Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian áp dụng từ ngày 11/9 - 31/12. Theo đó, tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời hạn trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh.
Người lao động cư trú bất hợp phát chỉ cần hộ chiếu, vé máy bay xuất cảnh, đơn khai báo tự nguyện xuất cảnh đến trực tiếp đến các Văn phòng Xuất nhập cảnh tại nơi cư trú để khai báo. Hoặc những người này có thể khai báo trực tuyến trên trang web Hikorea (http://hikorea.go.kr); sau đó đến Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay trong ngày xuất cảnh để được nhận xử lý miễn đóng tiền phạt và hoãn hạn chế nhập cảnh rồi xuất cảnh về nước. Thời gian thực hiện khai báo tự nguyện xuất cảnh phải thực hiện muộn nhất trước 3 ngày xuất cảnh.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ không áp dụng cho những trường hợp cư trú bất hợp pháp kể từ sau ngày 11/9, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội hình sự, người không thể thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh…
Những lao động cư trú bất hợp pháp về nước trong thời gian từ nay đến hết năm sẽ được miễn phạt 550 triệu đồng và miễn hạn chế nhập cảnh. |
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, song song với thời gian thực hiện chính sách lần này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung, tăng cường công tác truy bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên toàn Hàn Quốc đợt 3 từ tháng 10. Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách nêu trên sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won (khoảng 550 triệu đồng) và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến nửa năm nay, Việt Nam có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động “chui” cao nhất, chiếm đến 26% (tức khoảng hơn 12.000 người).
Về lý do lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, do tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại. Ngoài ra, do các lý do khách quan, bất khả kháng như tình hình an ninh nước sở tại không đảm bảo, chủ sử dụng phá sản; công trình dự án bị đình trệ, thiếu việc làm.
Một số người lao động chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và không hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết. Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa quyết định xử phạt Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ Tín Phát 60 triệu đồng về lỗi chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc khi chưa có văn bản chấp thuận của bộ này. Công ty này bị đình chỉ việc tuyển nguồn lao động trong 18 tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xử phạt hàng loạt doanh nghiệp như công ty Cổ phần Cung ứng xuất khẩu lao động Công Thương Hà Nội, Công ty Cổ phần Tiến bộ Infinity Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư Thuận An DMC, Công ty Cổ phần tư vấn du học và Thương mại Giang Anh, Công ty cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế - Inlaco Sài Gòn.
Nguyên nhân do những công ty này không tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở Nhật Bản, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt quá số lượng người đăng ký theo hợp đồng cung ứng, và vi phạm các quy định về Luật lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.