Ngày 20/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thông tin, đã tổ chức lễ gặp mặt, tri ân và chia tay đoàn y tế bệnh viện Đại học Y Hà Nội và trường Đại học Y Hà Nội sau thời gian đến hỗ trợ địa phương này.
Trải qua thời gian 3 tháng làm việc không biết mệt mỏi, đoàn chi viện do PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đã để lại ấn tượng cho đội ngũ y tế, nhân dân tỉnh Bình Dương. Đến nay, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lực lượng y tế tại chỗ được huấn luyện chuyên môn, đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị F0 ở tầng nguy kịch, ông Hiếu cùng các cộng sự quay trở về Hà Nội tiếp tục công việc chuyên môn.
Trước đó, vào giữa tháng 7, tình hình dịch bệnh ở Bình Dương trở nên phức tạp, để giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực tại Bình Dương. PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được giao phụ trách trung tâm này.
Vào thời điểm tiếp nhận nhiệm vụ ở Bình Dương, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, cho biết địa phương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Từ đó, ngành y tế tổ chức phân tầng điều trị thích hợp. Chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ ở (tầng 1 theo tháp đồ); F0 có triệu chứng trung bình ở tầng 2 và F0 nặng, nguy kịch đến tầng 3.
Theo ông Hiếu, việc bố trí điều trị này ở Bình Dương là rất khoa học, là điển hình trong hoạt động chữa trị bệnh nhân COVID-19 và thực tế đã chứng minh.
Đi cùng với PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu còn có 10 bác sĩ, chuyên gia, 5 điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng để hỗ trợ hồi sức cấp cứu tại tỉnh Bình Dương. Do đó, việc tuân thủ điều trị bệnh theo tháp đồ 3 tầng và sự ra đời của trung tâm hồi sức hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu tại khu cách ly, điều trị F0 bệnh viện dã chiến Thới Hòa |
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 226.353 ca mắc COVID-19; 2.307 ca tử vong và 224.614 bệnh nhân xuất viện về nhà. Bình Dương đã tiêm 3.454.728 liều/4.859.390 liều vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ (gồm 2.302.691 mũi 1 và 1.152.037 mũi 2). Trong 10 ngày qua, số ca mắc mới ở Bình Dương chỉ còn từ 500 ca trở xuống.
Để thay thế nhiệm vụ của các khu cách ly, giảm tải cho khu điều trị khi trở về trạng thái bình thường mới, Bình Dương đã thành lập và đến nay đưa vào hoạt động 184 Trạm y tế lưu động, trong đó có 26 trạm trong khu, cụm công nghiệp.
Sở Y tế Bình Dương thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn như sau: Quy mô cấp tỉnh Bình Dương đang ở cấp độ 3; ở cấp huyện có 3 địa phương cấp độ 1 (Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng), 2 địa phương cấp độ 2 (Tân Uyên và Thủ Dầu Một) và 4 địa phương cấp độ 3 (Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Bàu Bàng).