Dòng sông mang đi vận đen
Tình cờ vừa đi ngang huyện Krông Pa, Gia Lai, chúng tôi thấy nhiều người dân Ja Rai nấu nướng trên bờ sông Ba có cả những bình rượu cần. Ghé tai hỏi nhỏ một người dân thì được biết là già làng đang tiến hành lễ xả xui cho ông Ksor Ythe (48 tuổi) và Nay H’Sương (30 tuổi) cùng trú buôn H’Nga, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa.
Ông Ksor Ythe kể: đầu tháng 7, 1kg quả xoay có giá 60 nghìn đồng nên mình đi lấy cùng 8 người trong buôn H’Nga. Trong lúc cắt hạ một cành nặng trĩu quả xoay đã bị ngã gãy tay. Vừa ra viện được gần một tuần thì lại bị ngã gãy răng. Vận xui đến nhiều quá nên mình phải nhờ già làng cúng xả xui.
Vận đen của chị Nay H’Sương có chút khác biệt. Đợt hạ sinh người con thứ hai phải mổ, vết mổ chưa lành thì chưa đầy một năm chị lại thập tử nhất sinh vì đau ruột thừa. Công việc làm ăn của gia đình cũng liên tục gặp những điều không may, bởi được mùa mì thì bị ép giá, có giá lại mất mùa.
“Nhờ anh em trong nhà mình bàn với ông Ythe cùng nhau mua một con vịt, một con lợn nhỏ, vài chum rượu cần nhờ già làng đến cúng xả xui. Cuối năm rồi, nhờ sông Ba cuốn đi hết những chuyện buồn để sang năm nhiều lúa, nhiều củ mì hơn”- Chị H’Sương mong.
Một người không thể thiếu trong tục cúng xả xui là già làng uy tín, hiểu tường tận việc này. Năm nay đã hơn 82 mùa rẫy nhưng đôi chân già làng buôn H’Nga Nay Bé vẫn vững chãi bước xuống sông cắm hai cây rừng và cột một sợi dây màu trắng vào. Già Nay Bé giải thích: tục xả xui của người Ja Rai không thể thiếu hai cây rừng, đây là sự mát mẻ và cũng tượng trưng cho thần linh, ngăn cản những điều không may mắn. Còn sợi dây màu trắng là sự trong sáng, phước lành.
Sau khi được già làng Nay Bé làm một số thủ tục, chị H’Sương choàng lên mình một tấm áo rách rồi lặn qua sợi dây theo hướng ngược dòng chảy của sông. “Khi lặn xuống sông người bị vận đen cởi bỏ chiếc áo rách, để dòng nước sông Ba cuốn đi. Những điều không may cũng theo đó mà đi xa”- Già Nay Bé lý giải và cho biết sau khi làm nghi thức xả xui ở dưới sông phải về nhà để cảm ơn ông bà, tổ tiên.
Nét độc đáo trong phong tục
Tại nhà chị H’Sương. Với ba ghè rượu, một con heo, già Nay Bé xin Yàng (thần linh) “Những người thân của con đang chảy máu. Họ đang lo sợ. Hôm nay với lễ vật và tấm lòng lương thiện cho phép linh hồn họ được trở về. Từ nay về sau sẽ không xảy ra chuyện gì nữa. Họ sẽ giúp đỡ, sống hòa thuận với những người trong buôn làng, những thần linh xấu hãy xa họ ra. Ông bà tổ tiên hãy về che chở cho con cháu được sống bình an”.
Xin Yàng xong, chị H’Sương đến uống tại ba chum rượu cần, mỗi chum một ly nhỏ. Sau đó chị cung kính nâng hai tay mang rượu đến mời từng người lớn tuổi trong nhà.
Hoàn tất công việc, già Ythe xua đi bầu không khí căng thẳng “Chuyện buồn đã qua rồi, đây là những bình rượu may mắn. Mọi người hãy chung vui rồi ngày mai lên rẫy chăm chỉ làm ăn”. Nghe xong, mọi người cùng xếp thành vòng tròn, họ mời nhau rượu cần. Mỗi lần mời xong, họ thể hiện tình cảm thân thiết bằng một cái ôm hoặc bắt tay.
Già Nay Bé- một già làng uy tín, hiểu biết của buôn H’Nga chia sẻ: muốn chữa bệnh phải đến bệnh viện, việc xả xui là nghi lễ xin Yàng cho những điều may mắn.
Ông Ksor Phúc- Phó phòng quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) cho biết: Những trường hợp cúng xả xui là tai nạn, gia đình có nhiều người chết liên tiếp, việc này giúp họ trấn an tinh thần. Người Ja Rai thường chọn những người lớn tuổi, có uy tín, am hiểu về tục này để làm chủ lễ. Và phải là người trong làng. Việc này không tốn kém kinh tế bởi chỉ cần một con vịt, một con lợn, không yêu cầu to hay nhỏ. Nếu gia đình nào khó khăn thì mọi người trong dòng họ có trách nhiệm cùng nhau ủng hộ. “Việc đầu tiên sau khi được cúng xả xui là người dân ổn định tâm lý, tự tin trở lại để làm ăn, sinh sống.
Tục xả xui này là một nét độc đáo trong những phong tục của người Ja Rai”- Ông Phúc nói.