Người Trung Quốc, Nhật Bản phản đối hộ chiếu có 'đường lưỡi bò'

Người Trung Quốc, Nhật Bản phản đối hộ chiếu có 'đường lưỡi bò'
TP - Nhiều học giả, thường dân Trung Quốc nói về cái hại của hộ chiếu in bản đồ có “đường lưỡi bò”, coi đó là thiếu lý trí, phi đạo đức. Dù bản đồ không thể hiện đảo tranh chấp với Nhật Bản, nước này cũng phản đối việc in “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu mới.

> Trung Quốc phân bua về hộ chiếu 'đường lưỡi bò'
> In 'đường lưỡi bò' lên hộ chiếu - đòn thử của Trung Quốc
> 'Đường lưỡi bò' trên hộ chiếu bị chính dân Trung Quốc phản ứng

Nhiều nhân sỹ của Trung Quốc cho rằng, việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu của của Trung Quốc là không thỏa đáng, là nước lớn bắt nạt nước nhỏ, ảnh hưởng hoạt động xuất ngoại của công dân Trung Quốc, gây nên sự bất bình trong dân chúng Trung Quốc.

Theo các nhân sỹ Trung Quốc, trong vấn đề lãnh thổ, chính phủ không nên để công dân phải gánh chịu, trở thành người bị hại.

Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Thời Ân Hoằng, nói: “Việc in bản đồ lên hộ chiếu mới làm cho mọi việc càng trở lên khó khăn hơn, gây ra nhiều phiền toái, bởi tranh cãi lãnh thổ đã đủ lắm rồi”.

Theo ông Thời, quyết định cho in bản đồ lên hộ chiếu có thể là từ quan chức cấp bộ, không phải từ lãnh đạo cấp cao, nhưng nhìn từ tác phong nhất quán của Trung Quốc, có thể đây chỉ là một cách nói.

Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, ông Triệu Cán Thành, nói: “Trung Quốc chế tác hộ chiếu điện tử, nên in bản đồ làm bối cảnh; nảy sinh vấn đề này, chúng tôi đã có dự kiến trước”.

Thiếu lý trí, phi đạo đức

Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng, việc Trung Quốc chủ động thiết kế hộ chiếu mới với bản đồ có “đường lưỡi bò” đã làm gia tăng tranh chấp quốc tế, như vậy là thiếu lý trí.

Bà Ái Mễ Lợi nói: “Thật không may cho các công dân bình thường, cầm hộ chiếu Trung Quốc mà bị kỳ thị trên thế giới, thà rằng đừng xuất ngoại nữa”.

Một người dân Trung Quốc khác nói: Hộ chiếu liên quan lợi ích thiết thân của công dân Trung Quốc, việc in “đường lưỡi bò” như vậy hoàn toàn lấy công dân Trung Quốc để thăm dò phương hướng, đi đầu cơ, đi mạo hiểm, như vậy là rất vô đạo đức.

Từ ngày 15-5, Trung Quốc ban hành mẫu hộ chiếu phổ thông mới có gắn chíp điện tử, có thời hạn 10 năm cho công dân từ 16 tuổi trở lên và 5 năm đối với người 16 tuổi trở xuống.

Hộ chiếu này có 48 trang, ngoài các trang tư liệu cá nhân, trang ghi chú ra, 40 trang còn lại của hộ chiếu (bắt đầu từ trang 8 đến trang 47) được in chủ đề tranh ảnh.

Ba trang số 8, 24 và 46 in ảnh phong cảnh có 3 biểu tượng của Trung Quốc (quảng trường Thiên An Môn, Vạn lý trường thành và Thiên Đàn), đồng thời in rõ bản đồ có “đường lưỡi bò”.

Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, thiết kế hộ chiếu mới của Trung Quốc mang tính khiêu khích.

Theo họ, tranh cãi lần này có thể không gây ra tổn hại lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, nhưng điều này cho thế giới thấy cục diện căng thẳng gây ra bởi Trung Quốc.

Giáo sư Ran Bogong, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, sống ở bang Ohio (Mỹ), nói rằng, hành động gây hấn của Trung Quốc ngày càng leo thang.

Đã chính thức tuyên bố có chủ quyền đối với các đảo có tranh cãi ở biển Đông, Trung Quốc lại tiến thêm bước nữa trong việc in bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu mới, thông báo bắt đầu từ năm sau có thể lên tàu kiểm tra tàu bè nước ngoài xâm nhập, thậm chí đẩy đuổi, bắt giữ.

Mặc dù Trung Quốc nói rằng động thái của mình không ảnh hưởng tự do hàng hải quốc tế, song cách làm như vậy sẽ đem lại hậu quả rất nghiêm trọng, giáo sư Ran Bogong nhận định.

Nghiên cứu viên Jonh Blaxland, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng - Đại học quốc lập Úc, nói: “Chúng ta vừa thấy một chuyển biến quan trọng của Trung Quốc. Họ sẽ chu tâm tích trí hành động từ từ, mong đạt được mục tiêu của mình một cách từ từ. Nói thật ra, khó có thể chuẩn bị kỹ càng để ứng phó động thái khiêu khích này”.

Việc Trung Quốc in “đường lưỡi bò” ở biển Đông lên hộ chiếu mới đã gây phẫn nộ cho nhiều nước láng giềng.

Một quan chức ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh nói: “Ngoại giới coi như vậy, có nghĩa là cục thế đã nghiêm trọng hơn, vì Trung Quốc đang cấp phát vô số hộ chiếu mới. Nếu Bắc Kinh sau này thay đổi lập trường thì bắt buộc phải thu hồi tất cả hộ chiếu mới đã cấp phát”.

Báo chí Nhật Bản chỉ trích

Báo Asahi của Nhật Bản cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang từng bước thúc đẩy “chiến lược bản đồ” của mình.

Hộ chiếu mới chỉ là hình ảnh thu nhỏ của “chiến tranh lãnh thổ” mà Trung Quốc phát động với các nước xung quanh trong tương lai.

Báo Yomiuri viết rằng, Trung Quốc chủ động khêu gợi “chiến tranh hộ chiếu”, tự biến mình thành mục tiêu công kích của các bên liên quan, gồm Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, thậm chí cả Đài Loan đều cáo buộc Trung Quốc cố tình gây ra tranh cãi ngoại giao.

Báo tin tức Sankei bình luận, mặc dù cách làm của Trung Quốc không có ý nghĩa gì về vấn đề quốc tế, nhưng hộ chiếu mới cũng không thể làm chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu mới đã tự biến mình thành đối tượng thảo luận, phản đối của các nước Ấn Độ, Philippines, Việt Nam...

Website của truyền hình NHK nhận định, chính phủ Trung Quốc đột nhiên khêu gợi giao chiến lãnh thổ trên hộ chiếu, điều này chỉ làm cho các nước xung quanh đua nhau làm theo.

Xuân Phúc
Theo báo chí Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó có Hoàn Cầu thời báo, Nhân Dân nhật báo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.