Người tiên phong làm kinh tế giỏi tại buôn cổ nhất Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ở cái tuổi đã ngoài 60, sáng sớm tinh mơ Ama Briết lái chiếc xe kéo tự chế vào rẫy cắt cỏ cho bò. Chính bởi sự siêng năng, cần cù đã giúp ông trở thành tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế tại buôn làng.

Thuộc bộ phận nhỏ người dân tộc ÊĐê sinh sống giáp ranh dòng sông Sêrêpôk tại địa bàn Đắk Nông, ông Ama Briết (SN 1962, trú tại buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) là tấm gương nông dân đồng bào dân tộc thiểu số cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó học hỏi, vươn lên làm giàu trong buôn.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Ama Briết luôn tìm hướng phát triển kinh tế riêng, cập nhật xu hướng trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình hiện đại thu về hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình ông sở hữu 5ha đất canh tác, trồng xen nhiều loại cây từ tiêu, cà phê, cây ăn quả và sản xuất lúa...

Người tiên phong làm kinh tế giỏi tại buôn cổ nhất Tây Nguyên ảnh 1

Ông Ama Briết không ngừng thay đổi tư duy mới mẻ về trồng trọt và chăn nuôi

Về phương pháp phát triển hiệu quả cây trồng, ông Ama Briết chia sẻ: “Tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức nên nắm bắt kịp thời nhiều thông tin bổ ích. Gia đình tôi áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hoá học để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cây trồng".

"Chính vì thế, với diện tích trồng chính 3ha cà phê, gia đình tôi thu về từ 8-9 tấn cà phê nhân mỗi năm”, ông Ama Briết nói thêm.

Người tiên phong làm kinh tế giỏi tại buôn cổ nhất Tây Nguyên ảnh 2

Gia đình Ama Briết mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, gà, heo...

Bên cạnh đó, gia đình ông Ama Briết còn tập trung đầu tư nuôi bò sinh sản, heo, gà... để phát triển kinh tế. Trong thời gian đầu, gia đình Ama Briết được nhà nước hỗ trợ vốn để mua 1 con bê, nhờ chăm sóc khéo léo và kỹ lưỡng, trang trại đến nay đã có 20 con bò.

Theo ông Ama Briết, cứ trong vòng 2 năm, đàn bò sinh sản thêm được khoảng gần 10 con bê, thu nhập từ 160-230 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng phân bò làm phân bón cho cây trồng.

Ông Y Ba Ktul (SN 1965) trưởng buôn Buôr cho biết, không chỉ làm giàu riêng cho mình, Ama Briết còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều hộ gia đình khác. Cùng với đó, ông tạo động lực cho các hộ hội viên nông dân trong buôn không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên xoá đói, giảm nghèo.

Người tiên phong làm kinh tế giỏi tại buôn cổ nhất Tây Nguyên ảnh 3

Ông Ama Briết sống hạnh phúc với vợ H'Ren - B'Krông trong căn nhà xây khang trang

Với đức tính siêng năng, chịu khó trong lao động sản xuất và là người có uy tín trong buôn làng, nhiều năm liền Ama Briết đảm nhiệm vai trò làm trưởng Chi hội trưởng nông dân, Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi của buôn.

Cũng theo ông Y Ba, trong công tác, ông Ama Briết luôn nhiệt tình, hết lòng, tận tuỵ với công việc. Ngoài giúp nhiều bà con thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn trong việc sản xuất, chăn nuôi... Ama Briết còn là cá nhân thể hiện nếp sống mẫu mực, thường xuyên khuyên dặn, dạy bảo con cháu giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống đồng bào dân tộc ÊĐê. Đặc biệt, ông rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

Vào năm 2007, buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá, kết luận là buôn làng cổ nhất của người ÊĐê ở Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG