Người nhận diện SARS hết mình với Việt Nam

Người nhận diện SARS hết mình với Việt Nam
TP - 10 năm trước, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận khống chế thành công dịch SARS. Thành công vang dội ấy có sự đóng góp lớn lao nhưng âm thầm của bác sĩ Carlo Urbani, người đã đổi mạng sống của mình để tìm ra virus SARS.

> Thế giới bàn về dịch bệnh nóng bỏng ở châu Á
> Virus mới tiếp tục giết người

Bác sĩ Carlo Urbani đã nói: “Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh” khi ông đại diện cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới lên nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1999. Câu nói này đã trở thành triết lý sống cho nhiều nhân viên y tế.

Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả 

Bác sĩ Carlo Urbani

Với thông điệp nhân văn đó, đầu năm 2000, bác sĩ Carlo Urbani từ chối cơ hội trở thành trưởng khoa tại một bệnh viện (BV) ở Ý để tiếp nhận vai trò chuyên gia của WHO tại Tây Thái Bình Dương, giúp đỡ các nước còn kém phát triển về y tế.

Tháng 4 năm đó, ông đến sống tại Hà Nội. Trong những năm tháng làm việc tại đây, cùng với việc xuất bản nhiều tài liệu khoa học và tham dự các hội thảo trên khắp thế giới, ông đã cùng gia đình và bạn bè khám phá Việt Nam.

Đây cũng là nơi ông trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời, cống hiến mình với lòng can đảm và sự tận tâm trong cuộc chiến với SARS, căn bệnh khiến cả thế giới lo sợ khi đó.

Tại lễ tưởng nhớ bác sĩ Carlo Urbani và 10 năm sau SARS tổ chức tại Hà Nội ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại vào những ngày tháng cách đây 10 năm khi những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng không rõ nguyên nhân, bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc.

Đến ngày 26/2/2003, bệnh nhân Johnie Chun Cheng đến BV Việt Pháp của Việt Nam với những biểu hiện tương tự.

Mặc dù đã nhận được những cảnh báo nguy hiểm, bác sĩ Carlo Urbani, hầu như ngày nào ông cũng có mặt tại bệnh viện cùng các bác sĩ, y tá thăm khám bệnh nhân đầu tiên và những người bị lây sau đó. Lấy mẫu bệnh phẩm, quan sát, ghi chép các biểu hiện lâm sàng, tư vấn về chống nhiễm trùng, an ủi, động viên các bác sĩ, y tá”.

Các chuyên gia y tế tại lễ kỷ niệm 10 năm sau dịch SARS tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Các chuyên gia y tế tại lễ kỷ niệm 10 năm sau dịch SARS tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Dịch SARS là một trong những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đầu tiên được ghi nhận trong thế kỷ 21. Chỉ trong thời gian ngắn đã lây lan ở 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc; trong đó có 916 người tử vong. Sự tiến triển nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan những người dân phải tiếp xúc, sống gần khu vực có người bệnh hoang mang tột độ.

Bác sĩ Carlo cũng được cảnh báo sự nguy hiểm, ông hoàn toàn có quyền và có lý do để về nước. Ngay cả khi người vợ đề nghị hãy trở về nước để tránh nguy hiểm, nhưng Carlo không bận tâm, ông thường xuyên túc trực bên giường bệnh, an ủi động viên và tìm cách chữa trị cho bệnh nhân.

Là một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bằng những nghiên cứu đầu tiên của mình ở Việt Nam, ông đã giúp các đồng nghiệp nhanh chóng xác định virus gây bệnh.

Tháng 3/2003, bác sĩ Carlo đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan. Xuống sân bay, ông thấy người mệt mỏi và sốt. Carlo hiểu rất rõ điều gì đang đến với mình, ông đã gạt người bạn thân khi đó lao đến ôm ông và kiên nhẫn ngồi đợi xe cứu thương. Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, Carlo đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu.

Có mặt tại lễ tưởng nhớ bác sĩ Carlo Urbani, ông Nguyễn Hữu Hùng, người thoát khỏi căn bệnh này 10 năm về trước nói: “Tôi còn sống đến hôm nay là nhờ phép lạ. Phép lạ này tôi đã nhận được từ các bác sỹ, nhân viên y tế, những người đã âm thầm dũng cảm tìm mọi phương cách để chống lại cơn đại dịch của thế kỷ, chấp nhận hy sinh ngay cả tính mạng mình như bác sỹ Carlo Urbani, chấp nhận không điều kiện những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chính bản thân mình”.

Trong số 63 trường hợp mắc SARS tại Việt Nam có 37 bác sĩ, y tá là nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân SARS.

10 năm đã qua kể từ ngày bệnh SARS tấn công loài người, Việt Nam đã đối mặt thêm với nhiều dịch bệnh mới nổi khác như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, bệnh lạ ở Quảng Ngãi và hiện dịch cúm A/H7N9 đang ngấp nghé đe dọa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG