Đó là ý kiến của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) tại buổi họp báo về Lễ công bố HVNCLC 2019 ngày 14/2.
Theo cuộc sát của Hội DN HVNCLC, siêu thị là nơi được NTD ưng đến nhất khi chọn mua nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Kế đến là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi. Chợ truyền thống tuy có giảm vị thế ở một số mặt hàng, nhưng vẫn chiếm ưu thế ở ngành hàng thực phẩm tươi sống. Kênh trực tuyến dù đứng cuối bảng, nhưng vẫn cho thấy xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử... hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ.
Cũng theo khảo sát, yếu tố chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là 2 vấn đề được NTD quan tâm hơn cả. Kế đến mới là các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với 1 bộ phận nhỏ NTD và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.
Đối với hàng xuất khẩu, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, hàng Việt muốn chinh phục nhà phân phối, chinh phục NTD thì phải có tiêu chuẩn. Nếu giới thiệu 1 sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ chứng nhận tiêu chuẩn nào thì chắc chắn các nhà phân phối, các đối tác nước ngoài sẽ lắc đầu, thậm chí họ không muốn nghe. Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng là rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hoá. Do vậy, muốn cạnh tranh, xuất khẩu đòi hỏi các DN phải thay đổi cách tiếp cận, đó là phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu...
“CPTPP có hiệu lực, sân chơi mới mở ra, nhưng cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng” – bà Hạnh cho hay.
Lễ công bố Hàng VNCLCC 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 20/2 tới đây và có chủ đề “Số hoá - chuẩn hoá và chinh phục thị trường”.
Tiệm tạp hóa cũng… số hóa
Nhiều chủ tiệm tạp hoá (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp. Mô hình “tiệm tạp hoá” tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hoá kinh doanh: không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra – vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản... Họ tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.