Xe tăng Nga tập trận ở vùng Rostov ngày 26/1. Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn Euractiv, quan chức cấp cao nói trên là đại diện của một quốc gia châu Âu tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels.
Quan chức này tiết lộ giới lãnh đạo NATO tin rằng Nga dường như không có kế hoạch khai màn một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.
“Để tấn công một quốc gia rộng lớn và có tiềm lực quân sự như Ukraine thì sẽ cần nhiều hơn những gì đang được triển khai ở biên giới”, nguồn tin nói.
Theo quan chức này, khối quân sự do Mỹ đứng đầu không bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc can thiệp quân sự vào Ukraine và cũng không có quyền làm việc đó vì Ukraine không phải là thành viên NATO. Tuy nhiên, Kiev vẫn là đối tác quan trọng của NATO, nghĩa là khối này “có nghĩa vụ về mặt đạo đức” phải trừng phạt Nga trong trường hợp có xung đột với Ukraine.
Các nước phương Tây từng nhiều lần cáo buộc Nga điều quân và khí tài đến biên giới để chuẩn bị tấn công Ukraine. Cáo buộc này liên tục bị Nga bác bỏ. Ukraine xác nhận việc binh sĩ Nga tập trung ở biên giới, nhưng cũng khẳng định chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra xung đột trong tương lai gần.
Ngược lại, Mátxcơva coi việc phương Tây gia tăng cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới Nga là một mối đe doạ và muốn có sự đảm bảo về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía Đông. NATO đã bác bỏ yêu cầu này và khẳng định Ukraine hoàn toàn có thể gia nhập khối quân sự nếu muốn. Việc phương Tây phớt lờ các đề xuất an ninh của Nga đã khiến Mátxcơva cảm thấy thất vọng.
Dù vậy theo nguồn tin của Euractiv, một số bước khác có thể được thực hiện để xoa dịu tình hình ở Đông Âu, ví dụ hai bên thống nhất về các hạn chế đối với máy bay chiến đấu và các cuộc tập trận dọc biên giới.
Cũng theo nguồn tin này, Mátxcơva ủng hộ việc thành lập một đường dây nóng cho các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 28/1 chỉ trích cách đưa tin thiếu khách quan về tình hình biên giới Nga - Ukraine của một số chính trị gia và báo giới phương Tây.
“Nếu theo báo giới phương Tây, thì có vẻ như chúng ta đang có chiến tranh, rằng quân đội đã lên đường, rằng các lực lượng đang được điều động. Nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta không cần phải hoảng sợ.”
Cũng theo Tổng thống Zelensky, việc cường điệu hoá căng thẳng Ukraine đã có tác động nặng nề lên nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, 2 "ông lớn" sản xuất vũ khí của Mỹ là Raytheon và Lockheed Martin thừa nhận mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây, cũng như viễn cảnh về nguy cơ xung đột ở Đông Âu đã mang lại những tín hiệu vui cho lợi nhuận của họ.