Điện thoại của Linh chi chít những tin nhắn kiểu: “bác sĩ ơi, em cần giúp đỡ”! Đấy là quy tắc giao tiếp của Linh với nhóm phụ nữ, trẻ em yếu thế ở Lào Cai, khi nhận được tin nhắn, cô sẽ chủ động gọi lại để tiết kiệm tiền điện thoại cho người cần giúp đỡ.
Sinh viên tài chính đi học truyền thông về an toàn sinh sản
Linh kể, năm 2006, cô cùng một số tình nguyện viên của ĐH Y Hà Nội lên Lào Cai khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở Tả Giàng Phình. Lúc đó địa phương này vừa nổi sau khi trở thành bối cảnh quay của phim “Thung lũng hoang vắng”. Cảnh khiến Linh sốc nhất là cùng lúc gặp gỡ hàng chục đứa trẻ lai trên dọc đường từ Sa Pa vào Tả Giàng Phình.
Một cán bộ y tế dẫn đường kể rằng: những đứa trẻ ấy là kết quả của các cuộc tình chớp nhoáng giữa khách du lịch Âu, Mỹ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số ở Sa Pa. Đa số các bà mẹ đều còn rất trẻ, chỉ khoảng 15-18 tuổi. Những đứa con sau khi sinh ra sẽ được để ở nhà cho ông bà nuôi, còn mẹ nó lại lên thị trấn bán hàng để kiếm tiền. Cá biệt ở đây có bà mẹ 19 tuổi đã có 3 đứa con lai.
Cú sốc thứ hai do chính các bác sĩ trong đoàn kể lại: có đến hơn 80% số phụ nữ đến khám trong đợt ấy bị bệnh phụ khoa. Đa số họ không biết thế nào là quan hệ tình dục an toàn, cũng như các biện pháp tránh thai. “Có bầu thì đẻ thôi” – một em gái 14 tuổi nói hồn nhiên.
“Chắc tại Sa Pa có duyên với em, sau chuyến ấy, em còn lên đó nhiều lần nữa. Những câu chuyện của trẻ em gái nơi đây cứ ám ảnh mãi. Lần nào lên cũng gặp một vài chuyện buồn. Về Hà Nội, em kể với một bà chị làm việc ở UNICEF, chị ấy động viên em đăng ký làm tình nguyện viên ở đây, vừa có thể giúp các em, vừa có cơ hội trau dồi ngoại ngữ và học thêm nhiều kỹ năng. Thế là em đăng ký khóa học truyền thông về an toàn sinh sản. Em nhớ, lúc ấy là một chuyên gia người Úc dạy. Những kiến thức rất mới mẻ, với ngay cả học sinh thành phố như em. Càng học càng mê, sau em còn học thêm mấy khóa về giới, về tình dục an toàn... Thế nên, lúc nói chuyện nhiều bà con cứ nhầm là bác sĩ”. Linh kể.
Một năm rưỡi sau, Linh chính thức trở thành tình nguyện viên của dự án giúp đỡ trẻ em gái ở Lào Cai của UNICEF. Lúc đó, cô chưa tốt nghiệp, thường phải tranh thủ kỳ nghỉ hè và Tết để đi tuyên truyền, khảo sát. Nhờ những chuyến đi này, Linh trở thành chị em thân thiết với khoảng 12 em gái ở Sa Pa, đa số ở lứa tuổi teen (13-19). Nhiều người trong số đó được Linh lôi ra khỏi những tình huống “thót tim”, họ nhớ ơn “bác sĩ Linh” đến tận bây giờ.
Học cách nói không
Vàng Thị M (15 tuổi) ở Sa Pa quen Linh ba tháng thì một tối nọ nhắn tin cho cô: “bác sĩ ơi, em quan hệ rồi, liệu có bầu không”? Linh gọi điện lại, sau khi biết chu kỳ kinh của M cô cấp tốc nhờ một người bạn ở Sa Pa đi mua thuốc tránh thai khẩn cấp cho cô bé.
“Em không yên tâm, ba ngày sau, thi học kỳ xong là bắt xe lên Sa Pa ngay. M đã uống thuốc và có vẻ bị bạn em dọa sao đó, trông rất sợ hãi. Thấy em cô bé cúi gằm mặt xuống xấu hổ. Trước đó, em đã nói với M và một số bạn khác về tình dục an toàn, về cách tránh thai, nhưng đúng là không cách nào khả thi cả. Bất đắc dĩ, em thuyết phục M đưa đến gặp “người yêu”. Đó là một người đàn ông châu Âu khoảng hơn 30 tuổi, đã sống ở Việt Nam nhiều năm. Em nói với ông ta, M. là trẻ vị thành niên và ông ta sẽ gặp rắc rối lớn nếu như không chấm dứt chuyện này. Người đó sợ, ngay hôm sau bỏ đi khỏi Sa Pa. Em mất thêm một ngày để trấn an M và cùng cô xem một bộ phim tài liệu về những bà mẹ trẻ sinh con ra bị dị tật, suy dinh dưỡng, thiểu năng... do chưa có đủ hiểu biết để chăm sóc con cái cũng như cơ thể chưa phát triển đầy đủ”.
Từ trường hợp của M, Linh nhận ra, nếu chỉ nói về an toàn tình dục thì chưa đủ, cô dạy các cô gái nhỏ ở đây nói “không”.
“Phụ nữ ở mình không có thói quen từ chối, ngay cả khi không muốn. Họ không muốn đi chơi nhưng vì cả nể nên gật đầu. Họ muốn mặc áo màu đỏ nhưng vì cả nể sẽ mặc áo màu trắng. Họ cho người khác vay tiền dù trong lòng không tình nguyện... Rất nhiều ví dụ tương tự. Và em nói với họ, dạy họ cách từ chối, cách nói không. Bắt đầu từ những bài tập rất nhỏ và rất đơn giản giống như hồi bé mẹ hay dạy em, rồi nâng mức độ dần dần.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là bọn em phải đưa ra cho họ những lựa chọn hay hơn. Ví dụ bạn có thể học tiếng Anh, học nghề, có thể tự kiếm tiền thay vì làm mẹ ở tuổi 15. Khi em kể về Chảo Yến (cô gái người Dao được học bổng châu Âu), có một số em gái bảo: nhưng dù em cố gắng đến đâu thì cũng không thể học giỏi và thi đỗ như chị Yến”. Em nói, ngay cả khi không đỗ học bổng châu Âu thì em cũng có thể dùng kiến thức ở trường để tìm việc làm, để biết cách phòng bệnh (giống như chị) hoặc làm giàu giống như nhiều người khác”. Linh chia sẻ.
Mùa Thị V (Sa Pa) quen Linh khi đã 18 tuổi. Cô bị sinh non lần đầu với một khách du lịch, đứa bé không giữ được. Quen thân đến một năm V mới kể cho Linh tình trạng khó nói của mình. Linh đưa V đi khám, bác sĩ nói cô bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, nếu chữa muộn hơn thì khả năng bị vô sinh lên đến 90%. Giờ V đã lấy chồng, có hai con và sống yên ổn ở Tả Giàng Phình.
Lý Thị H (Sa Pa) hiện là chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Sa Pa cũng từng tham gia khóa “nói không” của Linh kể: sau khi học về, lần đầu tiên trong đời em nói không với bố mẹ khi mẹ bảo: ở nhà lấy chồng đi! Lúc đó em 14 tuổi. Em cứ đi bán hàng, học tiếng Anh miễn phí với các chị. Sau chị Linh giới thiệu em học một khóa khởi nghiệp. Rồi được hỗ trợ vốn, giờ thì em có cửa hàng riêng rồi!
Quy luật boomerang
Càng lên Sa Pa nhiều, Linh càng thấy việc “giúp người” không đơn giản. Ví như các chiến dịch tặng bao cao su cho người dân tộc thiểu số: “khi đoàn tình nguyện đi, bao cao su bị vứt vung vãi trên đất. Lũ trẻ con lấy làm bóng bay, chơi rất khí thế. Người ở đây họ không có thói quen dùng bao cao su, làm sao có thể khiến họ bỏ thói quen bao đời nay chỉ qua vài buổi nói chuyện, tuyên truyền được. Như em quen nhóm các bé gái đầu tiên tính ra đến nay hơn 10 năm nhưng cũng chỉ vận động được khoảng 40% trong số đó thay đổi tư duy. 60% còn lại vẫn đi theo suy nghĩ cũ của họ, có bầu thì đẻ nuôi, bị bệnh thì dùng lá xông, bệnh nặng lắm mới đến viện, trẻ con đẻ ra chỉ cần cho ăn uống đầy đủ là tự lớn” - Linh bùi ngùi kể.
Nhiều năm, Linh ngày càng thông thuộc và tự nhiên hơn khi nói về các cách tránh thai, cách phòng, chữa bệnh phụ khoa hay cách tự kiểm tra ung thư vú. “Bác sĩ Linh” khi đi từ thiện ở vùng cao thường sẽ chỉ đem theo viên muối sinh lý, quần lót cotton và sách vở, tài liệu nói về các câu chuyện giới tính, cách nuôi dạy, chăm sóc trẻ... (dù bản thân cô chưa có con), sách học tiếng Anh...
Các dự án “lẻ tẻ” ấy thế nhưng lại giúp Linh trúng tuyển một học bổng thạc sĩ ở Úc trong vòng 2 năm về các dự án hỗ trợ cộng đồng. Du học về, nhiều người nghĩ Linh sẽ làm ở một tập đoàn nước ngoài (dù cô đã trúng tuyển và được hứa hẹn mức lương hấp dẫn) từ nay đoạn tuyệt với những ngày ở lì miền núi làm việc vác tù và. Thế nhưng, gần như cứ một hai tháng lại thấy Linh vòng vèo ở Sa Pa, khi thì đứng lớp tiếng Anh, khi làm phiên dịch hỗ trợ nhóm phụ nữ khởi nghiệp, khi đi khảo sát cho dự án nước sạch... Linh chọn một công việc bán thời gian (dĩ nhiên thu nhập không cao) và dành nửa thời gian còn lại để theo đuổi những công việc mà cô cho là “có ích với một số người và với chính bản thân em”.
Tôi thuyết phục M đưa đến gặp “người yêu”. Đó là một người đàn ông châu Âu khoảng hơn 30 tuổi, đã sống ở Việt Nam nhiều năm. Em nói với ông ta, M. là trẻ vị thành niên và ông ta sẽ gặp rắc rối lớn nếu như không chấm dứt chuyện này. Người đó sợ, ngay hôm sau bỏ đi khỏi Sa Pa. Hoàng Nhật Linh
Cô gái kỳ quặc
Từ lúc còn học đại học và kể cả khi đi làm, Linh vẫn có tiếng là cô gái kỳ quặc. Là con gái nhưng tủ đồ của Linh gần như không có váy vóc, trang sức. Trang phục phổ biến nhất là quần bò, áo phông, mũ lưỡi trai, “để tiện cho những chuyến lên miền núi”, Linh kể.
Linh sống theo phong cách tối giản, gần như rất ít mua đồ, nhờ thế, với mức lương trên 10 triệu đồng một tháng, cô vẫn có đủ tiền để hỗ trợ những dự án từ thiện mà mình tâm đắc.
Quen thuộc với Sa Pa, Linh nói tiếng Mông khá tốt. “Đấy là một cách tiếp cận người dân tộc thiểu số của em. Ban đầu khi em nói mình sẽ dạy tiếng Anh cho họ hay nói về các cách phòng chữa bệnh phụ khoa, không ai hào hứng nghe cả. Nhưng khi em bày tỏ mong muốn học tiếng Mông thì một số người rất sẵn lòng dạy. Sau này, em hay sử dụng tiếng Mông để nói những chuyện “khó nói”. Và với các đối tượng sống khép kín, dùng tiếng của họ để nói chuyện với họ, họ sẽ mở lòng dễ hơn”. Cô cho biết.