66 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2021):

Người thủ lĩnh can trường

Bác sĩ Cấp (áo đen) tập huấn cho y bác sĩ ở tâm dịch Chí Linh
Bác sĩ Cấp (áo đen) tập huấn cho y bác sĩ ở tâm dịch Chí Linh
TP - “Lần thứ mấy anh ở tình trạng cách ly vì COVID-19 vậy?”, đôi mắt cười nheo nheo, sau lớp khẩu trang y tế tôi hình dung ra nụ cười đôn hậu của người đàn ông luôn lặng lẽ ẩn mình vào công việc.“Anh tạm thời chưa nhớ nhưng khoảng tháng rưỡi rồi chưa về nhà với vợ con”.

Chiều 28/1, đang trực ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện nhận lệnh huy động từ Bộ Y tế. Chỉ kịp gọi về cho vợ con báo một câu: “Anh đi công tác Hải Dương gấp nhé”. Suốt đoạn đường từ Hà Nội về Hải Dương chen trong tâm trí anh chỉ toàn những suy nghĩ về nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương này. Hàng loạt câu hỏi đặt ra khi quy mô và bối cảnh dịch bệnh tại đây khác hẳn với 2 đợt dịch tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Người thủ lĩnh can trường ảnh 1 Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

“Với tôi niềm vui là khi chữa khỏi cho người bệnh. Những niềm vui nho nhỏ hằng ngày cứ dày lên như vậy khiến tôi quên đi những áp lực, mệt mỏi, thậm chí đã quá quen với áp lực nên giờ tự tôi cũng không còn cảm thấy stress nữa. Công việc vất vả, chỉ cần có chút thời gian cho gia đình, hay chỉ cần được ngủ một giấc đầy thế đã là thỏa mãn lắm”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Trong thời gian ngắn, bằng kinh nghiệm chống dịch lâu năm bác sĩ Cấp nhanh chóng tìm hiểu về địa bàn mình sẽ đến và nhận ra đội ngũ nhân viên y tế ở đó còn hạn chế, không bằng ở Đà Nẵng. Trên xe di chuyển đến Hải Dương đêm đó, ngay lập tức anh tính toán các phương án làm thế nào để sử dụng số cán bộ y tế ít nhất nhưng tiếp nhận được nhiều bệnh nhân. Lúc đó cần rất nhiều nhân viên y tế vì có đến hơn 30 điểm cách ly cần cán bộ y tế, chưa kể vẫn cần bác sĩ để khám chữa bệnh thông thường cho người dân.

Ngay trong đêm 28/1, cùng các đồng nghiệp, bác sĩ Cấp không một phút nghỉ ngơi, phải bằng mọi cách chuyển Trung tâm y tế thành Bệnh viện Dã chiến số 1 - cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong thời gian 10 tiếng từ 22 giờ đêm 28 đến 8 giờ sáng 29/1 phải hoàn thiện một núi công việc như lên kế hoạch chuyển bệnh nhân đang điều trị sang cơ sở y tế khác, phòng chống chống lây nhiễm, chiến lược tổ chức bệnh viện dã chiến và kế hoạch đào tạo tập huấn để các đồng nghiệp ở địa phương có thể tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ ngày 29/1.

Kinh nghiệm từ 2 đợt dịch COVID-19 vừa qua đã hình thành phản xạ nhạy bén trong suy nghĩ của bác sĩ Cấp trước những tình huống bất ngờ như vụ dịch ở Hải Dương. “Khi nghe thông tin mình có thể phân tích được phạm vi của nó. Ví dụ như tại Hà Nội ai cũng biết khi xảy ra thì gánh nặng chủ yếu là phong tỏa và giải quyết hệ lụy của việc phong tỏa. Còn trong vụ dịch Đà Nẵng xảy ra tại bệnh viện với quá nhiều bệnh nhân nặng thì gánh nặng chính là điều trị. Còn tại Chí Linh khi tôi nhận được thông tin có vụ dịch xảy ra tại nhà máy có mấy nghìn công nhân thì ngay trước khi xuống mình biết số bệnh nhân sẽ rất đông và gia tăng rất nhanh”.

 “Nhân viên y tế mỏng, bệnh nhân đông, làm thế nào tiết kiệm y bác sĩ một cách tối đa nhưng điều trị cho bệnh nhân phải đạt hiệu quả tối ưu nhất” là điều mà anh trăn trở. Ban đầu phần lớn các nhân viên y tế tại địa phương vẫn còn lúng túng. Vì thế những ngày đầu tiên đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cùng các bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ đã trực tiếp chỉ đạo điều trị trên từng bệnh nhân, song song với việc đào tạo, tập huấn online về chuyên môn và điều trị. Nhờ đó đội ngũ y bác sĩ địa phương từng bước tiếp cận các khía cạnh đặc thù của điều trị bệnh nhân COVID-19. Đội ngũ chuyên gia hằng ngày cũng thường xuyên vào khu vực điều trị để giám sát, uốn nắn từng thao tác của nhân viên y tế để đảm bảo tốt việc phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện. Nhóm chuyên gia cũng phải thường xuyên trực tuyến 24/24 để có thể hỗ trợ các đồng nghiệp trực tiếp điều trị bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Vì tính chất công việc, trong hơn 20 năm làm nghề đã 17 lần anh đón Tết tại bệnh viện. Tết năm nay khác hơn bởi anh đón giao thừa tại nơi đất khách. “Tết vừa rồi thực sự đặc biệt, không chỉ với tôi mà với rất nhiều đồng nghiệp. Nói không buồn là nói dối vì ngày Tết ai chẳng mong về với gia đình. Nhưng nếu chúng tôi rời bỏ chiến tuyến thì ai lo cho bệnh nhân? Xung quanh tôi lúc bấy giờ còn rất nhiều người dân dù không phải ở lại thực hiện nhiệm vụ như y bác sĩ cũng không thể về quê do ở trong các vùng bị phong tỏa. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng để cùng vượt qua”, bác sĩ Cấp nói. Anh là vậy, luôn kiệm lời, nhưng cũng luôn quyết đoán, mạnh mẽ trong các quyết định sống còn với tính mạng bệnh nhân. Với đồng nghiệp, anh chính là vị thủ lĩnh tin cậy và can trường.

Không gục ngã

Đón Giao thừa hay không thì guồng quay công việc anh và các chiến sĩ áo trắng vẫn không có gì thay đổi suốt dịp Tết Nguyên đán. Lần đầu tiên xuất hiện chủng virus biến thể lây lan nhanh là thách thức ở nơi trình độ nhân viên y tế còn hạn chế. Giữa những đau đáu lo cho từng bệnh nhân có dấu hiệu nặng lên, liên tục tiếp nhận thêm những ca mắc mới, gánh nặng công việc oằn vai 60 nhân viên y tế khi nhiều thời điểm họ phải điều trị hơn 200 ca dương tính, có lúc anh chững lại khi đọc được những dòng tranh cãi, đổ lỗi, trách móc vì đâu đó trong quá trình chống dịch có sai sót nhỏ xảy ra.

Là người vốn lặng lẽ, kín tiếng nhưng trước những ồn ào trên mạng xã hội về quá trình chống dịch tại Hải Dương những ngày qua không khỏi khiến bác sĩ Cấp thấy chạnh lòng. Anh hỏi: “Dịch bệnh là điều không ai muốn, nhưng nó đến, áp lực cho tất cả mọi người, nhất là nhân viên y tế và những người trực tiếp chống dịch, sao không thông cảm, chia sẻ và bao dung mà lại miệt thị vùng miền?”. Rồi anh tự trả lời cho những trăn trở ấy: “Những điều đó chẳng giúp ích gì cho chống dịch. Chỉ có đồng lòng, mọi người cùng đoàn kết mới là cách chống dịch hiệu quả nhất. Đứng bên ngoài nhìn sự việc để chê trách thì dễ, nhưng bao dung, lượng thứ cho nhau, khi “nhà đang có việc” mới là điều nên cố gắng. Tôi đi chống dịch 17 năm nay, từ dịch SARS, H5N1, H1N1, Tả, Sởi, Bạch hầu và nay là COVID-19. Tôi không chống dịch bằng phát ngôn. Lúc nước sôi lửa bỏng, chúng tôi lao vào làm tất cả những gì mình có thể”…

Trở về Hà Nội vào những ngày cuối tháng 2, vẫn chưa kịp gặp gia đình vì tiếp tục 14 ngày cách ly, hỏi anh ấn tượng điều gì nhất khi đi qua những ngày bám trụ giữa tâm dịch, giữa những bộn bề áp lực để hôm nay dịch tạm lắng tại vùng đất Hải Dương, anh cười: “Mãi trong tôi canh cánh tấm chân tình của những người dân chân chất, hiền lành. Họ vì chúng tôi mà gạt sang một bên cuộc sống riêng, đến tận vùng tâm dịch hằng ngày nấu cơm, lo hậu cần cho nhân viên y tế. Cầm trên tay bát cơm nặng nghĩa tình của bà con đến vậy, chẳng khó khăn, áp lực nào khiến chúng tôi gục ngã”.

Trong câu chuyện, anh luôn nhắc đến các đồng nghiệp, đến những hy sinh của họ cho cộng đồng nhưng tịnh không một lời kêu khó cho bản thân dù anh luôn là một trong những người đầu tiên có mặt ở những điểm nóng chống dịch.   

MỚI - NÓNG