Tôi tình cờ đọc những dòng này trong cuốn Street food Vietnam của Mirjam Letsch khi ngồi tại một quán trà của người Việt ở Antwerp (Bỉ). Chủ quán trà không mua những cuốn sách về ẩm thực Việt bằng tiếng Hà Lan này. Một người Bỉ hay ghé quán chiêu chén trà cho ấm bụng, ăn canh xu hào nóng kèm vài lát bánh mì nguội đã rút những cuốn này trong tủ sách gia đình, tặng lại quán. Thì ra vẫn có những dòng chảy âm thầm mang văn hóa Việt tỏa hương vị, lan sắc màu ra thế giới. Những nền văn hóa không giao lưu, chỉ con người là gặp gỡ.
“Liệu pháp” tẩm ướp và chống ngủ gật tại Rwanda
Tháng 3/2015, Lưu Oanh- một bạn gái quen trong nhóm vợ Đông chồng Tây của chúng tôi gia nhập cộng đồng Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay ở Rwanda. Mảnh đất vùng Trung Phi này còn chưa qua cơn bàng hoàng bởi nạn diệt chủng năm 1994 sát hại gần hết tầng lớp trung lưu (và trí thức), gần đây Viện nghiên cứu Legatum trụ sở ở Anh còn bồi thêm nhận định: Hầu hết những người được đi học ở Rwanda chưa được học cách suy nghĩ độc lập và nghiêm túc.
Lần nào trò chuyện tôi cũng quan tâm Oanh xoay xở với người địa phương thế nào. “Em mời họ ăn nem rán với xa lát, họ chê: sao người Việt cứ thích rau, chúng tôi chỉ thích thịt. Em kể chuyện này với dân châu Âu đang làm việc ở Rwanda, họ mắng: Sao không mời bọn tôi? Chờ dài cổ để ăn món Việt đây”. Cô giúp việc người Rwanda ngạc nhiên vì bà chủ Việt bụng bầu vẫn cầu kỳ tẩm ướp gia vị cho từng món ăn trước khi nấu. Nấu được món phở ngon cũng đòi hỏi hàng năm kinh nghiệm và hàng giờ công phu ninh nước dùng, không như cô giúp việc của Oanh chép miệng “Chúng em chẳng tẩm ướp, cứ đổ cả vào nồi khuấy với nước, ninh nhừ rồi húp.” Bây giờ cô biết tuân thủ quy trình ninh nước dùng cầu kỳ, nấu phở và quấn nem đãi chủ nhà được rồi.
Chuyện Phi châu chưa hết. Gần đây Oanh mang em trai sang Rwanda chơi. Người được đi chơi mà sốt ruột cho kẻ đang làm việc. Ngủ gật suốt. Một ngày Oanh thấy em trai mang giấy ra dạy cách gấp hạc và làm lồng đèn cho mấy nhân viên bảo vệ trong khu nhà. “Cũng phải giúp họ học vài thứ giải trí chứ, cứ ngủ gật thế này đầu óc mê muội mất.” Nhưng cũng có nhiều điểm tiến bộ ở Rwanda trong mắt người Việt: đã thực hiện phân loại rác ngay trong mỗi nhà.
Dạy người Rwanda gấp hạc giấy, đèn lồng. Ảnh: Lưu Oanh
Hồ Gươm lung linh trên bàn tiệc ở Hà Lan
Nhờ một nhóm người Việt ở Hà Lan truyền nhau ảnh chiếc bánh sinh nhật hình Hồ Gươm và phố cổ Hà Nội, tôi mới biết Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Sinh 1989 ở Hải Phòng, 15 tuổi Phượng du học Anh, lấy bằng thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh và làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận tại London. Ba năm trước cô chuyển sang Hà Lan học tiếp thạc sĩ ngành Human geography (Địa lý Nhân văn), lấy chồng và bán hàng cho một hãng ngũ cốc tại thành phố Utrecht.
Lần gần nhất Phượng được dạo Hồ Gươm khi 7- 8 tuổi. Vậy mà ý tưởng của cô và yêu cầu của khách hàng ở Hà Lan về một chiếc bánh sinh nhật có hình Hồ Gươm vẫn ra lò. “Phải xem bao nhiêu ảnh, video về Hồ Gươm chứ chị. Em không ví việc làm bánh như một đam mê kiểu nhóm quay phim tài liệu về thế giới động vật phải chờ cả tháng trời trong giá lạnh mới tóm được đoạn phim ngắn về con báo tuyết. Nhưng nếu thích làm gì đó, như làm bánh, nên thử. Không thử làm sao biết sức mình đến đâu.”
Ngắm bánh của Phượng, tôi nghĩ không chỉ xem ảnh, video mà làm ra ngay được “mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời” như vậy. Có bột mới gột nên hồ. Tấm bằng thạc sĩ ngành Địa lý Nhân văn và sở thích nghiên cứu về thế giới, lịch sử, con người, cộng đồng, văn hóa... cũng là thứ bột nở cho mỗi chiếc bánh của Phượng trở thành một sản phẩm nghệ thuật ấn tượng.
Ngọc Phượng và chiếc bánh Hồ Gươm đặc biệt tại Hà Lan. Ảnh: Ngọc Phượng
Bướm vàng hay thằn lằn con?
Cách đây vài tháng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình VN có kế hoạch làm tiếp phim về người Việt ở nước ngoài. Anh hỏi tôi có thể gợi ý một vài đề tài. Điều này khiến tôi nhớ thời dán mắt vào màn hình tivi lồi xem Người Bắc Kinh ở New York. Nếu không làm phim về thế hệ xuất khẩu lao động, nếu không muốn những cô Quyên bị hãm hiếp triền miên trên màn ảnh nữa (phim Quyên), chúng ta phải dựng chân dung người Việt mới, đại sứ văn hóa thế hệ mới thế nào đây?
Tại một trường mẫu giáo ở Đức, bốn năm qua chỉ có bé Thu An người gốc Việt. Một ngày, cô giáo viết thư cho mẹ của bé (là bạn tôi) nhờ tìm giúp một bài hát trẻ em bằng tiếng Việt trong giờ giới thiệu về Việt Nam. Bạn tôi rơi vào trạng thái cảm xúc đặc biệt nhất trong suốt mười năm định cư tại Đức: cảm động, vui mừng, tinh thần Việt sôi lên sùng sục. Bạn quyết định chọn bài Kìa con bướm vàng, không thuần Việt nhưng “Giai điệu đinh đình đông quen thuộc với người Âu, lời ngắn, lặp đi lặp lại các bé dễ thuộc và dễ múa minh họa”. Vẫn gay go ở cao trào “Bươm bướm bay hai, ba vòng/ Em ngồi xem”. Tây mà hát “Bươm bướm bay” và “ngồi” là khó rồi. Bạn kín đáo chuyển thành “con bướm bay” và “em nhìn theo”. Cầm trên tay tờ giấy in lời song ngữ, nghe giọng hát bé Xuân Mai trong CD, mặt cô giáo vẫn méo xệch, không hiểu ca sĩ nhí hát gì. Bạn tôi ngỏ lời “Cô có thời gian không? Tôi luyện bài này cùng cô nhé.” Khi nghe cô giáo hát trôi chảy bằng tiếng Việt, nước mắt bạn chợt rơi xuống giấy. Cô giáo ngước nhìn, hiểu ra, choàng tay ôm lấy bạn. Bạn tôi tải clip các bé mẫu giáo Đức hát Kìa con bướm vàng lên facebook, nhận nhiều lời chúc mừng hai mẹ con đã làm tròn vai trò đại sứ. Có người còn thở phào “May chị không chọn bài Hai con thằn lằn con. Em sợ nhất bài đó.”
Chính tôi cũng không hiểu sao nghe hát Hai con thằn lằn con, đua nhau cắn nhau đứt đuôi lại bảo giúp bé ngon miệng. Cuộc gặp gỡ của con người hôm nay còn là sự trao truyền nhận thức điều gì cần giữ gìn, cái gì nên loại bỏ. Nhân tôi hỏi về xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài, một người bạn tiến sĩ hỏi lại “Người nước ngoài vào Việt Nam đang tăng không ngừng, xuất khẩu văn hóa có thể thực hiện ngay tại nước mình chứ đâu xa xôi, nhỉ?” Câu trả lời đã thấy ở Lai Châu. Ấy là khi đôi bàn chân to và dài của Mirjam Letsch xoay xở dưới gầm bàn thấp như thực hiện một nghi lễ: cúi đầu trước bát phở đang bốc khói lúc sáu rưỡi sáng trên miền sơn cước nước Việt.