> Người dân bật khóc trước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chị Võ Hồng Vân – con gái của ông Võ Chương Hiến, người gọi Đại tướng là chú họ - dẫn đoàn 6 người từ tỉnh lỵ Nakhon Phantom về Quảng Bình trong những ngày tiễn biệt vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc.
Ông Võ Chương Hiến là một chí sĩ cách mạng, sang Thái Lan hoạt động từ năm 1946 rồi ở luôn bên đó và mất năm 1988. Giờ đây, 6 người con của ông mang cả hàng ngàn tấm chân tình tiếc thương của kiều bào Việt Nam ở Nakhon Phanom.
Sáng sớm tinh sương, dòng người đổ về làng An Xá ken đặc. Đoàn người nhích từng bước trên con đường vào ngôi nhà thờ họ Võ. Đoàn người đi trong im lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng khóc nấc. Hai bên, từng đoàn viên cầm di ảnh Đại tướng.
Vất vả lắm, đoàn của chị Vân mới vào viếng được. Một người thân trong gia đình Đại tướng kể rằng, ông Võ Chương Hiến hoạt động cách mạng từ rất sớm, cùng mang trong mình dòng máu họ Võ, được Đại tướng nhiều lần chỉ dạy và dìu dắt.
Năm 1946, ông Hiến qua Thái Lan, gây dựng cơ sở cách mạng, là người có công lớn trong việc gìn giữ quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Thái Lan. Năm 1998, khi ông mất, người chú là vị Đại tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức thư chia buồn. “Tôi nâng niu, gìn giữ bức thư như một bảo vật gia đình.
Nó còn hơn cả một bức thư, đó là tiếng lòng của Đại tướng. Hàng ngàn người Việt ở Nakhon Phanom coi bức thư là lời dăn dò tâm huyết của bác Giáp đối với kiều bào” - chị Võ Hồ Oanh run run đưa cho tôi bức thư, bút tích của Đại tướng với những dòng chữ quen thuộc, rắn rỏi kiêu hùng, lời lẽ thân thương: Cháu Hiến đã suốt đời hoạt động vì Đảng, vì nhân dân và Tổ quốc Việt. Ngay trong những giờ phút khó khăn cháu vẫn nêu cao tinh thần đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đại đoàn kết trong kiều bào ta và mối quan hệ tốt với nhân dân nước bạn…”.
Chị Võ Hồng Vân kể, ngày ba chị mất, biết bác Giáp trăm công ngàn việc không sang được, cả gia tộc cùng kiều bào vẫn dành riêng cho bác Giáp một chỗ trang trọng. Rồi khi công bố bức thư, nhiều người đã khóc.
Chị Võ Hồng Yến, một người con gái của ông Võ Chương Hiến, kể: Biết tin bác mất, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều nhà khác ở Nakhon Phanom cùng lập bàn thờ. Người quá vĩ đại để kiều bào Việt tự hào.
“Cùng việc lập ban thờ phúng viếng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, kiều bào ta ở Nakhon Phanom cùng nhau lập chung một bàn thờ để tiễn biệt Đại tướng. Những người Thái Lan trong tỉnh, họ cũng rất ngưỡng mộ Đại tướng, họ cũng xin vào thắp một nén nhang” – chị Yến kể.
Còn chị Võ Thanh Thảo cho biết, một gia đình người Thái Lan kế bên đã lập cho riêng họ một bàn thờ Đại tướng. Rất nhiều người ở Nakhon Phanom làm như vậy.
“Họ nói với tôi, họ coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một anh hùng của nhân loại. Bởi thế, khi bác lìa trần, đau là đau chung, tiếc thương là tiếc thương chung. Không có lý do gì để họ không lập một ban thờ, thắp một nén nhang. Dẫu ở phương xa, có thể không ai biết, nhưng với họ, thành tâm là quá đủ” – chị Thảo nghẹn ngào.
Đọc những dòng cuối bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình và kiều bào Nakhon Phanom trong ngày ông Võ Chương Hiến mất, ngộ thêm rằng, tầm vóc của Đại tướng, ngoài những chiến công hiển hách, còn hiển hiện rất đỗi giản đơn ở những lời lẽ mà tưởng như chỉ là căn dặn riêng của gia đình: “Mong rằng kiều bào yêu nước ta, trong lúc thương tiếc chú Hiến, hết lòng noi gương chú, làm mọi việc có ích cho Tổ quốc, coi trọng quan hệ với bà con nước bạn; các thế hệ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cùng ra sức phấn đấu, sống và học tập xứng đáng với lời ước mong của Bác Hồ kính yêu…”.