Người tố cáo 'nhân bản' giấy xét nghiệm bị tố ngược

Người tố cáo 'nhân bản' giấy xét nghiệm bị tố ngược
TP - Trong khi Công an Hà Nội ráo riết điều tra vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, những ngày qua bỗng nhiên lại xuất hiện nhiều đơn thư tố ngược chị Hoàng Thị Nguyệt gửi đến các cơ quan chức năng.

> Khen thưởng cá nhân, tập thể tố cáo sai phạm ở bệnh viện Hoài Đức
> Hơn 1.000 phiếu xét nghiệm khống

Như đã phản ánh, chị Hoàng Thị Nguyệt (cán bộ Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Hoài Đức) chính là người đã dày công thu thập bằng chứng, dũng cảm đứng lên tố cáo vụ tiêu cực. Nhóm PV Tiền Phong quay lại BV Đa khoa Hoài Đức tìm hiểu sự việc.

Tố ngược

Một số phiếu xét nghiệm do chị Nguyệt ký được gửi kèm đơn thư tố ngược
Một số phiếu xét nghiệm do chị Nguyệt ký được gửi kèm đơn thư tố ngược.
 

Trong “đơn kêu cứu” được cho là của gần 40 cán bộ y bác sỹ BV Hoài Đức gửi đến các cơ quan chức năng, họ cho rằng chị Hoàng Thị Nguyệt không xứng đáng để nhận được sự tung hô của dư luận. Nội dung đơn cho rằng chị Nguyệt thường gợi ý bệnh nhân làm các xét nghiệm ngoài chỉ định của bác sỹ để thu tiền ngoài biên lai. Do vậy, ban lãnh đạo bệnh viện phân công chị Nguyệt làm xét nghiệm nội tiết để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân(?!).

Lá đơn còn nêu, trong quá trình công tác, chị Nguyệt cũng chính là tác giả của hàng trăm bản xét nghiệm “nhân bản”. Gửi kèm đơn tố cáo là một số phiếu kết quả được cho là bị “nhân bản” của nhiều bệnh nhân khác nhau. Đơn cử như trường hợp trùng các chỉ số xét nghiệm của bà Nguyễn Thị Mẩu (82 tuổi, bị viêm phổi) và Lê Thị Xin (74 tuổi, bị suy tim độ IV).

Cá biệt, còn có 3 bệnh nhân trùng các chỉ số xét nghiệm, như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Danh Mơn (64 tuổi, đau thắt lưng cấp), Trần Thị Ba (62 tuổi, tọa cột sống) và bệnh nhân tên Hường (38 tuổi, đau thần kinh khoeo trái), cùng nhập viện tháng 6/2012. Những phiếu kết quả xét nghiệm trên đều do chị Nguyệt ký xác nhận.

Các đảng viên bất ngờ rút đơn

Làm việc với PV Tiền Phong sáng 13/8, ông Đoàn Thịnh Trường (Phó giám đốc BV Hoài Đức) xác nhận, trong ngày thứ Sáu (ngày 9/8), Ban Giám đốc BV đã nhận được “đơn kêu cứu” của một số cán bộ, y bác sỹ, tố chị Nguyệt là tác giả của nhiều phiếu xét nghiệm nhân bản. Ngay trong tối 9/8, ông Trường đã báo cáo sự việc lên Huyện ủy Hoài Đức.

Sang sáng thứ Bảy (10/8), ông Trường mời các đảng viên có tên trong đơn đến BV, phân tích về nguyên tắc đảng viên không được ký đơn tố cáo tập thể. “Tuy nhiên, trước cuộc họp này, các đảng viên đã xin rút lại đơn tố cáo, đến nay BV không còn giữ lá đơn tố cáo nào” – ông Trường nói. Về việc những đơn tố cáo trên đã được gửi đến các cơ quan chức năng thì thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan này.

Chị Nguyệt nói gì?

Sáng cùng ngày, tại Khoa Xét nghiệm, chị Nguyệt vẫn tất bật với công việc chuyên môn. Theo quan sát của PV, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại BV Đa khoa Hoài Đức khá đông, chị Nguyệt cùng một nữ đồng nghiệp khá vất vả với việc trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân.

Tiếp xúc nhanh với các PV tại phòng làm việc, chị Nguyệt cho biết chữ ký ở các phiếu kết quả xét nghiệm (do PV đưa cho chị Nguyệt xem) đúng là do chị thừa lệnh Trưởng khoa Xét nghiệm ký. Song, chị Nguyệt bác bỏ hoàn toàn thông tin cho rằng mình đã “nhân bản” kết quả xét nghiệm. “Có thể ai đó thù ghét tôi nên đã làm như vậy” – chị Nguyệt nói.

Về phía Công an Hà Nội, một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) cho biết cũng đã nhận được một số đơn thư tố ngược chị Hoàng Thị Nguyệt và đang xác minh làm rõ. Theo vị cán bộ này, trước hết phải biểu dương tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực của chị Nguyệt, đúng sai thế nào còn phải chờ kết quả điều tra. Nếu trong trường hợp đơn thư tố cáo chị Nguyệt không có cơ sở cũng phải làm rõ để bảo vệ người tố cáo.

“Nhân bản” không ảnh hưởng đến việc khám bệnh?

Phó giám đốc BV Đoàn Thịnh Trường cho biết, sau khi vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm bị phát hiện, Ban Giám đốc BV đã tổ chức cuộc họp khẩn với Khoa Xét nghiệm, yêu cầu toàn bộ cán bộ nhân viên làm tường trình. Theo đó, một số cán bộ thừa nhận có “xin” kết quả xét nghiệm khống. “Họ sợ con, cháu bị đau khi lấy máu làm xét nghiệm, nhưng đó là những trường hợp bệnh tình đã rõ ràng như sốt viêm họng chẳng hạn” – ông Trường nói. Một số trường hợp khác xin khống kết quả xét nghiệm cho hồ sơ khám sức khoẻ đi làm, đi học...

Theo ý ông Phó giám đốc, tường trình của các cán bộ nhân viên trên cho thấy việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm vì những mục đích trên nên không ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi PV hỏi về trường hợp cháu bé 3 tuổi đến khám bị “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu của người động kinh, ông Trường lại nói cơ quan điều tra đang làm rõ.

Ông Trường cho biết trước khi có đơn tố giác của chị Nguyệt, Ban giám đốc BV không nhận được phản ánh, không có dư luận trong BV về những dấu hiệu tiêu cực tại Khoa Xét nghiệm, việc này có phần trách nhiệm của Đảng uỷ, Ban giám đốc BV...

Sáng qua, các PV đã tiếp xúc với ông Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc BV Hoài Đức). Tuy nhiên, ông Liêm nói mình đang bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày nên không thể phát ngôn; ông đến BV chỉ để giải quyết, ký một số giấy tờ, thủ tục tồn từ trước, do yêu cầu của cấp trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG