“Người thầy” đứng lớp trên xe lăn, dùng miệng viết chữ dạy trò

“Người thầy” đứng lớp trên xe lăn, dùng miệng viết chữ dạy trò
Đứng lớp trên xe lăn và dùng miệng ngậm bút viết chữ dạy học trò - người thầy đặc biệt ấy là anh Phùng Văn Trường (34 tuổi) ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)

Ngồi xe lăn dạy học

Nhiều năm qua, tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có một lớp học từ thiện dạy dỗ các em nhỏ trong làng, giúp các em rèn chữ, học tập và nâng cao ý thức tự giác trong cuộc sống cũng như việc học hành. Điều đặc biệt ở lớp học này khiến nhiều người dân xung quanh cảm phục đó là người thầy đứng lớp trên xe lăn và dùng miệng ngậm bút viết chữ dạy học trò.

Hàng ngày, cứ tới 4 giờ chiều là gian giữa của gia đình anh Trường lại tràn ngập tiếng nói cười của các em học sinh tiểu học đến để rèn nét chữ, học Toán.

Sau giờ tan học chính ở trường là các em về dựng xe trước hiên và ngồi ngăy ngắn ở bàn học thầy giáo Trường. Không để thầy giáo nhắc, cả 9 em học sinh ngồi đúng vị trí lấy sách môn Tiếng Việt ra học và tập viết.

Anh Trường dùng miệng ngậm chiếc bút chì màu đen bắt đầu viết mẫu bài học mới để các em lớp một tập viết. Những nét bút đều đặn và chính xác tạo nên đường nét mềm mại không hề kém chữ viết của người bình thường.

Sau đó tiếp tục viết những bài toán cho các em lớp 3, lớp 4 rèn luyện bài tập về nhà, đồng thời giúp các em chữa các bài tập mà các em chưa hiểu và khó. Cứ như vậy, dù lớp học có nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng dưới sự hướng dẫn lô-gic của anh Trường lớp học vẫn rất trật tự và nề nếp.

Trong lớp học đặc biệt có em Long (10 tuổi) lớn nhất là học sinh lớp 4 và cũng là học sinh giỏi nhất, viết chữ đẹp nhất. Ngoài Long còn có hai 2 em Ngọc và Vân đều học lớp 3 là hai học sinh nữ viết chữ cũng rất đẹp và thường được thầy cô giáo trong trường chọn đi thi viết chữ đẹp của trường.

Cháu Hà Vân (9 tuổi) là học sinh lớp 3 kể: “Ngày nào cháu cũng sang nhà bác Trường học Toán và tập viết đến nay được hai năm rồi. Bác Trường viết chữ bằng miệng rất đẹp và giúp các bạn trong lớp rèn luyện chữ viết, làm bài tập Toán. Từ ngày học ở đây năm nào cháu cũng được học sinh giỏi và hay được cô giáo chọn đi thi vở sạch chữ đẹp trong trường.”

Hàng ngày có hai ca học cho các cháu nhỏ. Ca trưa sau giờ tan học buổi sáng khoảng 10 giờ, các em về vào lớp học để rèn chữ, kiểm tra bài cũ được cô giáo giao về nhà làm xong xuôi mới về ăn cơm. Còn các cháu học buổi chiều thì cứ khoảng 16 giờ chiều khi tan học, các cháu lại ùa về tiếp tục rèn luyện môn tập viết, tập đọc và làm Toán. Mỗi một ca học như vậy cũng không cố định, thời gian lưu động từ 1-2 giờ tùy vào lượng bài vở và thời gian tan lớp của các cháu.

Ngồi trên chiếc xe lăn cũ, xung quanh 3 hướng đều là bàn học của các em nhỏ. Giáo án của anh Trường đơn sơ chỉ có tập sách cấp 1 để chật trên giá sắt ọp ẹp.

Tuổi thơ kém may mắn

Tâm sự về cuộc đời, anh Phùng Văn Trường kể rằng, sinh ra là một bé trai bụ bẫm nhưng lúc lên 2 tuổi, không hiểu tại sao anh vẫn không thể đi được. Bàn chân, bàn tay không thể cầm nắm như các bạn cùng trang lứa.

Lớn thêm một chút vẫn không có dấu hiệu khả quan, bác Phùng Văn Mười (SN 1959), bố anh Trường đưa con đi khắp nơi cầu cứu từ các thầy lang cho tới các bác sĩ ở nhiều bệnh viện nổi tiếng nhất nhưng đều không biết anh bị bệnh gì. Tới tuổi đi học, bác Mười đi đăng ký cho con vào lớp 1 của xã và hàng ngày anh Trường được bố và ông nội thay nhau đưa tới trường.

Có thời gian những năm cấp 1, anh Trường cũng cố gắng tập đi và đi được nhưng cứ hễ bị vấp một vật gì dù nhỏ anh cũng bị quật ngã. Tới năm học lớp 8, một phần vì khó khăn trên đường tới trường và các bạn đi học cũng đã tách lớp, không còn bạn hữu dìu đi nữa và thường bị các bạn lạ trêu khiến anh tự ti và bỏ học dù ông nội và bố cố gắng thuyết phục - bác Nguyễn Thị Năm, mẹ anh Trường chia sẻ.

Anh Trường bắt đầu đứng lớp dạy chữ cho các trẻ nhỏ từ ngày chuyển ra nhà riêng năm 2010, bố mẹ mở quán bán tạp hóa nhỏ cho anh trông và được bà con thôn xóm ủng hộ nhưng mỗi khi phải ghi sổ kiểm hàng hay tổng kết thì vô cùng phức tạp.

Bởi cả hai bàn tay, hai chân đều không thể cử động vì không có cơ. Anh Trường không thể tự ghi được phải phiền thêm một người nữa. Cũng có người góp ý anh nhờ ai đó thường xuyên nhưng không thể nhờ và làm phiền mãi được nên anh Trường quyết tâm dùng miệng viết.

“Người thầy” đứng lớp trên xe lăn, dùng miệng viết chữ dạy trò ảnh 1

Anh Trường dùng miệng viết chữ dạy học trò.

Thời gian đầu rất khó khăn bởi phải dùng miệng làm chủ cây bút mà tất cả mọi người dùng bằng tay viết. Ban đầu, rất ngượng, mỏi miệng và mỏi cơ cổ. Thời gian trông quán rảnh rỗi anh ngồi trên xe lăn từ ngậm bút để tập viết. Sau hơn 1 tháng, anh đã có thể làm chủ cây bút với những nét đầu tiên nhưng chữ vẫn chưa được gọn và rõ. 

Thấy có hiệu quả, anh chủ động mở ti vi xem các mẫu chữ khác nhau và tự nghĩ thêm ra nhiều cách viết làm sao chữ dễ đọc và đẹp hơn. Nghĩ là làm, không lâu sau anh đã có thể dùng miệng để viết một cách thành thục và đẹp. Từ đó việc ghi sổ sách của anh cũng trở nên dễ dàng, đặc biệt là anh có thể bán hàng tạp hóa phụ giúp bố mẹ.

Việc bán hàng cũng nhiều thời gian rảnh, anh Trường bảo với các em gái cho con sang anh kèm học bài. Hơn một năm kèm, các cháu rất tiến bộ và đạt thành tích tốt nên các anh chị trong xóm có con nhỏ cũng có ý gửi gắm sang để anh kèm thêm. Vui vẻ đồng ý, vì đơn giản anh nghĩ cũng muốn vui cửa vui nhà. Lớp học đặc biệt của thầy Trường viết bằng miệng bắt đầu từ đó.

“Người thầy” đứng lớp trên xe lăn, dùng miệng viết chữ dạy trò ảnh 2 Từ một cậu bé kém may mắn, bằng nghị lực của mình, anh Trường đã học viết chữ bằng miệng và dạy các em học sinh tiểu học
Cách đây hơn 2 năm, tình duyên đã đến với anh, điều mà anh không bao giờ dám mơ ước đến. Anh kết hôn cùng chị Hường ở làng bên và hai vợ chồng anh ở tại ngôi nhà ngoài. Ông bà, bố mẹ và cả làng vui thay cho anh vì từ đây có người vợ chia sẻ và đỡ đần. Niềm vui tiếp tục nhân đôi khi một năm sau vợ anh sinh được cậu con trai kháu khỉnh được ông nội đặt tên là Trường Quảng. Hàng ngày vợ chồng anh vui vầy với con nhỏ và lớp học trò. Anh Trường chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là cháu Quảng. Tôi chỉ mong cháu mạnh khỏe và ngoan ngoãn. Hiện tại tôi đang ấp ủ viết một cuốn nhật ký cho cháu bằng miệng. Tôi muốn khi cháu lớn lên sẽ đọc được những tâm tư, nguyện vọng của mình để cháu cố gắng rèn luyện, học tập thành người có ích cho xã hội”.
Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG