"Tôi muốn người ta viết đúng tên mình trên credit"
- Làm nhạc cho nhiều bộ phim nổi tiếng, doanh thu lớn, có khi nào anh cảm thấy thiệt thòi khi không ai biết tới mình?
- Lúc đầu chọn cái nghề này tôi cũng nghĩ như vậy. Ngay lúc nhỏ tôi đã khác với mọi người, tôi nghe nhạc không lời, đam mê xem phim, hai điều đó cộng hưởng khiến tôi khám phá ra nhạc phim và tập sáng tác năm 18 tuổi.
Ngành này chưa thực sự phổ biến và thiếu nhân lực tại Việt Nam, nhiều người còn hiểu sai về khái niệm nhạc phim, không chỉ có bài hát phim mà còn có nhạc nền. Vì quá đam mê và cảm thấy thiệt thòi, tôi quyết định chơi lớn, theo học và muốn thay đổi nó.
Nhà soạn nhạc Trần Hữu Tuấn Bách - người đứng sau nhạc nền của những bộ phim điện ảnh đình đám, doanh thu trăm tỷ. |
Tôi tự hỏi ngành này tại Âu Mỹ phổ biến nhưng tại sao nước mình không phát triển, lớn mạnh cùng điện ảnh. Ban đầu mọi thứ khá thiệt thòi, ngay cả phần credit cũng bị sai, lúc đó tôi mới bắt đầu chỉnh dần cho tới bây giờ để người ta có thể biết đến mình, đơn giản hơn là viết đúng tên mình trên credit thôi.
- Cụ thể công việc làm nhạc phim của anh là gì?
- Ở trong tiếng Anh công việc của tôi gọi là “film score”, nghĩa là nhạc nền ở trong phim. Việc của tôi trải dài xuyên suốt từ đầu tới cuối phim, tôi phải xem đi xem lại rất nhiều lần và nhiều khi chỉ xem một phân cảnh lặp lại. Từ đó, tôi sáng tác, viết nhạc cho từng phân cảnh này, từ những niềm vui, nỗi buồn tới đoạn cao trào kéo đến hết phim với khối lượng công việc chặt chẽ.
Với đạo diễn, họ quyết định về số lượng âm nhạc ở trong phim hoặc là những phân đoạn nào muốn có nhạc, chất liệu như thế nào phụ thuộc vào sự sáng tạo của người viết. Việc quan trọng là cần trao đổi với đạo diễn, giữa người làm phim, người làm nhạc sao cho không bị mất tiếng nói chung, vì vậy cần làm việc chặt chẽ để họ hiểu ý tưởng của mình.
- Cảm xúc của anh thế nào khi một số bộ phim anh làm nhạc có doanh thu đạt trăm tỷ đồng như ''Tiệc trăng máu'' - 180 tỷ đồng, ''Em và Trịnh'' - hơn 100 tỷ đồng?
- Tôi không để ý đến chuyện mình làm nhạc cho bao bộ phim trăm tỷ đồng, tôi thấy mừng cho đoàn phim nhưng cũng không đếm rõ số lượng.
Rơi vào trầm cảm khi làm nhạc nền phim “Em và Trịnh”
- Khó khăn khi làm nhạc cho phim Em và Trịnh?
- Em và Trịnh là bộ phim đặc biệt. Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phần nhạc nền chắc chắn có nhạc của Trịnh chứ không phải của riêng tôi nữa. Đây là thử thách lớn. Tôi phải chia số lượng và phần trăm như thế nào để có thể dung hòa giữa nhạc của mình và nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cái khó ở đây, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh muốn nhạc Trịnh Công Sơn chiếm phần lớn, tôi phải phối lại những bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để phù hợp với phân cảnh nào đó. Tôi phải làm sao để nhạc Trịnh phù hợp với phân cảnh, người nghe cảm thấy hợp lý, đó là áp lực lớn.
Để phối lại bài nhạc công chúng nghe rất nhiều, tôi phải làm như thế để mang lại hiệu quả cảm xúc nhưng vẫn đảm bảo thời lượng, nhưng phim đâu có cho phép điều đó. Tôi cố gắng cân bằng, trò chuyện với đạo diễn về những phân đoạn không thể dùng nhạc Trịnh vì hơi áp đặt. Những phân đoạn này tôi 50:50 giữa nhạc nền của mình và nhạc của Trịnh Công Sơn.
- Anh suy nghĩ gì khi ''Em và Trịnh'' – tác phẩm anh bỏ nhiều công sức - có nhiều tranh cãi sau khi công chiếu?
- Một bộ phim tạo tranh cãi lớn như vậy ắt hẳn phải nhận được sự quan tâm của mọi người. Công chúng sẽ bàn tán theo nhiều góc khác nhau. Sau khi phim chiếu, mọi người phản ứng tốt với phần nhạc khiến bản thân tôi cũng thấy vui khi truyền đạt đúng tinh thần.
Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy hài lòng khi mình đã làm hơn 30 bản nhạc nền.
Nhạc sĩ gặp vấn đề tâm lý khi hoàn thành xong nhạc phim Em và Trịnh. |
- Làm nhạc về nhạc sĩ nổi tiếng, cùng đạo diễn khó tính, có bao giờ anh rơi vào trạng thái trầm cảm?
- Thời điểm hoàn thành phim thực sự tôi rơi vào trầm cảm. Một phần vì khối lượng công việc. Như mọi người biết phim có hai bản, tôi đều đảm nhận phần nhạc nền, giống như tôi làm cùng lúc hai bộ phim vậy.
Mọi người cứ nghĩ việc của mình chỉ cần chuyển nhạc từ bản này qua bản kia nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Tôi phải làm nhạc nền hoàn toàn mới.
Về tinh thần tôi bị áp lực vì làm về người nhạc sĩ đã quá nổi tiếng. Tôi tự hỏi nhạc gốc đã quá hay, mình sẽ đưa vào thêm cái gì, liệu gu của tôi có phù hợp hay trở thành áp đặt và nó còn sức hút hay không.
Đề bài đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giao khiến tôi thêm phần áp lực. Thời gian để tôi giải quyết công việc cũng không có nhiều. Sau khi phim công chiếu tôi mới gặp tình trạng này. Tôi nghĩ nhiều đến feedback (phản hồi) của khán giả, trạng thái của tôi không tốt được như hiện tại.
Ban đầu, nhà sản xuất nói phần nhạc nền sẽ thu âm bằng cả dàn nhạc, để tôi có thể phát huy hết mình. Nhưng mà sau đó vì nhiều lý do, kế hoạch bị hủy. Đây cũng là điều làm tôi áp lực vì bản thân đã tính hết đường đi nước bước. Tôi phải tính toán lại từ đầu, phải tối ưu thế nào cho cho bộ phim hay và ra được đúng ý đồ của mình.
Ở khâu cuối là làm việc với bên âm thanh, đạo diễn yêu cầu chỉnh sửa một số đoạn nhỏ. Cho đến phút cuối, lúc thử rạp tôi vẫn còn phải sửa. Sau khi test rạp xong tôi vẫn phải về nhà sửa một số phân đoạn. Tôi nhớ đó là một tuần trước khi họp báo ra mắt phim.
- Giai đoạn trầm cảm, anh đã phải đối mặt như thế nào?
- Giống như mình thức dậy buổi sáng và cảm thấy cuộc sống mất hết ý nghĩa. Tôi lên mạng xã hội để xem có khán giả đánh giá về phần âm nhạc của mình không. Trước đó tôi đã gặp áp lực, lo âu nhận nhiều thông tin tiêu cực khiến tôi kiệt sức và cảm xúc này đè nén kéo dài.
Về Tiệc trăng máu, tôi làm nhạc cho phim này khá “chill”. Cái khó là tôi phải tìm chất liệu âm nhạc, mới đầu hơi khó khăn do phim này đặc thù là phim thoại nhiều, diễn ra trong bối cảnh căn hộ. Khi làm việc với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không quá khó khăn, tôi xem xét chỗ nào cần nhạc, chỗ nào không. Tôi phải cân bằng được khối lượng nếu không sẽ phá cảm xúc của nhân vật.
Tôi nhớ có đoạn sửa lại 5 lần, khi Hứa Vỹ Văn gọi điện cho con gái. Ban đầu anh Dũng nói bài này hay quá, làm người ta chú ý nhạc hơn cả nội dung. Vì vậy, tôi đã tiết chế lại để hợp hơn với cảm xúc của diễn viên.
Làm việc với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dự án Tiệc trăng máu, nhạc sĩ Tuấn Bách thấy khá "dễ thở". |
Thu nhập xứng đáng
- Mức thu nhập từ nghề có xứng đáng với công sức anh bỏ ra?
- Tôi nghĩ mức cát-xê hiện tại của tôi là xứng đáng cho quá trình gần 10 năm làm nghề. Tôi hy vọng các nhà đầu tư, ê-kip chịu bỏ thêm chi phí về thu âm… làm cho chất lượng phim tốt hơn. Bản thân tôi chọn nghề này đã quá can đảm. Tôi đi con đường riêng biệt, đây là công việc chính. Ngoài công việc này tôi không làm nhiều việc khác.
Hiện tại tôi sống khá ổn, ngành này khi bắt đầu làm chỉn chu, công sức bỏ ra tốn kém và thiệt thòi hơn so với nhiều vai trò khác trong ê-kíp làm phim. Khi thưởng thức lại bộ phim, tôi thấy vui vì đã cống hiến hết mình.
- Một trong những bộ phim có nhạc phim hay nhất ở quốc tế lẫn Việt Nam, theo anh?
- Tôi dành sự tôn trọng cho anh Christopher. Anh ấy sinh sống ở Mỹ và chuyên viết cho những bộ phim Việt. Tôi nhớ phim đầu tiên tôi xem mà anh ấy làm nhạc là Dòng máu anh hùng của đạo diễn Charlie Nguyễn. Đó cũng là cơ duyên khi thời điểm năm 2008 tôi đang nghiên cứu về nhạc phim và phát hiện được bản nhạc hay và xuất sắc đến vậy. Chỉ có điều đáng tiếc đó lại là nhạc sĩ nước ngoài. Đây cũng là động lực để tôi dấn thân vào nghề, tạo ra hàng “made in Vietnam”.
Về phim nước ngoài tôi ấn tượng nhiều. Ví dụ như phim Người đẹp và thủy quái (The Shape of Water) do Alexandre Desplat sáng tác. Gần đây có phim Dune do Hans Zimmer đảm trách phần âm nhạc. Tôi cảm giác nhạc phim của quốc tế ngày càng mới, càng ấn tượng. Họ áp dụng công nghệ nhiều hơn so với cách làm cổ điển.
Nhạc sĩ ấn tượng với nhạc nền của Dòng máu anh hùng và Người đẹp và thủy quái. |
- Anh nghe nhạc hay xem phim nhiều hơn?
- Tôi nghĩ là cả hai. Mất thời gian nhưng đáng giá. Có những phim tôi vẫn cố xem dù không thích. Ví dụ, tôi sợ thể loại kinh dị nhưng vẫn xem để hiểu cách thức họ làm như thế nào. Khi bắt đầu dự án mới, tôi nghe nhạc, xem phim nhiều hơn để tìm cảm hứng.
- Anh tìm cảm hứng thế nào khi bắt tay vào làm nhạc?
- Mỗi phim tôi đều có mục tiêu, mang đến khía cạnh mới nhưng vẫn là chính mình. Mỗi tác phẩm có chất liệu khác, từ Tiệc trăng máu, Em và Trịnh đến Bằng chứng vô hình.
Nhạc phim hay ở chỗ không có giới hạn, có thể thể hiện ở nhiều thể loại. Ngoài xem phim tôi nghe nhạc rất nhiều, từ không lời tới có lời và tìm chất liệu để ngày càng đổi mới.
Thứ hai tôi luôn làm mới workflow (luồng công việc), thay đổi một chút ở trong phòng để tạo cảm hứng.
Không cho phép bản thân dễ dãi vì thấy có lỗi với lương tâm
- Theo anh vì sao các đạo diễn lớn chọn làm việc với anh?
- Tôi nghĩ đó là cơ may. Tôi chưa dám nhận mình làm với nhiều nhiều đạo diễn lớn nhưng đó là sự may mắn.
Tôi biết đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từ rất lâu, đã làm việc qua một số phim ngắn. Tại cuộc thi phim ngắn ở Việt Nam, tôi có cơ duyên làm quen và biết anh cho tới giờ. Nhờ anh đã giới thiệu cho tôi nhiều đạo diễn khác.
- Nhìn vào thị trường Việt Nam lẫn thế giới, anh nghĩ sao về ý kiến “phụ nữ giống như dân tộc thiểu số trong lĩnh vực sản xuất nhạc nền cho phim”?
- Đối với châu Á, ngành này cũng cũng khá mới, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Nếu so sánh với Thái Lan hay các nước lân cận đây là ngành mới, còn với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản lại là quy chuẩn lâu đời hơn, tới Âu Mỹ, nghề này họ đã sáng tạo một cách kinh khủng. Tôi cho rằng đó là một phần, vì ở bên châu Âu, cái nôi của họ là nhạc cổ điển, âm nhạc đã quá phát triển. Còn ở Mỹ đi theo hướng nhạc kịch và đi theo nhạc phim, hai thứ liên kết chặt chẽ với nhau.
Hiện tại ngành này mới, tôi hy vọng có nhiều nhạc sĩ hơn vì tôi thích sự cạnh tranh.
Nhạc sĩ Hans Zimmer (trái) và Alexandre Desplat (phải) là những người Trần Hữu Tuấn Bách ngưỡng mộ. Anh hy vọng ngày càng có nhiều người bước vào ngành làm nhạc phim ở Việt Nam. |
- Anh có cho rằng kinh phí quá hạn hẹp dẫn đến sự dễ dãi ở một số nhạc sĩ trong việc sáng tác các ca khúc nhạc phim?
- Kinh phí cho phim tùy thuộc vào ê-kíp của nhà sản xuất, nhà đầu tư. Họ có thật sự là họ quan trọng nhạc nền hay bài hát của phim đó không.
Nhiều phim quan trọng phần bài hát hơn là phần nhạc nền. Khi đó họ sẽ đặt kinh phí vào bài hát nhiều hơn là nhạc nền. Chuyện đó chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng, nhưng sự sáng tạo mình bỏ ra dù có thế nào cũng mang lại sản phẩm tốt cho bộ phim.
Tôi nghĩ tùy vào gu của người nhạc sĩ để họ có thể đem lại âm nhạc như thế nào. Khi tôi làm việc trong dự án có cái kinh phí thấp, tôi vẫn cố gắng làm tốt trong khoảng giới hạn, chứ không hời hợt, dễ dãi. Hoặc tôi không thấy đó là áp lực khiến cho chất lượng âm nhạc đi xuống. Nếu tôi làm vậy, tôi thấy có lỗi với lương tâm.
- Xuất hiện trong ê-kíp làm nhạc cho album mới của ca sĩ Phúc Anh - thủ khoa Nhạc viện, anh có thể chia sẻ về sự đổi mới trong vai trò của mình?
- Đính chính lại một chút, tôi không phải là người làm trực tiếp mà giống người giám sát thì đúng hơn. Tôi cùng làm với ba nhạc sĩ khác, tôi giám chất từ chất lượng, ý tưởng, không phải người thực thi. Tôi định hướng những gì ca sĩ mong muốn và chia công việc cho các bạn. Mỗi người phụ trách một bài hát, tôi muốn mỗi người một gu, một màu sắc. Trước đó tôi đã xem xét, tìm hiểu phong cách của từng nhạc sĩ. Vai trò này giúp tôi thay đổi không khí.
Ca sĩ Phúc Anh kết hợp với Tuấn Bác trong album Thena. |
- Trong công việc anh có là người khó tính?
- Về công việc tôi khá là khó, dạo này đỡ hơn xưa, tôi không còn cầu toàn quá mức. Ở album lần này, tôi giám sát sự cầu toàn đó từ Phúc Anh. Khi các bạn truyền tải ý tưởng của mình, tôi khá hài lòng.
Hiện tại album có 9 bài nhưng thực ra ban đầu tận mười mấy bài, chúng tôi bỏ nhiều vì cảm thấy chưa đúng định hướng.
Khi làm tôi nhận ra khó tính không bao giờ là đủ. Sự tiết chế giúp tôi thoải mái hơn nhưng Phúc Anh lại muốn hơn nữa, thành ra dễ gây tranh cãi. Những mong muốn đó lại dư thừa, không đáp ứng thêm chất lượng và làm mất thời gian. Lúc sắp ra album chúng tôi có tranh cãi về chất lượng đầu ra và phải làm thế nào để cân bằng lại.