> Đi số lùi - hiện tượng khác biệt?
Bạn trẻ đi phát tờ rơi tại TPHCM. Ảnh: Q.M. |
Độc giả Lê Nghĩa cho rằng: Thành phố sôi động luôn có nhiều cơ hội việc làm, nhưng những cử nhân mà bài báo đề cập lại không chịu khó học hỏi, không cầu tiến nên bị đào thải là điều dễ hiểu.
Bạn đọc Nguoiviet cho rằng hiện tượng trên không có gì lạ vì ở nhiều nước, có người cầm bằng bằng tiến sĩ vẫn chạy taxi, miễn là kiếm tiền bằng nghề chân chính còn hơn người cố gắng vào cơ quan nhà nước rồi ngồi chơi, xơi nước, cuối tháng nhận lương. "Đó mới là những người ăn bám tiền thuế của dân", Nguoiviet viết.
Bạn Nguyễn Quốc Cường (Đà Nẵng): "Làm việc gì cũng được miễn là kiếm được nhiều tiền nhưng thanh niên bỏ việc để chạy xe ôm cần phải xem lại thái độ với học tập".
Không ít độc giả cho rằng nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách giáo dục; nhiều bạn trẻ tốt nghiệp không có tiền, không quen biết khó có cơ hội việc làm. Dương Văn Ngọc (25 tuổi - Thái Bình) cũng cho rằng lỗi nằm ở ngành giáo dục. Khi trường ĐH mở ra như nấm, hốt vào và nhả sinh viên chất lượng thấp ồ ạt, không đáp ứng được yêu cầu công việc là dễ hiểu.
Bạn đọc Nguyễn Thủy: "Đến bao giờ môi trường việc làm ở nước ta mới có sự cạnh tranh lành mạnh, tiêu chí đầu tiên phải là học giỏi, đạo đức tốt chứ không phải con ông nọ, bà kia hay gia đình có bao nhiêu tiền? Tôi chứng kiến người từng tốt nghiệp tiến sĩ về khoa học tự nhiên ở nước ngoài về vẫn không xin được vào một viện khoa học".
Trên Facebook, nick name Tuanpham kể: Một bạn trẻ học trường liên kết quốc tế, nhưng dành hầu hết thời gian chơi game, đi chơi vì bố mẹ đã dành sẵn 300 triệu đồng để xin việc. Tuanpham viết: "Suy nghĩ như thế, khi đi làm, bạn trẻ bị đánh bật là dễ hiểu".
Tại các diễn đàn Linkhay.com, webtretho.com, Facebook... đa số ý kiến trình bày tỏ lo ngại Đi số lùi sẽ trở thành vấn đề lớn nếu người trẻ không nghiêm túc hơn với chính mình. Nhiều cư dân mạng cho rằng, xã hội càng hiện đại, càng đòi hỏi khả năng chuyên môn, nghiệp vụ cao cộng với các kỹ năng xã hội, ngoại ngữ.
"Những việc như cắt tóc, chạy xe ôm, sửa xe máy, thợ hồ?không xấu, nhưng nếu tốt nghiệp ĐH để làm việc đó, bạn đã hoài phí tiền của ăn học nhiều năm trên giảng đường", một cư dân mạng chia sẻ. Bạn đọc Nghĩa Nam (TPHCM) viết: "Thanh niên ngày nay không ít người sống ảo, tự tôn mình là trung tâm vũ trụ mà quên đi đức tính cầu thị, học hỏi vươn lên hoàn thiện mình cả trình độ chuyên môn lẫn đạo đức".
Nguyễn Hà (tổng hợp)