Người phụ nữ dùng điện thoại cứu 100 nô lệ IS

Cựu nghị sĩ Iraq Ameena Saeed Hasan. Ảnh: cathyotten
Cựu nghị sĩ Iraq Ameena Saeed Hasan. Ảnh: cathyotten
'Alo, tình hình của chúng tôi không thể thảm hại hơn', giọng một cô gái nghẹn ngào, tuyệt vọng. Bên kia đầu dây, Ameena Saeed Hasan chỉ cho cô con đường sống duy nhất: trốn khỏi hang ổ của IS.

Theo CNN, mỗi ngày, bà Hasan đều nhận những cuộc gọi như vậy. Từng là một nghị sĩ Iraq, hiện bà tự nhận lấy nhiệm vụ giải cứu được càng nhiều phụ nữ Yazidi càng tốt.

Khi IS bắt đầu chiếm thành phố Mosul, bà Hasan cứ nghĩ rằng bộ tộc Yazidi ở vùng núi Sinjar sẽ được an toàn.

"Chúng tôi đã tự hỏi 'chúng tới Sinjar làm gì?' ", bà nhớ lại. "Không có dầu mỏ hay bất cứ thứ gì. Chúng sẽ được gì?". 

Tuy nhiên, các tay súng của IS đã tới Sinjar. Có thể nơi đây không có mỏ dầu nào nhưng thay vào đó, chúng đã chiếm lấy nguồn tài nguyên quan trọng nhất của khu vực, đó là con người.

Chiến binh IS bắt giữ hàng nghìn phụ nữ, trẻ em Yazidi và giết chết những người đàn ông. Tổ chức khủng bố ngang ngược nói rằng kinh Quran cho phép chúng bắt giữ phụ nữ và những cô gái không theo đạo Hồi, rồi cưỡng hiếp họ.

Những người Yazidi, một dân tộc thiểu số ở Iraq, tin rằng một vị thần đã sinh ra trái đất và giao nó cho những thiên thần chim công giữ gìn. Tuy nhiên, họ lại bị IS đàn áp trên quy mô lớn vì bị cho là tôn thờ ma quỷ.

Liên Hợp Quốc cáo buộc IS tội ác diệt chủng chống lại người Yazidi.

Nhiều gia đình có người mất tích đã tìm đến bà Hasan để được giúp đỡ.

"Mọi người biết đến tôi", bà giải thích. "Tôi đến từ Sinjar và tôi cũng là người Yazidi. Tôi biết rất nhiều người bị bắt cóc. Một số là người thân của tôi, hàng xóm của tôi, và họ đã gọi cho tôi". 

Cùng với chồng là Khalil, Hasan đã lập ra một mạng lưới giải cứu phụ nữ. Bà tiếp nhận các cuộc điện thoại và ông Khalil sẽ thực hiện hành trình nguy hiểm đến biên giới Iraq – Syria để mang họ tới nơi an toàn.

Cho đến nay, hai vợ chồng bà đã cứu được hơn một trăm người. Trường hợp đầu tiên được giải cứu là một người phụ nữ 35 tuổi với 6 đứa con, tất cả đều bị bắt và đem bán tại chợ nô lệ của IS.

Trong cuộc gọi tuyệt vọng của cho bà Hasan, người phụ nữ mô tả những gì đã xảy ra với họ: "Chúng ép người lên hai xe tải lớn từ ngôi làng và đưa đi đâu đó, tôi không biết đi đâu. Khi chúng đang đưa người lên, một phụ nữ bắt đầu kháng cự và chúng đã giết cô ấy".

Dù trải qua tình cảnh kinh hoàng, người phụ này vẫn là một trong số những người may mắn bởi cô cuối cùng cũng trốn thoát ra ngoài.

Người phụ nữ dùng điện thoại cứu 100 nô lệ IS ảnh 1

Các cô gái Yazidi tạm trú tại một tòa nhà ở thành phố Dohuk, Iraq. Ảnh: Rex

Nhiều người khác không may mắn như vậy. Bà Hasan cho biết nhiều phụ nữ bị những kẻ bắt cóc cưỡng hiếp và lạm dụng đã chọn cách tự tử hơn là chờ được giải cứu.

"Chúng tôi chỉ muốn họ được cứu thoát", bà nói. "Hàng trăm cô gái đã tự vẫn. Tôi có ảnh của một số cô gái đã tự tử khi họ không còn hy vọng được cứu và khi bị IS nhiều lần bán đi và hãm hiếp. Tôi nghĩ rằng có khoảng 100 người. Chúng tôi mất liên lạc với hầu hết trong số họ".

Bà Hasan đã được Bộ Ngoại giao Mỹ khen thưởng vì cứu giúp những người bị bắt làm nô lệ cho IS.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ca ngợi những nỗ lực dũng cảm của bà đối với cộng đồng tôn giáo thiểu số Yazidi ở bắc Iraq, khẳng định rằng thế giới luôn quan tâm đến những gì họ phải đối mặt, đồng thời cam kết giúp đỡ các nạn nhân và cứu sống họ.

Nhưng bà Hasan vẫn bị ám ảnh khi nghĩ về những người bà không thể cứu sống.

"Tôi không thể ngủ được, tôi không thể quên những gì đã xảy ra với họ", bà chia sẻ. "Họ nói 'Khi nào bà có thể cứu chúng tôi?'. Nhưng tôi không có câu trả lời. Tôi không phải chính phủ. Tôi chẳng là gì cả. Tôi cũng chỉ là một con người. Điều đó thật khó khăn". 

Nhiều người đã tham gia vào cuộc chiến chống lại IS. Thay vì súng đạn, vũ khí của bà Hasan là điện thoại. Cùng với nó, bà đem tới hy vọng cho các nạn nhân cùng lời hứa rằng họ sẽ được giúp đỡ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG