VŨ TRỤ SỢI TỰ NHIÊN
Lần đầu tiên tôi làm quen với “khuẩn chàm” nhờ gặp NTK Vũ Thảo, chủ nhãn hiệu Kilomet109. Hóa ra sắc chàm được tạo nên bởi những thực thể sống. Chính vì thế mà vải nhuộm chàm không chỉ đuổi bọ vải hay gián mà còn có khả năng kháng khuẩn, chống mốc. Đâm ra đồng bào dân tộc chỉ cần giặt với nước để rồi suốt hàng trăm năm, chiếc áo vẫn được truyền từ đời này sang đời khác.
Hóa ra chàm cũng có nhiều chủng loại. Chẳng hạn sắc độ gần như đen có được là do kỹ thuật cầm màu được đánh giá là đi trước các nhóm dân tộc thiểu số không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới của người Nùng An (Cao Bằng). Thảo có được nhận định đó sau khi nghiên cứu kỹ thuật nhuộm chàm của Nhật Bản, Ấn Độ, Bắc Phi và cả châu Âu. Sau đó chị thấy mình mới đủ “tư cách” hợp tác cùng các nghệ nhân Nùng An cho ra bộ sưu tập (BST) bền vững đầu tiên năm 2014 mang tên Hạt. BST giúp tác giả đoạt danh hiệu Quán quân cuộc thi Doanh nhân Sáng tạo Trẻ về Thời trang/Thiết kế do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức.
Hai BST trước đó của Thảo dùng chất liệu tơ tằm. Phải đến Hạt, chị mới bắt đầu kiểm soát toàn bộ từ trồng trọt, dệt nhuộm. “Đây chính là những giá trị ẩn mà rất nhiều hãng thời trang hoặc bỏ qua hoặc không có thời gian tiếp cận. Chính những lớp lang này làm cho sản phẩm của tôi không chỉ để mặc lên người mà đại diện cho một vùng văn hóa, có tính kết nối cộng đồng”.
Thảo nhận thấy độ tự tin của nghệ nhân tăng lên khi thấy sản phẩm truyền thống bao đời của dân tộc mình được “tái sinh” trong một hình thức hoàn toàn đương đại, hòa nhập quốc tế chứ không chỉ xoay quanh trang phục truyền thống hoặc vài món đồ lưu niệm quen thuộc bán cho du khách. Từ đó họ càng hào hứng tham gia “thử nghiệm” cùng Thảo.
“Văn hóa, kỹ thuật truyền thống thường được định dạng không bao gồm yếu tố đương đại hay công nghệ, nhưng thực ra bao hàm rất nhiều, thậm chí có những hiệu ứng phải dùng công nghệ cao mới tạo ra được”, Thảo ví dụ về kỹ thuật mài lanh của người H’Mông Đen ở Sapa. Họ chỉ dùng con lăn bằng đá và sáp ong mài cho sợi chảy ra, bóng lên, và có thêm tác dụng kháng nước, giữ ấm. Để được như vậy, công nghệ dệt may ngày nay phải dùng máy ép nhiệt.
Được Thảo dẫn dắt vào “vũ trụ” chất liệu tự nhiên, có những lúc tôi gần như xúc động khi sờ tận tay những chiếc cúc y như nhựa nhưng được tạo ra từ “ngà voi thực vật”, tức hạt của một loại cọ. Rõ ràng mẹ thiên nhiên vốn sẵn đủ mọi nguyên liệu đáp ứng các nhu cầu mặc và làm đẹp của con người.
Mọi loại cây đều có thể chế biến thành vải, miễn là có sợi, Thảo thông báo. Chị mới chế ra tơ dứa, sợi tầm gai và đã có những sản phẩm trình làng từ tơ chuối, tức lụa tiêu cát huyền thoại những tưởng thất truyền của người Việt. Tơ chuối hiện là di sản quốc gia của Nhật Bản do một tộc người thiểu số gốc Việt ở Okinawa nắm giữ bí kíp. Chính họ đã hỗ trợ Thảo khôi phục kỹ thuật dệt loại vải này tại Việt Nam. Ở Nhật, một chiếc kimono tơ chuối giá không dưới 20 ngàn đô. Còn áo dài tơ chuối (lớp trong tơ tằm) tại Kilomet109 đang có giá 750USD.
Thảo đánh giá kho tàng chất liệu tự nhiên ở Việt Nam vô cùng rộng lớn, càng đi càng mở ra nhiều con đường khác nhau. Hiện ngoài các nhóm dệt lụa tơ tằm của người Kinh, Thảo thường xuyên làm việc với 40 nghệ nhân các dân tộc H’Mông Đen- Xanh- Hoa, Thái, Kh’Mer... Nùng An là nhóm dân tộc chị hợp tác sớm nhất và kết quả đầu tiên làm Thảo sốc vì mấy trăm mét vải thành phẩm nhuộm lỗi không dùng được. Thảo nhận ra mình không thể chỉ mang ý tưởng đến để đặt hàng mà phải thực sự hiểu kỹ thuật chế tác cũng như chủ nhân của chúng. Chị tiếp tục bỏ ra nhiều tháng nằm vùng chỉ để quan sát và dần trở thành chị em với các nghệ nhân, sẵn sàng chia sẻ buồn vui cuộc sống.
Thảo dự định với mỗi BST sẽ giới thiệu 1-2 nhóm nghệ nhân mới. Sau Hạt mất 4 năm mới thành công, hiện chị có thể đẩy nhanh tiến độ đến mức 1-2 năm ra một BST, trong đó nửa năm đầu dành để làm chất liệu. “Tôi muốn có thương hiệu để chứng minh người Việt không chỉ biết chế tác mà còn thiết kế hoàn toàn một sản phẩm thời trang đương đại, đa dạng về ứng dụng chứ không phải thời trang thổ cẩm hay thời trang bền vững đơn thuần”, Thảo khẳng định.
“Việt Nam nằm trong số những quốc gia hiếm hoi có khả năng đáp ứng chế tác từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm với toàn bộ chu trình chất liệu bản địa. Nhờ các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa chưa bị nhịp độ phát triển can thiệp nhiều, nên bảo tồn khá tốt cả về kỹ thuật lẫn vùng nguyên liệu”.
NTK Vũ Thảo
100% MADE IN VIETNAM
Từ 2010, các kinh đô thời trang London, Milan, New York hay Paris rộ lên khái niệm thời trang bền vững, thời trang sinh thái hay thời trang lương tâm. “Khi nghe những từ rất bóng bẩy và mới này, tôi lập tức nghĩ có chút gì đó đánh tráo khái niệm. Vì đây là những kỹ thuật đã tồn tại ở Việt Nam bao đời nay rồi. Chúng mang những tên mới chỉ để thích ứng với một bộ phận nào đấy ở một nơi chốn nào đấy đã không còn nền chế tác thủ công nữa”.
Các khâu chế tác của người Việt chính là giải pháp cho những vấn đề nhức nhối mà công nghiệp thời trang đang phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, rác thời trang không phân hủy chất cao như núi. “Người Việt nên đi đầu trong trào lưu thời trang sinh thái”, Thảo kết luận. “Nó đã tồn tại rồi, chúng ta chỉ việc tiếp nối phát triển, làm cho nó đa dạng lên thôi”.
Hiện khách hàng có thể trực tiếp mua sản phẩm Kilomet109 tại Đức, Mỹ, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc… “Nếu gặp trắc trở bao nhiêu trong tiếp cận với nhóm cộng đồng thiểu số thì tôi lại khá xuôi chèo mát mái khi quảng bá sản phẩm ra quốc tế. Có lẽ vì yếu tố văn hóa độc nhất vô nhị, thành ra tôi cứ ngồi đấy thế là người ta tìm đến mình”, Thảo cười. “Rất nhiều nhà nghiên cứu đã trực tiếp liên hệ với thương hiệu của tôi. Tôi có nhiều cơ hội đứng lớp cho học viên nước ngoài. Họ vốn là các chuyên gia về văn chương, phim ảnh, nhân chủng học, xã hội học, kinh tế học… sau đó lại thành đại sứ cho thương hiệu của tôi. Nhờ đó, tôi không cần đến những chiến dịch quảng bá rầm rộ hay show diễn ồn ào mà vẫn đến được với người tiêu dùng”.
“Một số sinh viên, nghệ sĩ yêu thích sản phẩm của tôi muốn mua trả góp. Lúc đầu, tôi nói không nhưng rồi nhận thấy cần đáp ứng họ vì Kilomet109 là của người Việt phục vụ người Việt. Được người Việt mặc đồ của mình sướng lắm, thực sự gấp mấy lần khách hàng quốc tế. Tôi cảm thấy người Việt mới chính là chủ của những sản phẩm này. Chất liệu Việt khoác lên người Việt ra ngay tinh thần”.
NTK Vũ Thảo
Khi COVID-19 bắt đầu xảy đến, Thảo nhận được nhiều email toàn của các giáo sư ĐH Columbia, ĐH Harvard, Trường Nghệ thuật Hoàng gia London. “Họ lo mạng lưới chế tác của tôi bị ảnh hưởng”, chị kể. “Những lời động viên quan tâm của họ khiến tôi rất xúc động. Chính họ đã vận động một chiến dịch ủng hộ nhãn hiệu của tôi. Mỗi người mua vài sản phẩm. Nên trong suốt thời gian giãn cách, chúng tôi không nghỉ một ngày nào”. Một vị cứu tinh nữa, Tổ chức Lãnh đạo Gây ảnh hưởng và chính phủ Hàn Quốc. Năm 2017, họ trao cho Thảo giải Quán quân cuộc thi Nghề thủ công và Thiết kế Đột phá kèm hỗ trợ trong 3 năm để xây dựng dòng sản phẩm dễ phổ cập hơn để bán tại chuỗi cửa hàng phân phối của họ.
Thảo là một ví dụ về nghề chọn người, ban đầu chị học thiết kế tại Học viện Thời trang London tại Hà Nội chỉ mong trở thành cây bút về thời trang. Nhưng chưa tốt nghiệp đã có lời mời làm về thiết kế. Sau thời gian làm việc với các nhãn hiệu của Anh và Đức, Thảo nhận ra thiết kế chính là nghiệp của mình.
Trước đó, khi còn là sinh viên, thấy các bạn xung quanh toàn mặc quần bò áo phông, Thảo đã cho rằng nhạt “chẳng kết nối gì với nơi chốn, với văn hóa của mình”. Thảo thì cứ dận guốc mộc, mặc áo bà ba hoặc diện cả cây đồ của nhiều dân tộc khác nhau. Thảo hồi nhỏ ở Đông Hưng, Thái Bình vẫn chạy tung tăng giữa những đồng lúa và đồng dâu sang nhà mợ chơi, xem dệt vải, rồi mày mò may áo cho mình, cho người thân, bè bạn. Ai ngờ cô bé ước mơ làm thanh tra (vì mê mệt nhân vật Cattani trong phim Bạch tuộc) hồi đó lại có ngày trở thành nhà thiết kế thời trang tầm cỡ quốc tế, chuyên đi “điều tra” và hồi phục thời trang 100% Việt.
Gặp gỡ NTK Vũ Thảo và tìm hiểu về Thời trang sinh thái 100% Made in Vietnam trên kênh Khôi Minh Talk&Show:
Tối 26/10 tại phòng đa năng viện Goethe, Hà Nội, NTK Vũ Thảo giới thiệu bộ sưu tập Miên với chất liệu thử nghiệm: vải do tằm tự dệt nhuộm chàm phối hợp với nghệ nhân ở Hà Tây và chất liệu dựa trên truyền thống: đũi An Giang nhuộm mặc nưa. Người mẫu sẽ trình diễn cùng mặt nạ- tác phẩm của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh.