Sau khi Trung Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, du khách đến từ quốc gia châu Á này bị xa lánh, lăng mạ, thậm chí bạo hành ở Italy. Những nhà hàng Trung Quốc ở đây cũng trở nên vắng khách vì nỗi sợ nCoV. Italy cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu cấm toàn bộ chuyến bay thẳng từ Trung Quốc.
Nhưng giờ, chính quốc gia châu Âu này lại trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới, với hơn 1.100 ca nhiễm và 29 trường hợp tử vong, khiến người Italy ở nước ngoài lập tức trở thành đối tượng bị xa lánh, hắt hủi.
Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm du khách đến từ Italy. Trong khi một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người từng ở Italy thời gian gần đây.
Gabriele Battaglia, 53 tuổi, đang trên đường từ thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, tâm dịch Covid-19 ở Italy, đến Bắc Kinh khi chính quyền Trung Quốc công bố chính sách cách ly mới hồi đầu tuần này. Ông đang phải cách ly ở Trung Quốc.
"Tất cả mọi người đều sốc. Nhưng tôi hiểu điều Trung Quốc đang làm là hợp lý. Họ cần phải cách ly tất cả những người đến từ 'điểm đen' của dịch Covid-19, giống điều họ từng làm với người đến từ Hồ Bắc, bị các nơi khác ở Trung Quốc cách ly", Battaglia, người làm việc cho đài truyền hình Thụy Sĩ và sống ở Bắc Kinh 9 năm, chia sẻ.
"Giờ với họ, Italy gần giống Hồ Bắc", ông nói thêm và cho biết phải đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày để báo cáo với giới chức địa phương.
Kể từ khi dịch bùng phát ở Italy ngày 20/2, giới chức nước này đã yêu cầu hạn chế tụ tập đông người và đóng cửa trường học ở miền bắc đất nước. 11 thị trấn ở vùng Lombardy cũng bị phong tỏa với nhiều chốt an ninh kiểm soát việc ra vào khu vực này.
Trong khi đó, nhiều người châu Âu khác tránh đến Italy, khiến số lượng khách du lịch sụt giảm tới mức các hãng hàng không phải hủy chuyến và các chuyến tàu ở Italy gần như vắng tanh. Các trận đá bóng và sự kiện thể thao khác liên quan đến đội Italy đều bị hủy hoặc hoãn.
Nhiều người Italy nhận ra giờ họ không còn được chào đón nữa.
"Tôi cảm thấy thật nhục nhã. Tôi không được tôn trọng và bị bắt nạt vô cớ, chỉ vì tôi là người Italy", Cristiano Giuriato, phục vụ bàn quán bar ở Madrid, Tây Ban Nha viết trên bài đăng Facebook sau khi một khách hàng quen đưa cho anh chiếc khẩu trang và yêu cầu đeo nó.
Tuy nhiên, các biện pháp trên không ngăn được dịch Covid-19 lan tới Sicily ở phía nam Italy, vượt qua dãy Alpine tới Thụy Sĩ và xuất hiện ở quần đảo Canary của Tây Ban Nha, điểm du lịch yêu thích của du khách Italy. Mặc dù dịch lây lan nhanh, Italy vẫn phản đối đề xuất cho phép các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa biên giới với nước này để ngăn Covid-19.
"Ý tưởng cấm công dân Italy nhập cảnh là điều không thể chấp nhận nổi ở bất kỳ nơi nào và tất nhiên là ở cả 27 quốc gia thành viên của EU", Vincenzo Amendola, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Italy, nói trong cuộc họp với đại sứ EU ở Rome hồi đầu tuần.
Romania hiện cũng yêu cầu cách ly hai tuần đối với bất kỳ ai đến từ vùng Lombardy và vùng Veneto lân cận. Hungary thông báo kiểm tra tất cả phương tiện đi qua biên giới trên đất liền và yêu cầu cách ly những người có dấu hiệu nhiễm nCoV, không chỉ riêng người Italy.
Bên ngoài EU, ngày càng nhiều nước tuyên bố đóng cửa với người Italy, trong đó bao gồm Mauritius và Seychelles, những điểm du lịch biển nổi tiếng với người Italy, cùng với Arab Saudi và Israel. Hôm 27/2, Israel đã buộc một máy bay của hãng Alitalia phải trở lại Rome khi vừa hạ cánh và chỉ chấp nhận cho hành khách Israel nhập cảnh.
"Hy vọng ít nhất chúng tôi có thể lấy lại tiền", một hành khách nói với phóng viên khi hạ cánh ở Rome.
Vài tuần sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, người châu Á hoặc người nói giọng châu Á cũng từng là mục tiêu của những hành động phân biệt đối xử tương tự. Trong một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng, một người Italy nói với du khách Trung Quốc ở Florence rằng "hãy về nhà mà ho". Một quán cà phê gần đài phun nước Trevi ở thành phố Rome cấm du khách Trung Quốc, gây ra làn sóng phẫn nộ gay gắt.
Căng thẳng thậm chí cũng leo thang ngay giữa các vùng ở Italy. Gần như tất cả người nhiễm nCoV ở Italy đều ở miền bắc giàu có và người dân miền nam yêu cầu phải tránh xa họ.
"Họ đi du lịch ở đây nhưng đáng lẽ họ nên ở nhà cách ly. Bạn nên tự cảm thấy xấu hổ", một cư dân ở đảo Ischia ngoài khơi bờ biển Naples nói khi thấy du khách đến từ miền bắc Italy cập cảng.
Italy không ban hành lệnh cấm đi lại nào ngoại trừ lệnh phong tỏa 11 thị trấn ở vùng Lombardy và Veneto. Italy hiện cũng không yêu cầu kiểm tra y tế đối với người từ vùng ảnh hưởng của dịch đi đến các khu vực khác ở nước này. Tuy nhiên, chính sách này có thể sẽ sớm thay đổi.
"Làm sao có thể để hành khách đến từ Lombardy và Veneto tới sân bay mà không kiểm tra y tế đối với họ. Sẽ thật tốt nếu không có du khách từ miền bắc nào tới đây", Nello Musumeci, thống đốc Silicy, nói sau khi phát hiện vài trường hợp bị nhiễm nCoV liên quan tới vùng Lombardy trên đảo hồi đầu tuần.