Tại cuộc họp khẩn phòng chống dịch cúm, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc cúm đang gia tăng. Thống kê trong tháng 1 Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm. Các ca mắc cúm chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.
Tại BV Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, các ca mắc cúm đang tăng lên. Thời điểm này, khoa đã phải bố trí một khu vực riêng dành cho bệnh nhân cúm, với khoảng 10 ca mắc cúm trong mấy ngày qua. Trong đó, có một ca diễn biến nặng gây viêm phổi nghiêm trọng phải chuyển lên hồi sức tích cực và hiện đã hồi phục.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12/2017 đến nay đã có 830 trường hợp mắc cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện.
Hiện nay bệnh dịch cúm mùa trong nước, khu vực và thế giới có chiều hướng gia tăng, không loại trừ túyp cúm có độc lực cao ở một số nước có thể xâm nhập vào Việt Nam theo con đường du lịch nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Các bác sĩ cho biết, thông thường các ca cúm đến khám đều được hướng dẫn cách ly, điều trị triệu chứng tại nhà, nâng cao thể trạng. Những trường hợp nhập viện thường là bệnh nhân cúm thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người nhà, người mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhân cúm bị biến chứng viêm phổi.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BVĐK Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Nam Thăng Long... có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, giảm thấp nhất biến chứng đặc biệt tử vong; đảm bảo không lây chéo. Đồng thời rà soát lại số thuốc Tamiflu các bệnh viện hiện còn. Thuốc Tamiflu được chỉ định dùng điều trị cúm cho trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Cũng trong ngày 13/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các tỉnh thành yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát lại công tác chỉ đạo hoặc triển khai kế hoạch và kiểm tra giám sát việc thực hiện thường trực trong dịp Tết đối với các sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh, chú ý về các bệnh thường gặp trong dịp Tết như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… đối với các bệnh dịch chú ý dịch cúm như tình hình đã nêu trên. Trong đó, đối với bệnh dịch cúm cần lưu ý tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc cúm ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu.