Người làm dịu những đợt nóng xứ Thanh

Người làm dịu những đợt nóng xứ Thanh
TP - Hàng chục cuộc tụ tập kiến nghị, nhỏ thì vài chục, lớn vài trăm người kéo dài suốt 4 tháng, khi thì kéo đến trụ sở UBND thị xã lúc thì rồng rắn kéo xuống thành phố giăng người trước trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy. Vậy mà chỉ hơn một giờ đồng hồ gặp ông, những cuộc tụ lớn nhỏ ấy đã tự nguyện giải tán!
Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh với tiểu thương chợ Bỉm Sơn Ảnh: Báo Thanh Hóa
Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh với tiểu thương chợ Bỉm Sơn. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Không công an, chẳng dùi cui cùng khiên, mặt nạ lẫn chó nghiệp vụ. Cán bộ đi theo ông nhõn một người. Ông đầu trần đứng giữa dân với cái cười rộng mở. Ông là ai?

Chuyện thì dài nhưng gọn nó thế này. Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2011, các đại diện tiểu thương chợ thị xã Bỉm Sơn nhận được thông báo của UBND phường Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn) rằng kể từ đầu năm 2012, chợ Bỉm Sơn sẽ được bàn giao cho một đối tác để xây một công trình gì đó.

Lập tức tiểu thương bức xúc vì không được bàn bạc thỏa thuận. Lại lộ ra chuyện chính quyền trước đó ký kết với ông đối tác rồi sau đó mới làm cái việc thông báo...

Bên đối tác còn yêu cầu các tiểu thương đăng ký nơi kinh doanh mới tại chợ tạm, để lại chợ cũ để họ xây dựng nâng cấp. Thế là mâu thuẫn bùng phát bởi tại nơi chợ tạm, mọi điều kiện đều rất bất tiện như nóng, chật hẹp, sắp xếp không hợp lý.

Chưa hết, mọi thỏa thuận cho hợp đồng đăng ký chỗ kinh doanh như giá cả, địa điểm, thời hạn… sau khi chợ mới được xây trên nền chợ cũ bà con đều không biết.

Từ ngày 23-1 ( Mồng 1 Tết) các cụm từ nhạy cảm như bãi thị tuần hành liên tục xuất hiện. Vợ chồng, con cái các tiểu thương dắt díu nhau ăn ngủ ngay trước chợ, không cho người của đối tác đến dỡ nhà. Ngày 4-2, trong cuộc nói chuyện với lãnh đạo UBND thị xã, bà con vẫn không đồng ý vì trả lời của thị xã không đáp ứng được các yêu cầu của họ.

Từ ngày 8 đến 11-5, trong cái nắng hầm hập, hàng trăm bà con đã kéo lên TP Thanh Hóa giương biểu ngữ, tụ tập trước cổng UBND tỉnh. Lực lượng cảnh sát được điều đến nhưng chỉ làm cái việc giữ gìn trật tự không hề đụng đến bà con tiểu thương. Các cuộc tụ tập chỉ giải tán khi đêm 11-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Thọ phải ra hứa trước bà con sẽ gặp dân ngày14-5 tại trụ sở UBND thị xã Bỉm Sơn.

10 giờ, gần 800 tiểu thương vây kín quanh 2 người trong đó có ông Thọ và một người nữa. Rất nhanh, nhiều người nhận ra người đi với ông Thọ là Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh.

Theo lời kể của bà Trần Thị Hoa (tổ phó ngành hàng may mặc) thì “Ngay lời đầu tiên ông Ninh đã làm mọi người mát dạ khi khẳng định UBND thị xã đã có những quyết định chưa đúng và ông đồng ý với một số kiến nghị của bà con”.Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Bỉm Sơn ra quyết định mới hủy bỏ quyết định cũ.

Ông Ninh cũng cho biết không đồng tình với cách làm của UBND thị xã khi đưa ra quyết định kiện toàn ban quản lý chợ. Ông nói rằng UBND thị xã đã giải quyết sự việc lòng vòng, gây khó hiểu cho bà con và ngay cả ông cũng khó hiểu.

Ngay sau đó, ông đưa ra một quyết định rất bất ngờ đáp lại nguyện vọng của bà con là không áp mức tăng phí 30%. Do kinh tế gặp nhiều khó khăn, buôn bán ế ẩm nên tỉnh quyết định năm nay không tăng % nào cả!

Ông Bí thư nói chưa dứt lời, tiếng vỗ tay đã vang lên ào ào không ngớt.

Nhiều người tiết lộ điều này, sau cuộc gặp với bà con, ông Bí thư đã yêu cầu kiểm điểm Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Bỉm Sơn và một số đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Bỉm Sơn không đúng với tinh thần của Chính phủ và của UBND tỉnh; khi xảy ra tình huống, xử lý không dứt điểm, không kiên quyết, ảnh hưởng phong trào chung của tỉnh. Nếu phát hiện thấy vi phạm nặng phải có hình thức kỷ luật.

Về cuộc giải tỏa thấu tình đạt lý ở Bỉm Sơn ngày 14-5, không ít ý kiến ngồ ngộ cho rằng Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thua... dân. Mà là một trận được thua đẹp.

... Tôi nhớ ông Mai Văn Ninh đầu trần tay không đến với dân không chỉ lần ấy.

Nghi Sơn, Thanh Hóa mùa nắng ba năm trước, hàng ngàn dân xã Tĩnh Hải và mấy xã phụ cận nơi phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tụ tập sôi sục căng thẳng.

Căng phần vì việc đền bù GPMB có một số khiếm khuyết, phần nữa vì có tiếng súng nổ, người chết người bị thương. Nhà chủ tịch xã bị phá. Công an xã, huyện bị đuổi đánh...

Người phụ tá ái ngại rụt rè ngỏ với ông Mai Văn Ninh lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh đang chuẩn bị đến điểm nóng ấy đừng, đừng xuống đó anh ạ. Người ta giết anh mất! Ông Chủ tịch cười thõng một câu: Yên tâm đi. Người ta có thể đánh cái ông Mai Văn Ninh nào đó chứ dân ai đánh ông chủ tịch tỉnh!

Cứ thế ông đầu trần xuất hiện trước đám đông. Mặt ông nghiêm nhưng tiếng cười suýt bật ra khi mấy cậu cán bộ đi theo mặt mày tái mét vì sợ. Không khí ồn ào như chợ vỡ.

Người ta tranh nhau la hét, tranh nhau nói. Mấy khi gặp được ông chủ tịch cứ nói cho hả cho đã! Biển người dần dần lặng vì người ta cứ thấy ông chủ tịch với dáng đứng lặng lẽ...Ông nói chi đi chứ ông chủ tịch? Ông đến để đứng như bù nhìn rứa a? Nhiều tiếng cười bất ngờ bật ra.

Ông Ninh từ tốn tôi đến đây để nghe bà con. Bà con cứ nói hết đi tôi sẽ nói sau... Vậy là suốt từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, dân thay nhau nói, đúng hơn là thay nhau tố... Trước ông là những khuôn mặt hốc hác lam lũ như bà con của ông hàng xóm của ông, xã viên của ông cái ngày ông đương là chủ nhiệm một HTX nông nghiệp nghèo ở huyện Nga Sơn.

... Người ta ngạc nhiên, nhiều người ớ ra khi ông Chủ tịch tỉnh giọng chùng hẳn xuống. Ông cất lời xin lỗi gia đình có người chết, người bị thương. Ông hứa sẽ lập tức chỉ đạo khởi tố vụ nổ súng, các cơ quan chức năng sẽ lập tức vào cuộc!

Chuyện GPMB Thanh tra và các cơ quan có trách nhiệm trong một tháng sẽ khẩn trương xem xét. Những việc sai tỉnh sẽ xin lỗi bà con. Việc đúng thì bà con vui lòng chấp nhận cho. Còn việc quá khích đập phá nhà cửa thì cơ quan chức năng sẽ xử lý thực thi theo pháp luật hiện hành!

Không khí lặng phắc khi một ông râu ria, dữ dằn (sau này mới biết đó là một thương binh nặng được bà con tin tưởng trong việc đòi công lý này) đứng lên lớn tiếng nói cho ông chủ tịch biết hạn một tháng ông phải giữ đúng lời hứa.

...Câu chuyện của chúng tôi bữa ngồi với nhau mới đây gần là việc ông Bí thư đang bận chia sẻ một việc mà ông và tập thể Thường vụ vừa đạt được sự nhất trí cao. Ấy là chuyện đói xứ Thanh.

Mỗi năm làm ra trên 1,6 triệu tấn thóc sao đói? Nhưng cữ giáp hạt vẫn có chuyện thiếu ăn cục bộ ở vùng này vùng khác nhất là mấy huyện vùng cao.Họ thúc tỉnh phải xin gấp trung ương gạo cứu tế. Không xin thì dân kêu, xin thì nhục. Nhục nhưng cũng phải mần. Nhục nữa, thực trạng thiếu đói không đến mức như một số cán bộ kêu.

Bằng cớ là gạo cứu tế đưa về dân một số vùng không nhận.Năm ngoái Trung ương đã phê bình Thanh Hóa chuyện đó. Để góp phần san sẻ với Trung ương với lại cũng đỡ mang tiếng, tỉnh lập ra một Quỹ hỗ trợ.

Nguồn là dân, từ đất mà ra. Đại để thế này. Những huyện vùng lúa diện tích trên 80.000 ha giành ra mỗi sào 2 kg thóc mỗi vụ. Tạm tính kiểu cua trong lỗ thì mỗi năm Thanh Hóa có 3.000 tấn thóc nhân với 2 vụ thành 6.000 tấn tạm quy ra gạo tròm trèm trên 4.000 tấn gạo. Có thể giao cho MTTQ đứng ra làm và Sở Tài chính quản. Quỹ hỗ trợ sẽ được sử dụng để khắc phục ngay tình trạng thiếu đói cục bộ. Bắt đầu thực hiện ngay.

Bài toán thật đơn giản. Nhưng cũng thật lung linh! Năm kia Trung ương mới cấp cho 2.000 tấn gạo mà thiên hạ đã rộ lên đồn thổi rằng xứ Thanh đang đói vàng mắt.

Tạm biệt ông Bí thư chưa kịp nghe hết cái dự án như một cú hích để dần dà miền núi Xứ Thanh thoát nghèo bền vững là hàng trăm, hàng ngàn ha hoang hóa đang chớm đang bật lên màu xanh cây cao su.

Cái xuýt xoa của ông Bí thư là Bác Hồ mình ngó xa trông rộng quá, khi về thăm tỉnh Thanh những năm xa lắc đã căn dặn cán bộ rằng thượng du mà thắng thì Thanh Hóa thắng!

Nhớ lắm kỷ niệm năm 1989, người ta đã huy động bộ đội công an có chó nghiệp vụ cùng súng ống về một làng tên Cộng Hòa, Thọ Ngọc, Triệu Sơn để bắt mấy... tay chống đối. Cuộc vây ráp không thành. Người bị bắt lại là mấy quan chức của huyện. Dân giam họ ngay tại làng nhưng cho ăn uống, coi sóc tử tế.

Tôi đã qua một đêm ở Thọ Ngọc cùng mấy người bị bắt và người canh giữ. Nằm cả một đêm mới nhận ra một lý do lãng xẹt. Nếu như lúc đó huyện, tỉnh kịp thời hóa giải những thắc mắc chính đáng lẫn không chính đáng của dân về đất đai và vài chuyện dân chủ ở làng Thọ Ngọc.

Nếu như khi đó các công bộc của dân từ huyện tới tỉnh kịp thời sâu sát xuống ngay cơ sở thì làm gì có những chuyện ầm ĩ mà phải mất hàng bao năm sau đó mới giải quyết được và để lại hệ lụy dằng dai?

Nghĩ thêm, trong việc ổn định vừa qua, nhiều người nói ông Ninh gặp may, bởi ông không ( hoặc chưa?) dính đến những riêng tư nhà cửa, đất cát nên dân người ta còn nghe chứ khác đi là khó lắm! Nhưng tôi nghĩ khác.

Lứa cán bộ ở xứ Thanh như ông Ninh có lẽ gặp may ở chỗ, họ được trụ trên trên mảnh đất mà trước đó không ít những cán bộ đã phải trả giá về vấn đề dân chủ của nông dân nông thôn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG