Người đầu tiên thâm nhập Mê cung của các thần linh

Tham quan linga-yoni lớn nhất Ðông Nam Á.
Tham quan linga-yoni lớn nhất Ðông Nam Á.
TP - Với niềm đam mê nghề nghiệp và sự đưa đẩy đầy may mắn của số phận, nhà báo - nhà khảo cổ Ðinh Thị Nga đã trở thành người đầu tiên thâm nhập Thánh địa Cát Tiên (Lâm Ðồng) - di chỉ khảo cổ học vô cùng bí ẩn và bề thế mang tầm vóc quốc tế.

Nhiều cái nhất

Quần thể kiến trúc khảo cổ học này có tới 20 ngôi đền, mộ tháp quy mô lớn và cổ kính bị vùi trong lòng đất phía nam dãy Trường Sơn hùng vĩ, mang dấu ấn đạo Bà la môn giáo với tục thờ phồn thực: coi âm lực và dương lực là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Trong lòng các đền tháp luôn có bệ thờ linga-yoni (bộ phận sinh dục của nam và nữ), còn trên mi cửa và vách được khắc tạc các thiên tiên hay vũ nữ khỏa thân.

Cái nóng như đổ lửa khiến các dãy tam cấp dẫn lên gò 1A (xã Quảng Ngãi) như càng cao hơn. Ðỉnh đồi với độ cao 50m này là nơi đắc địa nhất để ngắm cánh đồng lúa xanh rờn và dòng sông Ðồng Nai đang lấp lóa trong nắng. “Ðây là cái gò cao và đẹp nhất, được người xưa chọn để xây đền tháp chính của khu thánh địa”, ông Lương Nguyên Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Cát Tiên nói. Khi khai quật gò 1A các nhà khảo cổ đã phát hiện bộ linga-yoni lớn nhất Ðông Nam Á. Linga cao 2,1m, đường kính 0,7m và yoni có cạnh dài tới 2,26m.

Người đầu tiên thâm nhập Mê cung của các thần linh ảnh 1

Chị Nga và GS Trần Quốc Vượng tại Thánh địa Cát Tiên.

Nhà khảo cổ Ðinh Thị Nga, người đã cùng đồng nghiệp Hồ Thị Thanh Bình (Bảo tàng Lâm Ðồng) phát hiện di tích, say sưa kể huyền thoại: Khi trời đất vào xuân, cổ dân thờ Bà La Môn giáo hành hương về đây, trút bỏ mọi thứ bụi trần vướng víu, cả quá khứ và thân phận. Họ hoàn toàn khỏa thân, thành kính đi vòng quanh, đặt tay lên linga và hôn, do đó các ngẫu tượng được tìm thấy đều nhẵn bóng. Họ múc nước thần chảy từ lỗ thoát hồn trên đỉnh cao của tháp dẫn xuống linga - yoni qua khe yoni chảy vào cái ché lớn bên dưới bệ thờ rồi té nước ướt đẫm thân mình để cầu xin cho người và gia súc sinh con đẻ cái nhiều như cỏ tranh trên cánh đồng, nhanh như măng tre giữa mùa mưa. Họ có thể giao hoan với người không phải là vợ hoặc chồng của mình. Những đứa trẻ được thụ thai trong dịp này được coi là con thần, trở thành người canh giữ đền thiêng, tu sĩ hiến thân cho tôn giáo phồn thực.

“Ðã có 8 cuộc khai quật và sau mỗi đợt lại phát hiện thêm những hiện vật mới với niên đại khác”. 

Chị Nga, nhân chứng từ đầu đến cuối tại Thánh địa nói

Theo PGS-TS Phạm Ðức Mạnh, năm 1985, khi được chị Nga và chị Bình hướng đạo về giám định Cát Tiên, các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã sửng sốt về sự phát lộ các vỉa gạch kiến trúc chìm sâu và dàn rộng hàng chục kilomet khắp bồn địa Cát Tiên. Qua 8 lần khai quật đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật được chế tác từ vàng, bạc, đồng, đất nung, đá quý… mà theo TS Lê Ðình Phụng, “đây là di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, chế tác từ nhiều loại chất liệu có giá trị nhất không những ở Ðông Nam Bộ mà cả vùng đất phương Nam”.

Ðáng chú ý hơn cả là những bộ linga-yoni. Ngoài bộ bằng đá lớn nhất Ðông Nam Á, còn có linga - yoni bằng vàng nhỏ nhất Ðông Nam Á, linga đá bán quý (thạch anh-topas) lớn nhất nước, linga bằng đồng lần đầu tiên được phát hiện trong các di tích khảo cổ thời sơ sử Việt Nam. Ðó là chưa kể chiếc hộp hình oval bằng bạc, trên mặt chạm gò con sư tử lông bờm dài, xung quanh có hoa văn trang trí với chủ đề rất lạ chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào của nước ta.

Người đầu tiên thâm nhập Mê cung của các thần linh ảnh 2

Một góc phế tích đền tháp ở Cát Tiên

GS Hoàng Xuân Chinh còn nhận định đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện khu lò gạch cổ sản xuất gạch quy mô lớn. Cái khuôn dùng để đúc những hiện vật bằng đồng mang ý nghĩa nghi lễ cũng là hiện vật mà trước đây chưa từng phát hiện trong các di tích ở Việt Nam. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên tìm thấy di tích cư trú của con người thời đại đồng thau cách đây gần 4000 năm. Như vậy, thung lũng màu mỡ này từ rất sớm đã thu hút được cư dân thời tiền sử đến khai phá.  

Bản thân chị Nga cũng phát hiện linga đá thạch anh và các linga-yoni sa thạch. Chị kể đã cùng nhà khảo cổ Lê Ðình Phụng phát hiện một ngẫu tượng bằng đá quý trong suốt (cao 25cm, đường kính 10cm, nặng 3,5 kg) phát sáng ban đêm trong một cái hố sâu mà bọn trộm đồ cổ đã đào. Một số người nửa đùa nửa thật hỏi rằng “chắc cũng giấu cho riêng mình vài thứ chứ nhỉ?”. Mình chỉ mỉm cười bởi một khi người ta đã bán tin bán nghi thì nói gì cũng vô ích. Cái duyên nghề nghiệp dẫn dắt bọn mình đến những cánh cửa của kho báu. Thế nhưng sự câu thúc của cuộc sống chưa làm mờ mắt bất cứ nhà khảo cổ nào mà mình biết.

Người đầu tiên thâm nhập Mê cung của các thần linh ảnh 3

Hình vị thần gò nổi trên lá vàng.

Người đầu tiên thâm nhập Mê cung của các thần linh ảnh 4

Chữ cổ khắc trên lá vàng.

Hàng trăm lá vàng yểm vào đền tháp

Việc phát hiện 265 lá vàng yểm trong các đền tháp cũng khiến giới khảo cổ xôn xao. “Ðó là pho sử viết trên vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn”, GS Hà Văn Tấn khẳng định. TS Nguyễn Tiến Ðông cũng cho rằng “bộ hiện vật kim loại vàng này cực kỳ quý giá, không chỉ về mặt chất liệu mà lớn hơn là ý nghĩa văn hóa”. Chị Nga cho biết người xưa đã sử dụng kỹ thuật vẽ chìm và gò nổi để “vẽ”, tạc lên lá vàng hình ảnh các vị thần như Sihva, Vishnu, Brama, India; các linh vật như voi, sư tử, lợn rừng; các hoa văn, biểu tượng trang trí cung đình như sóng nước, hoa sen, cánh hoan kết dải, bánh xe luân hồi.

Nghệ thuật tạo hình khá trau chuốt, kỳ công, đúc và miết dập điêu luyện nên đường nét sắc sảo, phóng khoáng, đầy sức sống, hài hòa trong tỷ lệ… diễn tả những ma lực của thần linh, biểu tượng của sự sinh sôi và khát vọng vươn tới. Hình vẽ trên hàng trăm lá vàng như mê cung của các thần linh nên nhiều nhà khảo cổ nhận định đây có thể là một trung tâm tôn giáo, “thủ đô” của một vương quốc cổ bị lãng quên. 

Tại hội thảo khoa học lần thứ 2 về di tích này, PGS-TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á) nhận định Thánh địa Cát Tiên hội đủ những phẩm chất cơ bản của di sản văn hóa thế giới. Ông nói chỉ riêng một quần thể kiến trúc tháp, đền tháp, đền thờ, mộ táng đồ sộ từ hơn 10 thế kỷ trước nay bỗng nhô lên từ lòng đất đã là một sự hấp dẫn kỳ lạ, trở thành đối tượng nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thán phục của rất nhiều người… Hiện công trình xây dựng khu bảo tồn và nhà trưng bày cổ vật đang được triển khai ở Thánh địa Cát Tiên đáp ứng phần nào mong mỏi của giới nghiên cứu cũng như du khách trong và ngoài nước. 

Hàng chục năm qua, Thánh địa Cát Tiên đã thu hút nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam đến nghiên cứu. Nhiều hội thảo khoa học và diễn đàn được mở ra nhưng chủ nhân và niên đại của di tích vẫn còn là điều bí ẩn. Có người bảo đây là vương quốc Mạ, người khác nói có thể là tiểu quốc của Phù Nam, lại có ý kiến cho rằng đây là một quốc gia riêng từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp…

MỚI - NÓNG