Năm học 2009-2010, thầy là người khởi xướng treo dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” trong tất cả các lớp học của trường THPT Ngũ Hành Sơn. Sau đó, thầy Tánh khởi xướng cuộc thi “Tìm hiểu tư liệu và viết bài về Trường Sa và Hoàng Sa”, “Vẽ tranh về biển đảo” dành cho học sinh và giáo viên trong trường. Cuộc thi đã nhận được hàng trăm các tác phẩm dự thi, đóng góp những nguồn tài liệu quý báu cho việc học tập, nghiên cứu. Sau đó, đích thân thầy đã thức đêm thức hôm tập hợp tin bài, tranh ảnh làm thành một pano treo các tác phẩm này ở phòng truyền thống của trường.
Thầy Phan Văn Tánh nghiêm khắc, thưởng phạt phân minh với những biện pháp lạ lùng hiếm thấy. Những học sinh vi phạm nội quy nhà trường như đánh bạn, đi học trễ, không học thuộc bài đều được thầy Tánh phạt bằng cách “mời” ra sân trường để… nhổ cỏ. Đáng nói, dù bị kỷ luật bắt nhổ cỏ đến “chán chê ê mặt” nhưng các học sinh chưa một lần ấm ức hay oán trách thầy.
Thầy Phạm Được – một giáo viên làm việc với thầy Tánh hơn 10 năm ở trường THPT Ngũ Hành Sơn, cho biết: Thầy thường xắn tay, ngồi bệt xuống đất vừa nhổ cỏ cùng các em, vừa đưa ra những lời khuyên chân thành, chỉ ra những hậu quả của việc làm sai trái của các em. Nhờ vậy, nhiều học sinh không chỉ hối lỗi mà còn phấn đấu trở thành những học sinh tích cực của trường.
Thầy Tánh còn được xem như “tổng đài gỡ rối” cho nhiều cô cậu học trò với những câu chuyện dở khóc dở cười. Đưa ra một xấp thư của học sinh gửi cho mình, thầy Tánh dừng lại ở trường hợp của một nam học sinh khiến thầy “đau đầu” suốt thời gian dài. Đó là em Nguyễn Công T. Em T. có ý định tử tự vì trầm cảm, không chịu đến lớp sau nhiều ngày ngồi lì trong phòng tối. Biết chuyện, thầy Tánh tìm đến nhà, lắng nghe và sẻ chia những tâm sự với cậu học trò. Theo thời gian, T. đã có những biểu hiện tiến bộ, chịu đi học và là một học sinh giỏi của lớp những năm sau đó.
Thầy Tánh cho biết: “Hầu hết những em viết thư cho thầy đều có những rắc rối về tư tưởng, rất cần được cảm thông. Thông thường, chúng ta thường chỉ sẻ chia với những học sinh khuyết tật nhưng lại ít khi cảm thông cho những học sinh khuyết tật tâm hồn, như vậy là rất sai lầm. Học trò có tin tưởng mình thì mới dám gửi thư đến. Tôi sắp về hưu, những bức thư này có lẽ là những kỷ vật đẹp nhất trong sự nghiệp trồng người của mình”.
Đầu năm 2013, thầy Tánh chuyển về làm hiệu trưởng tại trường THPT Hoàng Hoa Thám. Tại đây, thầy phát động phong trào “Tìm địa chỉ đỏ” để phát động học sinh tìm hiểu về các di tích lịch sử, tới thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân của các chiến sĩ hy sinh trong hải chiến Gạc Ma. Từ những chuyến đi thực tế này, học sinh đã có những bài viết sâu sắc nói về cảm nhận, hiểu biết của mình để thi tranh tài.