Ba đời theo nghề
Chúng tôi tìm đến phố Lò Rèn trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm nhất của Thủ đô. Bất chấp cái nóng hầm hập, chủ nhân bễ lò số 26 phố Lò Rèn vẫn nện búa vào khối kim loại đang nung đỏ rực. Đôi tay trần vạm vỡ, săn lại giữa những tia lửa nhỏ xíu liên tục bắn ra. Khách đến liên tục, để lại danh mục những thứ định rèn. Người thợ, miệng vừa hỏi nhu cầu của khách vừa dán vào lò lửa và chiếc đe để quai búa.
Ngồi chờ hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới nói chuyện được với người thợ đặc biệt này. Qua câu chuyện, ông tên là Nguyễn Phương Hùng (59 tuổi), là đời thứ ba sử dụng bễ lò rèn này làm kế sinh nhai. Nhâm nhi chén trà nóng, ông Hùng bắt đầu kể về thời hoàng kim của khu phố. Ngày trước, phố Lò Rèn dài khoảng 200 mét, nhà nào cũng sở hữu từ một đến ba bễ lò, hoạt động suốt ngày đêm. Phố luôn vang tiếng quai búa không ngừng…
“Năm 10 tuổi, tôi bắt đầu theo nghề bố làm rèn, vì lúc ấy ông cụ muốn con cái làm nghề sớm cho cứng. Đời tôi làm rèn, chủ yếu làm các loại máy làm mì, miến, một số bộ phận của máy rang bỏng của Trung Quốc. Ông nội truyền lại nghề, bố tôi nhờ cái bễ rèn mà nuôi 7 người con ăn học đàng hoàng. Đến tôi là đời thứ 3”, ông Hùng nói.
“Lãnh địa” của ông Hùng chỉ vỏn vẹn có mấy mét vuông ngay mặt đường, nằm nép bên ngã tư Hàng Đồng - Lò Rèn tấp nập người qua lại. Cửa hàng gia đình nên không có giờ mở cửa cố định, không nhất thiết theo giờ giấc, cứ khi nào thích thì ông làm việc, có thể là 7h sáng, 10h sáng, thậm chí là 10h đêm.
“Mỗi sáng, tôi uống một cốc cà phê, còn những khi giải lao lại làm chén nước chè, thế là cảm thấy sảng khoái tinh thần làm việc rồi. Ngày ngày, chính tiếng đe, tiếng búa chát chúa đã rèn cho tôi một sức khỏe dẻo dai”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, thợ rèn là một nghề công phu, để theo đuổi được với nghề phải có một tình yêu đặc biệt. Hoàn thiện một sản phẩm, phải trải qua nhiều giai đoạn tỉ mẩn. Điều quan trọng nhất là sự kiên trì và nhẫn nại. Từ việc nung sản phẩm ở nhiệt độ thích hợp tới đập búa với lực thế nào cho vừa đủ, đều phải hết sức chuyên tâm.
Nghề rèn nhìn qua thì dễ, nhưng không phải ai cũng làm được. Mùa hè nóng bức, mùa đông ấm nhưng mặt mũi, chân tay lúc nào cũng bị nứt nẻ. Người thợ phải có cái tâm, sự dẻo dai và sức chịu đựng. Thợ giỏi, bằng kinh nghiệm có thể phân biệt, áp dụng cái nào cần đánh đỏ, cái nào cần đánh nguội. Máy móc chỉ đảm nhận một vài công đoạn, còn quyết định “cái hồn” của sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào kỹ thuật của thợ.
Chìa cán búa thường sử dụng để rèn đồ cho tôi xem, ông Hùng cười nói. “Cầm búa là một nghệ thuật. Nếu không biết cách, tay sẽ bị phồng, rát. Nhưng tay tôi không hề bị chai”, vừa nói, ông Hùng vừa tháo găng tay. Dưới lớp than và dầu đen nhẫy, bàn tay ấy không một vết xước.
Nghề nông không còn hiện hữu nhiều ở các quận nội thành Hà Nội, nông cụ vì thế cũng không cần rèn dũa, nhưng ông Hùng vẫn làm không hết việc. Ông cho biết, đông nhất là thợ khoan phá bê tông từ khắp Hà Nội tìm đến ông để rèn lại những mũi đục mòn vẹt, hoặc cong vênh.
Chẳng có máy móc nào có thể thay thế được bàn tay con người, nhất là với những công việc cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ như nghề rèn. Cũng vì thế, hơn mười năm nay, khi cần mua sắm hay sửa đồ sắt gia dụng như mũi khoan, kéo, đinh ốc… nhiều người vẫn tìm đến lò rèn của ông.
“Mũi khoan, đục nếu của Nhật Bản thì đắt, 300.000 đồng/mũi. Mũi khoan của Trung Quốc chỉ 50.000 đồng cũng khá tốt chứ không đùa. Nhưng hàng Trung Quốc không tôi, cho nên chóng cùn. Mình tôi lại thì cứng cáp hơn, lâu cùn hơn, thợ họ thích. Chăm chỉ một ngày cũng kiếm được tiền triệu”, ông Hùng nói.
Khi phố Lò Rèn không còn thợ rèn
Xã hội phát triển, nhiều gia đình trên phố Lò Rèn này chuyển sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng, cho thuê mặt bằng. Công đoạn thủ công ít dần đi, sức người được thay thế bởi máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại. Không đành lòng nhìn nghề rèn mai một, ông Hùng quyết tâm bám trụ giữ lửa cho con phố này.
Ngay cạnh lò của ông Hùng là một cửa hàng game. Hàng ngày, nhiều thanh thiếu niên bảnh bao và rảnh rỗi, ngồi cắm tai nghe rê chuột gõ phím suốt ngày, bất chấp tiếng búa nện rền rền ngoài cửa. Nhìn cảnh đó, ông buồn vì chưa thể tìm được người nối dõi nghề rèn. Ông lo nghề này, đến một lúc nào đó sẽ bị khai tử.
“Nhà có 2 đứa con, thằng cả tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, giờ làm chủ thầu xây dựng. Cô con gái thứ 2 làm kế toán cho một công ty của Nhật Bản. Nghề rèn 3 đời của nhà tôi vì thế chắc sẽ thất truyền, thời gian còn lại tính bằng năm”, ông Hùng trăn trở.
Ông Hùng tâm tư, mình gắn bó với nghề rèn cho đến bây giờ, luôn luôn ghi nhớ câu nói mà bố tôi thường chỉ dạy. Hãy để khi con cái trưởng thành, được tự hào vì có một người bố sống rất mẫu mực. Từ lời dạy đó, ông Hùng tâm niệm, mỗi người có một số phận và con đường đến tương lai khác nhau.
Ông Hùng nói, số phận đó, con đường đó là do chính tự bản thân mình lựa chọn và quyết định. Trong cuộc sống bất kể ai sống và làm việc cũng phải luôn có cái tâm. “Khi làm việc gì cũng phải cần cù, kiên nhẫn… và hướng đến chữ tâm, chữ thiện. Lao động chân chính lúc nào cũng vinh quang”, người thợ rèn nói.
Sâu thẳm trong câu chuyện, ông Hùng cho thấy, chẳng ai muốn làm cái nghề quanh năm chỉ lấm lem bụi than, thu nhập thì ở mức đủ sống ở nơi phố xá đắt đỏ này. Có vài người muốn học nghề, nhưng được dăm bữa nửa tháng lại bỏ vì không chịu được sự vất vả, khắc nghiệt. “Có lẽ, tôi sẽ là người thợ rèn thủ công cuối cùng trên phố Lò Rèn. Nghề rèn thủ công ở đây chắc đã đi hết sứ mệnh của nó”, ông Hùng nói thêm.
“Cầm búa là một nghệ thuật. Nếu không biết cách, tay sẽ bị phồng, rát. Nhưng tay tôi không hề bị chai”, vừa nói, ông Hùng vừa tháo găng tay. Dưới lớp than và dầu đen nhẫy, bàn tay ấy không một vết xước.