Người đẹp quảng cáo online: Nạn nhân hay tội đồ?

Khi sự việc vỡ lở, nhiều người đẹp cho rằng mình chỉ là nạn nhân.
Khi sự việc vỡ lở, nhiều người đẹp cho rằng mình chỉ là nạn nhân.
TP - Cái “bắt tay” giữa một bên có sản phẩm cần nhiều người biết đến, và một bên là một người nổi tiếng không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng đang ngày càng chi phối thị trường tiêu dùng. “Hợp đồng cộng sinh” này mang lại mối lợi to lớn cho cả đôi bên. Tuy nhiên, trách nhiệm của người đẹp quảng cáo đang bị bỏ ngỏ.

Kỳ cuối: Nỗi lo “hợp đồng cộng sinh” 

Những ngày qua, vụ việc cơ quan chức năng phát hiện lô mỹ phẩm nghi hàng giả trị giá 11 tỷ đồng của TS Group, do người đẹp Nguyễn Thu Trang làm chủ vẫn chưa hết xôn xao dư luận. Đặc biệt hơn, hàng chục gương mặt đại diện cho nhãn hàng này đều là những người nổi tiếng trong showbiz như Huyền Lizzie, Jennifer Phạm, Trương Quỳnh Anh, Thúy Diễm, Tâm Tít, Ngọc Trinh… đều áp dụng phương pháp ba không: không biết, không nghe, không thấy.

Sòng phẳng đến đâu?

Người chịu trả lời là Lã Thanh Huyền, nhưng cách giải thích của cô vẫn khá chung chung: “Mọi nghĩa vụ thuộc về bên công ty TS”. Một người khác là diễn viên Bảo Thanh thì lấy lý do vì đang quay phim, cô sẽ phản hồi sau. Duy nhất Ốc Thanh Vân đưa ra lời xin lỗi và kêu gọi công ty TS nên có lời cam kết đến người tiêu dùng.

Đối diện với lời “buộc tội” các nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho sản phẩm TS là hám tiền, tiếp tay cho lừa đảo, Ốc Thanh Vân viết: “Bản thân làm nghệ thuật, là đã có thể kiếm tiền chân chính, lương thiện. Chúng tôi không thèm khát tiền đến như thế! Chúng tôi có khả năng lao động! Không một ai biết là giả mạo,  lừa đảo mà lại đi đâm đầu vào. Nên xin mọi người đừng vội nói tôi tiếp tay cho kẻ lừa đảo. Đây là một sự cố không mong muốn”.

Theo nhà chức trách, hơn 10 ngày kể từ khi bị tạm giữ, lô hàng 11 tỷ đồng của TS Group vẫn chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, nhiều khả năng đó là hàng giả. Điều đó đồng nghĩa, những bài viết giới thiệu, quảng cáo của những ngôi sao từng được đăng tải trên mạng xã hội, đã trực tiếp giúp cho các sản phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc của công ty đến với những người hâm mộ mình.

Với những người đã từng tin tưởng, học theo cách làm đẹp của sao, họ có hàng tá câu hỏi mà không biết… hỏi ai. Đó là đối với những sao Việt đình đám, khi nhận lời trở thành đại sứ thương hiệu cho bất cứ một nhãn hàng nào, liệu họ có dành thời gian tìm hiểu về những gì liên quan đến sản phẩm mà mình đang góp phần quảng bá hay không? Hay đó chỉ đơn thuần là một công việc bình thường được thực hiện theo kiểu “tiền trao, cháo múc”? Sau tất cả, những ngôi sao thu về rất nhiều tiền. Còn khán giả, những người sẵn sàng bỏ tiền và cho đi niềm tin, lại mất trắng và đối mặt với nguy cơ sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người đẹp quảng cáo online: Nạn nhân hay tội đồ? ảnh 1

 Trách nhiệm bỏ ngỏ

Đến thời điểm này, pháp luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người nhận quảng bá sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.Thạc sĩ luật Đào Duy Tân - giảng viên Trường đại học Hoa Sen cho biết, ca sĩ, diễn viên, người mẫu... tham gia quảng cáo được gọi là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo khoản 8, điều 2 Luật Quảng cáo. Hiện nay, Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ  - Đoàn Luật sư TPHCM chia sẻ, thời gian qua theo dõi trên mạng xã hội, tôi nhận thấy có trào lưu rằng, các người mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng, hot girl, hot boy... quảng cáo hoặc trực tiếp kinh doanh, bán các sản phẩm hàng hóa mà đa phần là mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cơ thể, thực phẩm chức năng... Đặc điểm chung của các sản phẩm này là mới, lạ... và thường chỉ bán qua mạng.

“Phải nói rằng nhờ sự nổi tiếng, nhờ có lượng fan hâm mộ đông đảo và quảng cáo kèm theo thông điệp rằng “Mình cũng đang sử dụng và thấy rất hiệu quả...” nên việc kinh doanh của các sản phẩm này rất ăn nên làm ra. Tuy nhiên, chất lượng thì quả thật chưa được kiểm chứng và gần đây cơ quan chức năng còn phát hiện có những sản phẩm là hàng giả, hàng dởm... thì đây là điều đáng báo động” - luật sư Vũ nói.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Lang- Tổng giám đốc Cty Mỹ phẩm Đăng Dương cho biết, trong thời buổi mỹ phẩm “vàng thau lẫn lộn”, chúng tôi phải xin Bộ Y tế đầu tư nhà máy sản xuất mỹ phẩm đạt chuẩn CGMP hơn 100 tỷ đồng để cho ra đời sản phẩm chất lượng. “Có sản phẩm chất lượng, thương hiệu thì muốn truyền thông, quảng bá đến với người tiêu dùng thông qua người nổi tiếng sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn”- ông nói.

Theo ông Lang, trước khi tìm người nổi tiếng để quảng bá, bằng nhiều nguồn, công ty phải tìm hiểu người đẹp đó có “tỳ vết” hay không? Có bị scandal gì không mới ký làm đại sứ thương hiệu. “Chúng tôi tạo dựng thương hiệu cả chục năm nên rất kỹ trong việc chọn người nổi tiếng làm quảng bá. Trong hợp đồng ký kết, cả công ty và người đại diện đều tham khảo kỹ các điều khoản như: các giấy tờ chứng nhận sản phẩm của cơ quan chức năng; giấy phép sản xuất, công bố và thực tế công ty, chứ không thể muốn nói gì cũng được”- ông Lang cho hay.

Cùng quan điểm, ông Thạch Bảo Trương - Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Long Phụng Khang cho rằng nếu mình không chọn kỹ gương mặt đại sứ hình ảnh, rất dễ thành “con dao hai lưỡi”. “Tuy nhiên, tôi tự tin mà nói là sau nhiều năm tôi đã chọn đúng. Đơn giản là mình biết sản phẩm của mình chất lượng, sản xuất trong nhà máy đạt CGMP nên rất yên tâm”- ông Trương nói. Diễn viên Thuý Diễm, đại diện cho sản phẩm của ông Trương cho rằng khi nhận lời mời mình thấy công ty đầu tư quy mô, được Bộ Y tế cấp phép, đặc biệt là sản phẩm đã được người tiêu dùng tin tưởng nên tự tin làm thương hiệu.

Theo luật sư Vũ, ở góc độ quảng cáo, nếu mình biết rõ sản phẩm đó là hàng giả, hàng dởm mà mình nhận hợp đồng đứng ra quảng cáo... thì cũng vi phạm. Nếu có hậu quả xảy ra, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng vào cuộc thì những người này vẫn có thể bị xử lý vi phạm theo quy định. Còn luật sư Nguyễn Thành Công- Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, nếu người nào biết sản phẩm là hàng giả mà vẫn làm gương mặt đại diện quảng cáo cũng như có các hoạt động nhằm mục đích lôi kéo người mua là vi phạm pháp luật, trở thành đồng phạm với những người sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Người đẹp quảng cáo online: Nạn nhân hay tội đồ? ảnh 2 Diễn viên Nhã Phương làm đại sứ thương hiệu cho một nhãn hàng mỹ phẩm.

Siết thu thuế quảng cáo

Theo các chuyên gia truyền thông, người nổi tiếng càng chuyên nghiệp, khắt khe với nhãn hàng thì uy tín của họ càng được nâng cao. “Ngôi sao” có ý thức trách nhiệm sẽ làm rõ nội dung mình đăng là quảng cáo và mình được trả tiền để đăng thông tin thì họ sẽ không nói quá nhiều về sản phẩm, cũng chẳng khen sản phẩm ấy. Các chuyên gia cho rằng, không ít người nổi tiếng đang sử dụng công chúng để làm giàu cho chính họ. Nếu không tỉnh táo, người dùng có thể biến thành những “con mồi” ngon cho hợp đồng cộng sinh thiếu uy tín, chất lượng.

Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, khi đăng quảng cáo Facebook, các công ty hoặc cá nhân phải khấu trừ khoản thuế để nộp thuế. Theo quy định, mức thuế đối với quảng cáo là 10% tổng thu (gồm 5% thuế VAT và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp). Về nguyên tắc, tất cả các khoản thu nhập nếu không nằm trong dạng miễn trừ đều phải chịu thuế.

Thuế thu nhập cá nhân nghệ sĩ, người nổi tiếng hiện cũng được tính dựa trên tổng hợp tất cả các khoản thu nhập cá nhân để quyết toán thu thuế. Bên cạnh dựa trên khai báo của cá nhân, Cục Thuế còn rà soát dựa trên hệ thống quản lý các đơn vị chi trả (công ty, ngân hàng…). Trường hợp cá nhân nào kê khai chưa đủ, chúng tôi hoàn toàn có thể xác minh và sẽ truy đủ thuế theo quy định - bà Thu Hương cho biết.

“Khi không ràng buộc trách nhiệm của “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” là một thiếu sót của luật, vì nó mất đi một khâu kiểm soát và trách nhiệm của “người của công chúng” đối với cộng đồng. “Theo tôi, nếu là người nổi tiếng, người của công chúng thì phải hết sức cân nhắc khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm này, bởi vì nếu đó là hàng giả, hàng dởm thì vô hình trung, họ đang góp phần tiếp tay cho những người sản xuất hàng giả, hoạt động phi pháp, trục lợi người tiêu dùng, gây thiệt hại cho sức khỏe cộng đồng, gây bất ổn cho nền kinh tế...” – Luật sư Huỳnh Minh Vũ chia sẻ.             

Hoàng Nguyễn

MỚI - NÓNG
Agribank thay đổi lãnh đạo cấp cao
Agribank thay đổi lãnh đạo cấp cao
TPO - Ông Trần Văn Dũng phụ trách điều hành hoạt động Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Ông Phạm Toàn Vượng được giao phụ trách Đảng bộ Agribank.