3 ngày được gần 10 triệu, nhưng chi phí như đá lạnh, dầu, thức ăn lên đến hơn 5 triệu. Giá hải sản đợt này có tăng, nhưng không thấm gì so với giá dầu tăng nên nếu tình trạng nhiên liệu tăng kéo dài thì tàu cá ở địa phương nguy cơ nằm bờ sẽ rất nhiều, nhất là những tàu có công suất lớn. Bởi đi mà lỗ nhiều thì ai dám đi nữa”, ông Thạch tâm sự.

Theo thống kê của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cửa Sót (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh), từ ngày 1-17/2, tại cảng chỉ có 165 tàu thuyền ra khơi, sản lượng đạt 50 tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tàu 250CV của ông Nguyễn Văn Thành vẫn chưa thể ra khơi do ảnh hưởng của thời tiết, do giá nhiên liệu tăng quá cao.

Thông thường, những năm trước, từ mồng 6 Tết, tàu của ông Thành nhổ neo, đi khoảng 1 tuần sẽ vào bờ. Nhưng năm nay, thời tiết xấu, giá dầu tăng, dù đã tính kỹ cho chuyến đi nhưng buộc phải ngừng hoạt động vì nếu đi sẽ lỗ.

“Chiều nay giá dầu tiếp tục tăng lên hơn 21 ngàn đồng/lít rồi. Cứ tăng tiếp tục như này sợ ngư dân chúng tôi không kham nổi”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), cho hay, tại địa phương có 210 thuyền công suất từ 40CV trở lên.

“Giờ khi ra khơi, ngư dân tính toán, xem thời tiết có thuận lợi hay không mới đi. Vì nếu đi một vài ngày mà quay vào sẽ lỗ tiền đá, dầu. Ở xã sau đợt Tết dân đang chủ yếu ở nhà, chỉ có những thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, còn tàu xa bờ chưa hoạt động, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá nhiên liệu tăng”, ông Hùng nói.

Ác mộng

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tiếp tục leo thang gây áp lực lớn với doanh nghiệp vận tải. Nhiều doanh nghiệp đau đầu tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, nhiều xe phải nằm bãi vì không có khách, không có hàng để chạy. Không ít doanh nghiệp thậm chí đã tính đến chuyện bỏ tuyến, bán xe, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, muốn bán xe cũng không dễ.

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tục tăng cao, trong khi đó, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% cơ cấu giá thành vận tải. Chúng tôi hoạt động cầm chừng, huề vốn hoặc lỗ. Cứ đà này, doanh nghiệp điêu đứng hết”, ông Trương Anh Khoa , Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại và Dịch vụ Tân Khoa Thịnh, than thở.

Ngụp lặn trong bão giá ảnh 2

Chủ tàu, sà lan tại cảng Hà Nội ngắc ngoải vì phải đội chi phí nhiên liệu quá lớn

Theo tính toán của ông Khoa, xe đầu kéo container tốn 35-40 lít dầu cho quãng đường khoảng 100km, tùy theo địa hình. Với mức giá dầu hiện nay là 19.865 đồng/lít, trung bình mỗi xe tốn gần 800.000 đồng tiền dầu cho chuyến hàng cự ly 100km. Đây là mức tăng khủng khiếp mà doanh nghiệp đang phải gồng gánh.

“Đơn vị chủ yếu vận chuyển hàng qua Lào và ngược lại, trung bình một vòng chạy hết khoảng 2.000km, tiêu thụ gần 1.000 lít dầu. Giá dầu tăng cao trong khi giá cước vẫn giữ nguyên, chưa thể điều chỉnh. Ngoài giá xăng dầu, nhiều loại chi phí khác bủa vây nên có lợi nhuận trong thời điểm này là không dễ dàng”, ông Khoa nói.

Không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, bà Trần Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Nam Quỳnh Anh, chuyên tuyến Nghệ An- Hà Nội và ngược lại, nói: “Việc xăng dầu tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí các loại hình vận tải, nhất là vận tải hành khách. Doanh nghiệp cũng không thể ngay lập tức tăng giá cước khi mỗi chuyến hiện chỉ có lèo tèo vài ba khách. Hiện, đơn vị cũng chỉ duy trì vài chuyến mỗi ngày để giữ tuyến”.

Ông Dương Văn Cường, Giám đốc Cty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Ngọc Ánh, nói: “Dịch bệnh, xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động. Vì có chạy cũng lỗ”.

Một vị lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An, nhận định: “Cách duy nhất để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bảo hiểm, miễn hoặc giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Điển hình là phí bảo trì đường bộ và BOT. Khi giá xăng dầu được điều chỉnh đi xuống, giá các loại hàng hóa mới quay đầu giảm và cước vận chuyển cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý”.

Tàu hàng bị đánh bồi

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, khu vực cảng Hà Nội (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) những ngày giá rét vắng lặng, chỉ lác đác một số tàu chờ hàng cập bến, bốc dỡ hàng tại điểm tập kết. Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng, chủ doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng xi măng thuê cho các công ty ở tỉnh Hải Dương, cho biết, doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển để gỡ khó cho đối tác – chủ thể cũng chịu ảnh hưởng không kém, nhưng việc này không dễ vì nếu giảm giá cước sẽ không bù đắp được chi phí đầu tư. “Sà lan chở hàng hóa của chúng tôi thường có công suất lớn, khoản đầu tư mỗi chiếc sà lan hơn 2 tỷ đồng, chưa kể phí sửa chữa định kỳ hằng năm, thuê nhân công bốc xếp hàng; riêng chi phí dầu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn. Nếu thời điểm này không tăng giá cước thì chúng tôi coi như lỗ vốn”, anh Hoàng nói.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. Anh Nguyễn Văn Linh, chủ tàu chuyên chở hàng thực phẩm tại cảng Hà Nội, nói: “Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, sẽ phải tăng giá cước vé để bù chi phí. Giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì có thể thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay hàng trăm triệu”.

Kim Sơn

Khánh Hòa: Ngư dân sợ lỗ

Mọi năm, sau Tết, tàu thuyền tại bến cảng Vĩnh Trường (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) lại tất bật cho những chuyến khơi xa. Nhưng hiện giá xăng dầu tăng cao nên nhiều ngư dân Khánh Hoà không dám vươn khơi vì sợ lỗ. Cùng với hàng trăm tàu thuyền đang neo đậu tại bến cảng Vĩnh Trường, 2 chiếc tàu cá của ông Nguyễn Tánh (43 tuổi, ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) cũng chịu cảnh nằm bờ gần 1 tháng nay.

Cũng neo tàu tại bến cảng Vĩnh Trường, ngư dân Nguyễn Xuân Quang (47 tuổi, trú tại phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) buồn rầu cho biết: “Tàu của tôi có công suất 317 CV, mỗi chuyến ra khơi tầm 3 ngày phải bơm khoảng 900 lít dầu, tương đương 19 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải lo chi phí ăn uống, tiền thuê bạn tàu nhưng chuyến đi gần đây nhất tôi chỉ thu về được gần 18 triệu. Vậy coi như thua lỗ nặng”.

THỤC HIỀN

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.