Ngày 12/10, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII với chủ đề "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" đã diễn ra tại Hà Nội.
Thu nhập nông dân trong hợp tác xã tăng mạnh
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - cho rằng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo ông Đoàn, hiện nay thông qua hoạt động của các cấp, Hội Nông dân đã thu hút gần 570.000 lượt hộ tham gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.
Chia sẻ về tình hình hoạt động của các hợp tác xã, ông Đặng Văn Thanh - Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát - cho rằng, hiện doanh thu bình quân một hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 867 triệu đồng so với năm 2013. Lãi bình quân của một hợp tác xã hiện nay là 366 triệu đồng/năm (tăng 200 triệu đồng so với 10 năm trước). Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người.
Ông Đặng Văn Thanh - Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác |
Theo ông Thanh, các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản hiện chiếm tỷ trọng chủ yếu. Trong đó, doanh thu bình quân của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 2,3 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 378 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/năm.
“Hợp tác xã nông nghiệp là mắt xích trong hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là tiền đề hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực như tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản”, ông Thanh cho hay.
Mục tiêu 45.000 hợp tác xã, 2 triệu thành viên
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, kinh tế tập thể đang là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP… Tuy vậy, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. |
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 140.000 tổ hợp tác, 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đại diện các hợp tác xã đã nêu lên tại diễn đàn, nhất là không đùn đẩy trách nhiệm với những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách về hợp tác xã.
“Các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm”, Phó Thủ tướng cho hay.