Từ căn nhà nhỏ…
Trong ngôi nhà nhỏ chưa đến 3 mét vuông giữa xóm chợ chật hẹp, tồi tàn giữa nơi trung tâm quận 1 có một người phụ nữ mà chỉ việc đứng lên cũng là điều khó khăn. Vậy mà từ nhiều năm nay, bất kể nắng mưa, cô vẫn phải nỗ lực để lết từng bước chân ra chợ từ lúc trời còn chưa tỏ, mua thịt, rau về nấu thành những đĩa cơm bình dân giá rẻ, bán lấy tiền mua thuốc trị bệnh.
Hành trình hơn 60 năm cuộc đời của người phụ nữ ấy dường như gói gọn trong cái tên của chính cô: Lệ. Không chỉ cô mà cuộc đời của 7 anh chị em còn lại trong nhà cũng quẩn quanh với cái xóm Chợ Gà, một khu ổ chuột đặc trưng ven kênh Tàu Hũ trước giải phóng. Trong ký ức xưa, hẻm là nơi những ngôi nhà được ghép từ những tấm tôn, tấm ván cũ chen lẫn nhau bên một bãi chợ xập xệ, mất vệ sinh, phức tạp.
Trưởng thành, cô Lệ đi phụ bán trái cây, rồi lập gia đình, rồi phải cho đi chính đứa con duy nhất chỉ vì một lý do: Nghèo. Cũng vì nghèo, cuộc hôn nhân sau đó đã tan vỡ.
Tích cóp được gần ba chỉ vàng nhưng rồi lại phải dùng hết số tiền đó để thuốc thang cho mẹ cha, tay trắng trở về với trắng tay. Khó khăn không dừng lại, một cơn hỏa hoạn đã bùng lên vào một buổi chiều cuối năm 2015, thiêu rụi một phần xóm chợ, trong đó có căn nhà của mẹ cha cô Lệ để lại…
Cô Lệ chuẩn bị các món ăn để đem bán |
Nhờ có chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, căn nhà cũng được sửa lại nhưng cuộc sống của cô Lệ vẫn thế: Ngột ngạt và mệt mỏi. Tuổi 62 với căn bệnh tim quái ác cùng di chứng của Covid-19 đã buộc người phụ nữ phải sống nhờ vào thuốc mà "mỗi ngày mở mắt ra là tốn 55 nghìn tiền thuốc" trong khi nguồn thu duy nhất là từ bán 13 đến 15 đĩa cơm bình dân. Tính ra, mỗi đĩa cơm có giá 30 - 35 ngàn đồng. “Mình không có xe đẩy để đem cơm ra chợ, cũng chẳng có cửa hàng nên phải bán rẻ, bán mà như cho thì người ta mới thương, mới ăn!”, ông Lệ nói.
Cô may mắn tìm lại được đứa con duy nhất đã cho đi khi còn trẻ nhưng người con đang sống tại Bình Dương cũng chẳng ghé thăm. Không một lời trách móc con cái hay trách móc số phận, cô Lệ chỉ nghĩ kiếp này mình chẳng may mắn thì “ráng mà chịu, ráng tự làm, tự ăn cho đến khi nào Trời gọi thì đi chứ biết sao?”.
Bà Nguyễn Lê Thiên Thanh, Phó Chủ tịch, UBND phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 cho biết, anh em trong nhà cô Lệ cũng hoàn cảnh khó khăn nên chẳng ai giúp được gì. Bà con lối xóm ủng hộ được đến đâu thì hay đến đó. Chính quyền cũng đã có giải pháp hỗ trợ nhưng về cơ bản, vẫn cần sự chung tay của nhiều hơn nữa.
Đến ước mơ to
Nhưng ai cũng có những ước mơ. Ước mơ của cô Lệ khá đơn giản: Có một chiếc xe đẩy vừa đủ… nhỏ, để đưa cơm ra ngoài đường bán. Nếu có xe đẩy, “chắc sẽ bán thêm được chục đĩa mỗi ngày đó con, có thêm tiền thuốc!”, cô Lệ tâm sự
Chương trình Ước mơ xanh của F88 với mục tiêu hỗ trợ sinh kế cho người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến xóm Chợ Gà và cùng với Uỷ ban Nhân dân phường Cầu Ông Lãnh biến ước mơ của cô thành hiện thực.
Sáng một ngày tháng 9, cả góc xóm Chợ Gà chợt xôn xao khi một món quà “rất cồng kềnh” được uỷ ban và Ước mơ xanh F88 đưa đến tận nhà cô Lệ. Không chỉ có xe đẩy bán cơm mà còn có đủ bát đũa, khay đựng thức ăn, bình gas, hàng nghìn muỗng đũa dùng một lần, hộp cơm dùng một lần…, tất cả những gì cần để mở một xe đẩy bán cơm bình dân mang đi, đều được Ước mơ xanh chuẩn bị chu đáo và trao tặng. Ngoài ra, quỹ còn dành tặng cô một số vốn, không nhiều nhưng cũng đủ để mua nguyên vật liệu cho cả một tuần.
Không có những giọt nước mắt, cũng không có những nụ cười, cô Lệ lặng đi trước món quà được tặng. Có lẽ, cô quá xúc động để thốt lên một điều gì đó bởi hơi sáu mươi năm qua, không nhiều người quan tâm đến cô theo cách này. Cũng có lẽ, cô đủ tỉnh táo để biết dù ước mơ đã thành hiện thực nhưng quãng đường phía trước còn quá vất vả, nhất là khi sức khỏe càng ngày càng xuống. Nhưng trong ánh mắt cô vẫn có sự tự tin về một ngày, chiếc xe đẩy cơm bình dân của mình sẽ hiện diện nơi góc chợ, giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Ước mơ xanh là chương trình do Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 tổ chức nhằm hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khó khăn trên khắp cả nước có cơ hội vươn lên làm chủ kinh tế bản thân và gia đình từ đầu năm 2024. Mỗi trường hợp sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật dụng và một số vốn nhỏ để khởi nghiệp.
Lãnh đạo F88 cho biết, chương trình chú trọng vào việc “trao cần câu chứ không trao con cá”, qua đó giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững dự kiến trong năm 2025 mỗi tháng Ước mơ xanh sẽ hỗ trợ tối thiểu một phụ nữ yếu thế khởi nghiệp.