Hai lần suýt chết
Lão nông Hồ Ngọc Khiết quê gốc ở Bình Định, sau đó tập kết ra Thanh Hoá. Tưởng sẽ yên ấm ở xứ Thanh, nhưng rồi ông lại nhường nhà của mình cho anh trai và đưa vợ con vô Lâm Đồng lập nghiệp.
Đang sống yên bình với gia đình, ruộng vườn cho thu nhập cũng đủ ăn, cơn cớ gì mà ông lão lại muốn hạ sơn đi bộ từ TPHCM ra Hà Nội trên quốc lộ 1A vốn đầy rẫy tai nạn giao thông và bất trắc?
“Năm ngoái, đi xe đạp xuyên Việt ra viếng lăng Bác tôi thấy chưa đã lắm. Năm nay, tôi quyết định đi bộ xuyên Việt để tái hiện bước chân của anh bộ đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước năm xưa và về nguồn với Bác Hồ”, ông Khiết tâm sự.
Dù vợ và 7 người con can ngăn, ông lão vẫn một mình xuống TPHCM, chuẩn bị cho chuyến xuyên Việt. Ông vào Bệnh viện Thống Nhất khám tổng thể trước khi khởi hành. Bác sỹ bảo nếu đi bộ xuyên Việt sợ ông chết dọc đường.
Ông mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến, rối loạn tiền đình và huyết áp cao. Nhưng ngày 27-2-2011, tại Dinh Thống Nhất, lão nông Hồ Ngọc Khiết lên đường, nhằm quốc lộ 1A thẳng tiến. Độc hành. Trước đó, ông cũng rủ vài người bạn cùng đi nhưng không ai đủ liều để đồng hành.
Trên hành trình xuyên Việt, ông Khiết ghé vào thăm quê Bác và trò chuyện với du khách ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. |
Thế là trên quốc lộ 1A xuất hiện ông lão mặc quần áo bộ đội, đội mũ tai bèo gắn sao vàng, ba lô con cóc nặng trĩu trên vai. Trong ba lô ấy có chăn màn, chiếc võng dù và hai bộ đồ, một máy kiểm tra huyết áp, thuốc chữa bệnh, áo mưa, máy ảnh và điện thoại...
Những ngày đầu, mỗi ngày ông đi được 30 cây số, tốc độ sau đó có giảm hơn vì trời nắng, chân bắt đầu mỏi. Được hơn năm mươi cây số, ông đã phải thay hai đôi giày. Đôi giày bộ đội và đôi giày da không chịu được cái nóng rát của quốc lộ đã rách toác mõm.
Ông cứ lo nếu cứ trung bình năm mươi cây ngốn hai đôi giày thì không đủ tiền mua giày. Ông chỉ mang theo một triệu đồng tiền mặt và chiếc thẻ ATM có 7 triệu đồng trong tài khoản. Từng ấy để trang trải cho ăn uống ngủ nghỉ gần 3 tháng trời từ Nam ra Bắc.
Ông không mang theo thực phẩm, đi đường đói khát thì ghé vô hàng quán. Nhưng hai lần, lão nông 72 tuổi này suýt chết vì dùng thức ăn đường phố.
Lần ấy, sau khi ăn miếng bánh mỳ bơ, ông bị ngộ độc phải ghé vào lùm cây tràm mắc võng nằm nghỉ. Bất thần huyết áp ông tăng đến 200, vội uống thuốc hạ áp. Uống xong thì huyết áp tụt xuống quá nhanh, hai môi ông run lên, đầu choáng váng. Chẳng lẽ mình chết ở đây?
Ông cố gượng dậy, lấy chiếc khăn trắng huơ lên để người đi đường biết mà đến cứu. Nhưng không ai thấy. Ông nằm thiếp đi trên võng, lúc tỉnh dậy thấy trong người khoẻ mạnh như thường.
Lần khác, uống phải lon nước yến quá hạn, huyết áp lại tăng quá cao. Ông lê được vào bờ cỏ ngồi nghỉ một lúc lâu mới có thể bước tiếp. Vẫn cái lịch trình mà phải kỷ luật sắt với bản thân lắm, mới nuốt nổi. Sáng 4 giờ dậy đi, đến 9 giờ sáng, lúc mặt trời bắt đầu gay gắt thì tìm chỗ nghỉ, đầu giờ chiều lại rảo bước và tới khoảng 17 giờ thì bắt đầu tìm chỗ qua đêm.
Binh pháp đi bộ
“Muốn đi ra đến Hà Nội viếng lăng Bác đúng ngày 19 tháng 5 thì phải vừa có trí, vừa có lực, phải vận dụng binh pháp cả đấy”, lão nông Hồ Ngọc Khiết vuốt chòm râu bạc, nói với tôi.
Binh pháp đi bộ của ông lão được thực hiện như thế này: “Ít nhất mỗi ngày trung bình phải đi được 27- 28km thì mới đúng lộ trình. Bình thường cứ 15 phút thì đi được 1 cây số, nhưng nếu mệt thì không được cố, cố quá là quá cố luôn. Điều quan trọng là phải giữ cho chân không bị lở loét. Lở loét là không thể bước được nữa. Vì thế, cứ đi được một cây số tôi lại ngồi nghỉ dăm phút.
Khi xuống dốc, phải giữ thăng bằng cơ thể, đi chậm và bước ngắn để không bị quỵ gối. Một điều đơn giản nữa: khi nào cũng nép vào lề đường bên phải, nhìn trước nhìn sau kẻo bị xe đâm”...
Nhưng binh pháp sẽ thất bại nếu thiếu một ý chí thép.
Có một buổi trưa Bình Thuận, gió thổi mạnh đến mức cảm giác cuốn ngược cả khách bộ hành, ông lão vẫn một mình ngược gió. Một chiều ở đèo Cù Mông cao ngất, mưa như trút, ông lão cắn răng bước lên đỉnh dốc...
Một buổi ban mai đầy sương ở Quảng Nam, ông lão tê buốt với cơn gió lạnh, vẫn bước trên con đường vắng ngắt... Tôi nghĩ, với ông lão có chòm râu bạc như cước, vai mang ba lô, đội mũ gắn sao vàng độc hành trên những đoạn đường thiên lý Bắc Nam ấy, chẳng có gì gian nan mà cũng chẳng có gì lãng mạn hơn thế.
Liệu có một giây phút nào đó vất vả quá khiến ông ngã lòng mà nhảy lên xe máy, ôtô quá giang một đoạn, cũng chẳng ai biết mà? Mặt ông lão đanh lại, chòm râu bạc rung rung khi nghe tôi hỏi: “Không bao giờ. Tôi thà thất bại trong trung thực còn hơn thành công bằng gian trá. Tên tôi là Ngọc Khiết, tôi phải làm sao xứng đáng với cái tên của mình, không thể gian lận dù chỉ một bước chân. Tôi dám tự hào là mình đã ra Hà Nội viếng lăng Bác bằng đôi chân của chính mình. Cho dù một ngày đi được vài ba cây số, tôi vẫn không bao giờ bỏ cuộc”.
Một chiều hoàng hôn, đi bộ trên đèo heo hút gió ở Phú Yên, vừa đói, vừa mệt mà chưa tìm được chỗ ngủ, ông lão nghe tiếng một bé gái đi xe đạp bảo: “Ông ơi, lên đây cháu chở ông đi một đoạn”. Ông lão bảo “Cảm ơn cháu, ông đi bộ thôi”. Bé gái đạp xe đi, một lúc sau đạp xe quay lại, đưa cho ông một ổ bánh mì: “Ông ơi, ông ăn đi cho đỡ đói”. Trời tối nhìn không rõ mặt bé gái, nhưng lão nông Hồ Ngọc Khiết không bao giờ quên được câu chuyện này.
Hôm ấy ở đèo Cù Mông mưa vuốt mặt không kịp, có chiếc xe tải ghé lại, tài xế bảo: “Ông lên đây con chở giúp kẻo mưa”. Ông bảo: “Cảm ơn chú, tui đi bộ quen rồi”. Tài xế cứ tưởng gặp phải một người điên.
Hình ảnh ông lão vác ba lô đi bộ trở thành mục tiêu mời gọi của rất nhiều xe ôm. Họ hết sức chèo kéo nhưng chưa một lần ông ngồi lên xe. Có hôm mới 4 giờ sáng ông thức dậy đi, một lái xe ôm đuổi theo mời mọc không được, đã dọa: “Ông mà không lên xe, xuống dưới dốc là... công an bắt đấy”.
Mang theo thuốc chữa những căn bệnh mà bác sỹ cảnh báo nếu đi bộ xuyên Việt có nguy cơ chết dọc đường. |
Doping của U80
Trên chặng hành trình dằng dặc ấy, tình cảm của người dân ở những vùng đất đi qua như một liều doping cho lão nông Hồ Ngọc Khiết.
Có lúc trời nắng, người mệt lử, phía xa ông đã thấy một người đàn ông cầm lon nước bí đao mát lạnh chờ. Khi ông đến, người đàn ông bảo: “Mời cụ dùng cho mát, vợ cháu thấy ông đi bộ từ xa nên bảo cháu mang nước ra mời ông”.
Lại có người chạy theo ông dúi vào tay một lọ dầu gió vì để xoa đôi bàn chân đã phồng rộp.
“Hồi nhỏ, tui bị dây cao su bật vào đầu, làm cho trí nhớ kém đi, nhưng tình cảm của người dân thì không bao giờ tui quên. Gần 3 tháng đi bộ, tôi đã ngủ nhờ ở các doanh trại bộ đội, ngủ nhờ ở chùa, ngủ nhờ nhà dân... Ở đâu họ cũng đối xử rất tử tế, mời tôi ăn cơm, có khi còn biếu tiền lộ phí. Có khi anh công nhân ở trạm gác xe lửa, bất chấp nội quy “không cho người lạ ngủ nhờ” đã mở cửa đón tôi. Nhưng khi biết nội quy, tôi liền ra đi, mắc võng ngủ ngoài trời”.
Mỗi ngày ông Khiết đi bộ trung bình khoảng 28 km và không một phút ngã lòng với xe đạp, xe máy, ôtô. |
Đặc biệt, khi tối trời, ông chỉ chọn nhà người nghèo để gõ cửa xin ngủ nhờ. Ông tránh nhà giàu. Cũng bởi, chưa bao giờ người nghèo từ chối ông. Có nhiều người còn nằm đất để nhường giường cho ông ngủ. Trong khi, có người giàu đã đuổi ông khi ông xin trú mưa trước hiên nhà.
Thế rồi sau 2 tháng 18 ngày đi bộ, lão nông Hồ Ngọc Khiết đã tới Hà Nội đúng dịp 19-5. Ông lão không hề biết những bất ngờ thú vị đang đợi mình ở Thủ đô…
còn nữa