Người phụ nữ nối dài con chữ cho trẻ điếc

Cô Hòa hơn 15 năm gắn bó với các học sinh khiếm thính để giúp các em được học cao hơn. Ảnh: Hoàng Trường.
Cô Hòa hơn 15 năm gắn bó với các học sinh khiếm thính để giúp các em được học cao hơn. Ảnh: Hoàng Trường.
Câu chuyện đẹp được cô Hòa viết lên giữa khuôn viên trường ĐH Đồng Nai hàng chục năm qua, khi những học sinh khiếm thính đầu tiên cầm trên tay tấm bằng cao đẳng sư phạm ở Việt Nam.

Gắn bó với những đứa trẻ kém may mắn từ những ngày còn là sinh viên, 20 năm qua cô Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc (ĐH Đồng Nai) - vẫn cháy hết mình để nối dài ước mơ con chữ cho trẻ khiếm thính. Đây cũng là nơi duy nhất đào tạo bậc trung học cơ sở, phổ thông, trung cấp và cao đẳng của cả nước cho những em học sinh kém may mắn này.

Kể hành trình đến với các em và gắn bó cho đến giờ, cô Hòa cho nói mình vốn dĩ là giáo viên dạy Toán. Trong một chuyến tình nguyện đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cô đã được gặp các trẻ bị điếc. "Hình ảnh những đôi tay ra hiệu, múa máy với những tiếng ú ớ không rõ từ những đứa trẻ khiến tôi rất xúc động. Ý nghĩ chuyển hướng sang dạy cho các em được nhen nhóm", cô Hòa chia sẻ.

Thời gian sau, khi đã chuyển sang giáo viên của trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Hi Vọng (TP HCM), từ việc dạy và gắn bó với học sinh, cô luôn băn khoăn bởi các em chỉ được học với một lượng kiến thức rất ít ỏi (tương đương với bậc tiểu học) mà không được học cao hơn như các bạn bình thường.

Từ đó, cô bắt đầu tìm kiếm hướng đi cho học trò của mình bằng cách tham gia các tổ chức phi chính phủ, hoạt động hỗ trợ cho những người câm điếc ở khắp nơi, nhằm tìm ra con đường mà bản thân ấp ủ. 

Nhờ những chuyến đi, học hỏi về chương trình giáo dục cho trẻ khuyết tật tại các nước tiên tiến, cô Hòa tình cờ gặp tiến sĩ James Clyde Woodward rồi cả 2 cùng lập nên dự án "Giáo dục trung học đại học cho người điếc tại Việt Nam", chương trình được một tổ chức Nhật Bản tài trợ kinh phí.

Có gắn bó nhiều mới thấy các em có thể học cao hơn và làm nhiều công việc phù hợp nếu có điều kiện đào tạo. "Thế là dự án với những chương trình học lên bậc THCS, THPT rồi trung cấp, cao đẳng và đại học bằng ngôn ngữ ký hiệu được ra đời", cô Hòa nói, vẻ xúc động.

Người phụ nữ nối dài con chữ cho trẻ điếc ảnh 1

Trong những lớp học này chỉ có những ký hiệu, âm thanh ú ớ giữa cô và trò. Ảnh: Hoàng Trường

Năm 2000, cô bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình và không lâu sau đó, dự án giáo dục nâng cao cho trẻ khiếm thính được Sở Giáo dục, UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý. Ngày bắt tay thực hiện dự án cho các em tại trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc, nhiều khó khăn cứ chồng chất lên vai cô. Học viên, giáo viên, cơ sở vật chất, giáo trình... đều một tay người phụ nữ này đảm trách. Từ lớp học giáo viên nói thao thao bất tuyệt khi dạy các em, dự án trở thành lớp học vô thanh, chỉ có những ngôn ngữ ký hiệu của giáo viên và học sinh.

Sử dụng phương pháp song ngữ, dùng ngôn ngữ ký hiệu thì các em sẽ hiểu hơn. Trong khi sử dụng lời nói thì các em hiểu ít, mù mờ và giáo viên cũng không chắc học sinh của mình có hiểu hay không, mức độ bao nhiêu.

"Khi sử dụng phương pháp này lớp học trở nên sinh động hẳn, phương tiện giao tiếp giáo viên và học sinh là ngôn ngữ của các em nên các em sẽ tham gia được vào bài học, có thể trao đổi với giáo viên, với các bạn một cách tự do thỏa mái. Mức độ nhận thức, hiểu biết của các em từ đó nâng cao, có chất lượng hơn", cô Hòa giải thích và cho biết các giáo viên được mời vào dự án đã được đào tạo ngôn ngữ ký hiệu này.

Người phụ nữ nối dài con chữ cho trẻ điếc ảnh 2

Ngoài giờ học, các em còn được tham gia văn nghệ, diễn kịch câm như những trường học bình thương. Ảnh: Hoàng Trường

Cô Lê Thị Phương, giảng viên ĐH Đồng Nai cho biết, lúc đầu không nghĩ là dạy được vì không biết gì về ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng sau một thời gian gắn bó với các em khiếm thính thì cảm thấy hứng thú. "Những thiệt thòi của các em là động lực để mình tiếp tục đứng trên bục giảng, giúp các em kiến thức nhiều hơn để bước vào đời", cô Phương nói.

Sau gần 15 năm đi vào hoạt động, trung tâm của cô Hòa đã đào tạo hơn 200 học viên trưởng thành, tốt nghiệp các bậc THCS và THPT. Trong đó, thành quả ngọt nhất chính là 17 bạn đầu tiên trong cả nước được nhận bằng cao đẳng sư phạm tiểu học từ trường ĐH Đồng Nai.

Hiện một số em vẫn học liên thông lên đại học, các bạn còn lại đã là giáo viên đang giảng dạy cho các trẻ điếc trên mọi miền đất nước hoặc làm việc cho một số dự án về người khuyết tật. Đặc biệt, em Nguyễn Trần Thủy Tiên vừa xuất sắc nhận được học bổng "Kỹ năng lãnh đạo điếc thế giới" của ĐH Gallaudet (Mỹ) - đây là trường đại học đầu tiên trên thế giới dành cho người điếc.

Tiến sĩ Trần Minh Hùng, hiệu trưởng ĐH Đồng Nai - nơi quản lý Trung tâm thúc đẩy văn hóa điếc - bộc bạch: "Cô Hạnh là người có tâm huyết, gắn bó hơn 15 năm với các em học sinh khuyết tật từ một dự án rất nhân văn.

Qua chương trình đang đào tạo, chúng tôi chỉ mong muốn giúp các em vượt qua mặc cảm, tự ty đồng thời nhanh chóng hòa nhập với xã hội, có được công việc phù hợp sau khi ra trường". 

Theo Hoàng Trường

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG