Người gần gụi với các đấng văn chương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các đấng, những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Võ An Ninh, Văn Cao, Quang Dũng - tưởng đã mặc định trong tác phẩm cùng những ấn tượng đã cố hữu, cố kết trong các thế hệ bạn đọc. Vậy mà vẫn tiếp tục phát lộ trong buổi hội thảo cuốn sách về một thế hệ tài danh. Cả buổi sáng 22/7/2022 ở Hội trường trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam vẫn thiêu thiếu thời gian…

Hội trường gác 2 số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội chật kín người dự. Sự choán, chiếm thời gian trong phát biểu của các yếu nhân của Hội Nhà văn, những Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Hữu Thỉnh… trong cuộc ra mắt cuốn sách Nhà văn và chữ tình gởi lại của tác giả cao niên Trình Quang Phú như toát yếu lên sự không thường của một cuộc hội thảo sách.

Người gần gụi với các đấng văn chương ảnh 1

Tác giả Trình Quang Phú (áo khoác đen) giao lưu với bạn bè văn nghệ tại Hội thảo

Cuốn sách gần 400 trang in đẹp với 25 chân dung cả thảy.

Tác giả họ Trình, Trình Quang Phú- một cái họ hiếm. Trước nay nhiều người vẫn lầm về tên cái cây cầu lớn qua sông Sài Gòn mang tên ông tướng Trịnh Minh Thế. Chả phải. Mà là họ Trình. Một dịp thích hợp, người viết bài này sẽ làm cái việc dẫn bạn đọc đến cố hương gốc tổ họ Trình ở xứ Thanh.

Ông là đại tá an ninh, nhà văn nhà báo, nhà nhiếp ảnh, doanh nhân thành đạt đang là chủ cơ ngơi Tập đoàn Sao Việt ở đất Tuy Hòa. Và cái chức sau cùng hiện ông đương là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển trực thuộc Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam. Tất tật đều… trúng cả!

Người gần gụi với các đấng văn chương ảnh 2

Tôi đương nhắc đến những tấm tắc phải nhẽ của các diễn giả. Tất thảy đều luyến láy đến cái duyên độc đáo là những chi tiết đã bầu nên thành công của cuốn ký sự mà tôi tạm gọi là tiểu sử này.

Một thứ bắt mắt nữa là những tấm đen trắng của tay máy Trình Quang Phú. Hàng chục năm giời vẫn sắc nét về nhiều nhân vật lẫn sự kiện. Ảnh Xuân Thủy, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Võ An Ninh, Trần Độ… kèm bút tích của họ khi họ tặng sách hay trao đổi công việc với ông. Mỗi một tấm hình, một trạng huống bút tích, một lưu bút là cả một câu chuyện thú vị. Quý hiếm bởi tất cả tác giả những lưu bút ấy đã là người của muôn năm cũ. Quá vãng đáng nhớ ấy giờ chỉ còn nhõn mỗi Trình Quang Phú là người trong cuộc?

Có lẽ chữ duyên đã khiến Trình Quang Phú gặp may khi quen biết do quan hệ công việc với nhiều cây viết nổi tiếng. Chơi bền và duyên bền là do biết chơi? Liên tài nên liên tình? Song hành với tình cảm ấy nên sau này trong việc viết, Trình Quang Phú đã vô tình sở hữu được những chi tiết gần như độc quyền?

Người gần gụi với các đấng văn chương ảnh 3

Anh công nhân Công ty thủy lợi trong đội hình khảo sát sông Đà Tây Bắc Trình Quang Phú thuở ấy có lẽ chưa là gì trong con mắt của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng nội cái chi tiết anh dốc tuột cái ba lô đựng đầy những viên đá nho nhỏ hình thù là lạ ngay giữa lòng nhà chật chội ở phố Trần Hưng Đạo mà chắc chỉ giá trị ít nhiều với dân khảo sát địa chất? Nhưng với nhà văn chuyên săm soi chuyên đi tầm những thứ lạ, bất kể địa hạt nào như Nguyễn Tuân thì là rất chi ấn tượng? Những thứ lạ ấy để cấu thành để bầu nên những chi tiết độc trong nghề viết mà. Bởi Trình Quang Phú trong câu chuyện buổi đầu làm quen cứ thấy nhà văn gạ kể cho ông nghe chuyện tưởng như trời ơi đất hỡi về các thứ đá! Trời đất, hiểu nhau đến thế là cùng?

Chuyến đi thực tế từ Hải Phòng ra Hải Ninh rồi vòng về Cô Tô năm xa ấy của Hội Nhà văn Việt Nam có cả thảy 25 người. Những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Kiên, Mai Ngữ, Trần Thanh Địch, Nguyễn Hải Trừng, Xuân Hoàng, Xuân Tửu, Nguyễn Viết Lãm, Cẩm Lai, Phan Huỳnh Điểu… Phóng viên Trình Quang Phú khi đó mới 23 tuổi nhưng được mọi người nhất trí bầu làm… trưởng đoàn, phần vì Phú thông thạo hải trình lại là người phải lo việc ăn ở đi lại trong chương trình làm việc cho cả đoàn. Phần nữa vì thấy nhà văn cao niên Nguyễn Tuân khá cưng chiều anh viết trẻ Quang Phú?

Người gần gụi với các đấng văn chương ảnh 4

Đoàn thăm Đồ Sơn, HTX Duyên Hải, đoàn tàu đánh cá Hạ Long, thăm Bái Tử Long rồi ra Móng Cái. Đêm Trà Cổ Xuân Diệu kéo Phú ra Mũi Ngọc ngắm trăng. Phú tò mò ngỡ ngàng ngắm Xuân Diệu thích thú húp soàn soạt những con sò nướng, giống sò huyết Móng Cái. Chuyến đi ấy và nhiều chuyến khác Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và vài đấng viết khác cứ bám riết lấy Trình Quang Phú. Nên bây giờ giở cuốn sách Nhà văn và chữ tình gởi lại mới hiểu ra vì sao Trình Quang Phú lại có nhiều chi tiết đắt từng găm từng giữ bao nhiêu năm về Nguyễn Tuân, về Xuân Diệu như thế? Và ông lại có nhiều tấm ảnh độc như vậy?

Những ngày cuối đông năm 1972, bom Mỹ hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai. Phóng viên Trình Quang Phú đến tác nghiệp thì tình cờ gặp GS Trần Hữu Tước đang đứng với nhà văn Nguyễn Tuân giữa đổ nát tơi bời. Chợt Nguyễn Tuân ngừng lời moi trong đống gạch một mẩu cây. Đó là chút hình hài sót lại của giò lan Tỳ bích hồng của GS Tước vẫn treo ở cửa sổ bị mảnh bom phạt tung tóe đêm qua. Nhà văn đưa cho Phú hai mẩu lan còn dính tý gốc dặn mang về cố chăm cho nó sống… Lãnh sứ mạng vì cái Đẹp, cái Thiện ấy, Trình Quang Phú đã cố gắng chăm bẵm… Đến mùa xuân năm sau, hai mẩu lan ấy đã thành một giò bung được ba nụ hoa. Nhà văn vui sướng khi thấy thứ vưu vật tưởng nát vì bom đã bất ngờ hồi sinh! Rồi cả hai hớn hở mang tặng lại GS Tước!

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cứ nhấn nhá cụm từ siêu chi tiết mà Trình Quang Phú lẩy, chọn ra trong việc khắc họa ý chí thép của nhà văn cựu tù Nguyễn Tạo. Thời gian bị đày ở nhà ngục Lao Bảo ông bị giam trong xà lim chiều ngang 1,5 m, chiều dài 5m. Nguyễn Tạo đã tạo ra con đường thiên lý Bắc Nam từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Hành trình 8 bước, mỗi bước nửa mét rồi quay lại cũng 8 bước. Đi từ sáng sớm đến tận đêm khuya trừ 2 lần nghỉ ăn cơm có ngày đến 12 tiếng đi - như thế vị chi được 50 cây số mỗi ngày. Sau hơn 3 tháng ông vui sướng vì đã đi được dọc dài đất nước!

Lại nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc thêm chi tiết khẩu thịt chó huyền thoại của thi sĩ Xuân Diệu với cô hàng thịt quen thuộc ở chợ Hàng Da. Rồi cái chai rượu ngoại mà thi sĩ Quang Dũng bất ngờ được thưởng thức trong thời bao cấp khốn khó khiến người đọc dậy lên bao cung bậc những tình cảm gụi gần…

Nghĩ đến những chi tiết độc đáo, độc quyền ấy mà một người viết bình thường như Trình Quang Phú bắt gặp được, tự nhiên thấy tiêng tiếc! Tiếc là giá như những nhà văn có danh, các đấng viết lách Việt luôn có được những sự săm soi chăm bẵm? Những người viết, những phóng viên chuyên viết tiểu sử về những người nổi tiếng ấy? Tại sao không? Tại sao ta lại bẵng và buông như thế? Lại thưa thớt và ăn đong ăn may như thế? Còn sơ sểnh và khiếm khuyết về sự sống sự viết phong phú của các đấng Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, các vị của Tự Lực Văn Đoàn vv… Còn bao nhiêu tác giả và những chi tiết đắt giá bị quên lãng, bị bỏ sót? Mà đâu chỉ với các nhà văn? Các nhà kỹ trị các thương gia một thời như Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi… và thời nay những người tầm cỡ trong nhiều lĩnh vực, cũng nên có những nhà văn nhà báo chuyên viết tiểu sử về họ chứ nhỉ?

Người gần gụi với các đấng văn chương ảnh 5
Cuốn sách “Nhà văn và chữ tình gởi lại”

Ở tuổi 82, tác giả Trình Quang Phú không xuất hiện ở buổi ra mắt sách một mình. Bên ông còn có 2 nhân vật cao niên nữa là GSTS Võ Tòng Xuân và cựu Bộ trưởng Bộ GD Trần Hồng Quân. Họ cùng tuổi và là bạn từ hồi trẻ. Ngồi một lát với GSTS Võ Tòng Xuân nghe ông bộc bạch rằng, GS chưa có dịp được gặp các nhà văn nổi tiếng như trong sách bạn mình viết nhưng cũng được nghe kể lại. GS rất mê. Rằng sao lại có sự đồng điệu những nét những chi tiết về sự say nghề mê nghề yêu nghề của các nhà văn như thế. Trước năm 1975, ở Sài Gòn, GS cũng từng có dịp gặp vài nhà văn có tiếng. Chuyện với GS, nghe GS nhắc đến chuyện say nghề tự dưng thấy giật mình! Trời ơi riêng với vị GS nông học danh tiếng này, hình như chưa có cuốn nào tày tặn viết về ông? Nội thời trẻ nhà khoa học này từng nổi tiếng ở Philippines, ở Nhật Bản… Bí quyết để ông thành danh là cũng ở cái sự say nghề, mê nghề. Thú vị khi nghĩ thêm đến một người học trò của ông tên là Cua, tác giả của giống gạo ngon nhất thế giới ST-25 hiện giờ đang nổi như cồn. Chao ôi, vị GS nông học tài danh và người học trò, anh KS Nguyễn Quang Cua - những danh nhân Việt ấy hình như đang thiếu vắng sự chăm bẵm của những người viết, những nhà văn chuyên tiểu sử có trách nhiệm lưu lại cho hậu thế Việt những chi tiết đắt giá?

… Giờ giải lao, tôi níu thêm cô ký giả trẻ Toan Toan của tờ báo nhà rằng chớ quên tác giả Trình Quang Phú từng là cộng tác viên ruột suốt 40 năm của báo Tiền Phong. Có lẽ dịp kỷ niệm tờ báo 70 năm sắp tới, những tài liệu cùng ký ức mà ông găm giữ về đội ngũ cộng tác viên cái thưở ban đầu Tiền Phong ấy chắc sẽ phát lộ nhiều thứ thú vị!

Ngồi gần cuối hội trường là một yếu nhân của Hội Nhà báo, nhà báo Trần Kim Hoa. Hiện Kim Hoa đương đảm trách công việc Giám đốc Bảo tàng Hội. Ban nãy, cô vừa ngỏ với mấy người bạn rằng sắp tới có lẽ cũng phải kiếm một người viết cứng nếu không được như cụ Trình Quang Phú đây thì cũng phải tờ tợ. Để có một ký ức về lứa nhà báo Việt từng chăm chút từng say nghề như các đấng nghề văn trong cuốn Chữ tình gởi lại… Như Kim Hoa nói đó là thứ hiện vật bảo tàng động, sống động khác với những hiện vật tĩnh của bảo tàng.

MỚI - NÓNG