“Người Lý Sơn” trồng tỏi ở Khánh Hòa

Phơi tỏi vừa thu hoạch ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước
Phơi tỏi vừa thu hoạch ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước
TP - Khi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thiếu đất, thiếu cát để trồng tỏi, nhiều cư dân đã ly hương, tìm đất trồng tỏi ở tỉnh Khánh Hòa. Tỏi của người Lý Sơn trồng ở Khánh Hòa có sản lượng cao hơn và đang dần tạo thương hiệu riêng. 

Đổi đời trên đất mới

Hơn một giờ sau khi tàu rời bến Vạn Giã, những khoảnh ruộng tỏi xanh ngắt ở Bãi Dừa trên đảo Hòn Lớn, xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) hiện ra trước mắt tôi. Anh lái tàu hạ thuyền thúng, đưa tôi lên Bãi Dừa. 

 
Một phụ nữ cao lớn và một người đàn ông thấp nhỏ ngưng tay tưới tỏi, niềm nở chào chúng tôi. “Tôi tên là Võa Thị Môi”, chị nói, khi tôi xưng tên và hỏi tên chị. “Môi là sướm môi á, sinh nem sáo toám”, chị nói thêm. Thấy tôi vẫn ngơ ngác, người đàn ông “dịch” lại: “Vợ tôi tên là Võ Thị Mai, sinh năm một chín sáu tám”.

gồi trên bờ ruộng là những tảng đá được xếp ngay ngắn, chắc chắn, họ cởi mở kể chuyện lập nghiệp. Anh Phạm Ngọc Hậu là dân thôn Xuân Tự (Vạn Hưng, Vạn Ninh), trước đây nuôi tôm sú, năm 2001 sạt vốn vì vùng tôm sú Xuân Tự bị nhiễm chất độc, anh ra Bãi Lớn (thôn Ninh Tân, Hòn Lớn) nuôi tôm hùm. Được vài năm, anh lại thiệt hại nặng vì tôm bị bệnh sữa.

Đang lúc nản, năm 2004 anh gặp chị Mai từ Lý Sơn vào tìm đất trồng tỏi. Hai người gá nghĩa, cùng mua 4 sào đất ở Bãi Dừa, với giá 10 triệu đồng. 

“Mang tỏi Khánh Hòa về Lý Sơn bán là việc làm thiển cận, cứ làm vậy đến bao giờ người ta mới biết đến tỏi Khánh Hòa?”.

Ông Sáu Nhân nói

“Cực lém, đội néng gội mưa, tay không bứng từng gốc cây, moi từng viên đá”, chị Mai kể về những ngày đầu dọn mặt bằng làm ruộng tỏi. Có mặt bằng rồi, còn phải đi mua cát vôi ở bãi Tranh Đen, cũng trên Hòn Lớn để phủ trên mặt ruộng. Năm lãi nhiều, năm lãi ít, mỗi năm anh chị thu lãi hai, ba chục triệu đồng trên một sào tỏi (1.000 m2), dùng tiền lãi để đầu tư mở rộng trang trại. Hiện nay, họ có khoảng 3 ha vườn rừng, trong đó có hơn 1 ha tỏi, có người hỏi mua với giá mỗi ha 1 tỷ đồng nhưng họ không bán.   

“Người Lý Sơn” trồng tỏi ở Khánh Hòa ảnh 1

Ruộng tỏi của ông Nguyễn Sanh trên Bãi Dừa, đảo Hòn Lớn

Những người đầu tiên đến Bãi Dừa trồng tỏi là vợ chồng ông Nguyễn Sanh và em trai ông, vốn là dân lặn biển có tiếng ở xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn. Ở lại đêm tại nhà ông Sanh, tôi nghe ông kể về đảo Đá Lớn, bãi Én Đất… ở Trường Sa, đảo Linh Côn, Đá Lồi, Đá Bắc… ở Hoàng Sa, những nơi ông thuộc nằm lòng. Cách đây 20 năm, bị thương nặng trong khi lặn lấy sắt ở một tàu chìm tại vùng biển Hoàng Sa, ông Sanh phải bỏ nghề biển. 

Năm 2000, ông cùng vợ và em trai vào Bãi Dừa để trồng tỏi. Được hai năm, em trai ông Sanh không chịu nổi cực khổ ở nơi hoang vắng nên bỏ về Lý Sơn, bán 4 sào ruộng cho người khác với giá 5 triệu đồng, năm sau người kia bán lại cho chị Mai. Còn vợ chồng ông Sanh đến nay đã tạo dựng được trang trại hơn 3 ha, trong đó 8 sào ruộng tỏi. “Ở đây trồng tỏi là vô địch, mỗi năm tôi thu lãi vài trăm triệu đồng khỏe re”, ông Sanh khoe.

Người tiên phong

Những năm đầu thập niên 1990, “vương quốc tỏi Lý Sơn” bắt đầu thiếu diện tích đất, thiếu cát để trồng tỏi. Trong một chuyến tới xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thăm người anh họ là Bùi Thọ làm rể tại đó, ông Võ Ái Nhân (Sáu Nhân) phát hiện một vùng cát vôi rộng lớn. Có thể trồng tỏi ở đây không?

 Hỏi vậy, rồi ông Sáu Nhân tự tìm lời đáp. Ông mang 25 ký tỏi giống từ Lý Sơn vào, trồng thử trên 300m2 đất mượn của ông Bùi Thọ, thu được 300 ký tỏi thương phẩm. Tin vào triển vọng làm ăn, năm 1995 Sáu Nhân đưa gia đình từ đảo Bé, Lý Sơn vào lập nghiệp ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước. 

Theo ông Sáu Nhân, cát vôi ở Ninh Phước gần giống cát ở Lý Sơn, do san hô, vỏ ốc, vỏ hàu sau nhiều năm bị mủn hóa mà thành. Cát vôi xốp, giữ ẩm tốt hơn cát phèn, khi trời nắng to đi trên cát vôi cũng không bị bỏng chân như đi trên cát phèn. “Cát từ đá bị vỡ do sức nóng mặt trời, phản xạ ánh sáng nhìn như thủy tinh, gọi là cát phèn, ruộng có cát đó cũng trồng tỏi được, nhưng phải trộn cát vôi”, ông Sáu Nhân cho biết. Để trồng được tỏi trên đất cát phèn, phải trộn thêm cát vôi với tỷ lệ 50-50 hoặc 60-40, nếu tỷ lệ đất cát phèn cao quá thì không ăn thua.

Với người quen trồng tỏi, chỉ cần hốt cát lên tay rồi cho rơi, nhìn cách cát rơi và phản xạ ánh sáng là biết được độ phèn… Ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), xã Vạn Hưng, xã Vạn Thọ, thị trấn Vạn Giã và một vài bãi ở Hòn Lớn (Vạn Ninh) cũng có cát vôi. Hiện nay, ngoài hơn 1,2 ha ruộng tỏi ở Ninh Yển, gia đình ông Sáu Nhân còn trồng khoảng 10 ha tỏi ở xã Ninh An và xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa). 

Hai nơi này không có cát vôi, nhưng thuận lợi về nguồn nước, tiện giao thông. Để làm ruộng trồng tỏi, phải cào lớp đất màu ở trên qua một bên, san lớp đất bên dưới cho bằng phẳng, đưa lại đất màu lên, rồi phủ cát vôi lên trên cùng. 

“Tổng cộng cả tiền mua đất và tiền làm ruộng ở Ninh An là 710 triệu đồng một ha, nhưng chỉ cần vài vụ tỏi là lại vốn”, ông Sáu Nhân nói. Theo ông, về chất lượng, tỏi ông trồng ở Ninh Hòa bằng 95% so với tỏi Lý Sơn. Bí quyết là phun nước biển có pha phân u-rê lên lá tỏi, khi tỏi đang lên ngồng để làm củ.

Hướng tới thương hiệu tỏi Khánh Hòa

“Người Lý Sơn” trồng tỏi ở Khánh Hòa ảnh 2 Vườn tỏi của chị Bùi Thị Nguyệt ở thôn 1, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa
Ông Sáu Nhân ước tính, có khoảng 150 hộ từ Lý Sơn đã vào Khánh Hòa trồng tỏi. Riêng ở xã Ninh Phước có khoảng 100 hộ người Lý Sơn trồng tỏi, diện tích khoảng 200 ha, nên hiện nay Ninh Phước đã được gọi là “xã tỏi”. Người Lý Sơn ở Ninh Phước còn trồng tỏi ở các xã Ninh Sơn, Ninh An (thị xã Ninh Hòa), xã Vạn Hưng (Vạn Ninh). Cạnh Ninh Phước, hầu hết trong diện tích 50 ha đất canh tác của xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) cũng đã được người Lý Sơn và một số hộ dân địa phương trồng tỏi. 

Cộng thêm diện tích tỏi ở Bãi Dừa, bãi Lỗ Hầu, Cồn Voi, bãi Tranh Đen… trên đảo Hòn Lớn, tổng diện tích tỏi do người Lý Sơn trồng ở Khánh Hòa giờ trên 300 ha, tương đương diện tích tỏi ở Lý Sơn. Nhưng sản lượng tỏi hằng năm ở Khánh Hòa cao hơn sản lượng tỏi Lý Sơn, bởi năng suất ở đây cao hơn, khoảng 8 – 12 tấn/ha. 

Hầu hết diện tích tỏi ở Khánh Hòa được trồng theo phương thức công nghiệp, có hệ thống tưới phun sương. “Vốn đầu tư ban đầu ở đây cao hơn ở Lý Sơn, nhưng chi phí công chăm sóc đỡ hơn, có thể xen canh một số loại cây khác như đậu phộng, hành, ớt, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”, ông Bùi Thọ nói.  

Cũng như tỏi Lý Sơn, tỏi Khánh Hòa có màu trắng, tép nhỏ và chắc, thơm và cay dịu, chất lượng một chín một mười so với tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, tỏi Khánh Hòa vẫn chưa có vị thế riêng trên thị trường. Năm 2014, cô Sơn, con gái ông Sanh đã lặn lội ra Hà Nội để tìm mối bán tỏi, nhưng kết quả chưa khả quan lắm. 

“Họ bảo sao tỏi lại trắng thế, có phải tỏi Trung Quốc không, có phải trắng do tẩy không? Nói tỏi Khánh Hòa, họ không tin”, cô Sơn kể. Hiện nay, đang vụ thu hoạch tỏi, có một số người lại mang tỏi Khánh Hòa về Lý Sơn, trộn với tỏi Lý Sơn để bán. 

Theo ông Sáu Nhân, cần xây dựng thương hiệu riêng cho tỏi Khánh Hòa để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững vùng tỏi Khánh Hòa. “Mang tỏi Khánh Hòa về Lý Sơn bán là việc làm thiển cận, cứ làm vậy đến bao giờ người ta mới biết đến tỏi Khánh Hòa?”, ông Sáu Nhân nói. 

Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa” do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa thực hiện từ năm 2012 đến 2014, đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu, xếp loại xuất sắc. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho nhân rộng trong tỉnh mô hình trồng tỏi có hiệu quả kinh tế cao, nhanh chóng xúc tiến xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa. 


MỚI - NÓNG