Người đàn ông Nhật Bản có thể mắc COVID-19 ở Hà Nội, khó lây nhiễm trong khu cách ly

Người đàn ông Nhật Bản có thể mắc COVID-19 ở Hà Nội, khó lây nhiễm trong khu cách ly
TPO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua xét nghiệm cho thấy, khả năng cao là người Nhật Bản này bị lây nhiễm COVID-19 ở Hà Nội. Vì các xét nghiệm cho thấy, nồng độ virus của người Nhật Bản rất cao và ca lây nhiễm khác cũng cho thấy, có thể lây nhiễm cách đây 5- 7 ngày.

Vaccine ngừa COVID-19 là vấn đề cấp bách, không thể chần chừ

Chiều mùng 4 Tết (ngày 15/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm ngoái Chính phủ họp về phòng, chống dịch COVID-19 vào mùng 3 Tết, còn năm nay mùng 4 Tết. Điều này cho thấy cần có quyết sách quyết liệt, cụ thể hơn nữa để ngăn chặn, kiểm soát dịch hiệu quả.

“Đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương đề xuất biện pháp mới cần thiết, nhất là những ngày này xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới ở Hà Nội là người Nhật Bản”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, trong thời gian qua dịch bệnh có những diễn biến nhanh, từ 27/12 nhưng với tinh thần bình tĩnh, khẩn trương, đặc biệt ngành Y tế, các địa phương đã chủ động quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp. Tăng cường lực lượng, chỉ đạo trực tiếp, có biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Người đàn ông Nhật Bản có thể mắc COVID-19 ở Hà Nội, khó lây nhiễm trong khu cách ly ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ (ảnh Nhật Minh)

Đến nay hầu hết các địa phương cơ bản đã được kiểm soát như các địa phương Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hương Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… “Vaccine ngừa COVID-19 cho người dân lúc này trở thành vấn đề cấp bách không thể chần chừ. Cần mua vaccine trong tháng 2”, Thủ tướng nói.

Để thực hiện việc này, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng để bàn phương thức cụ thể hơn để nhanh chóng có vắc xin cho người dân. “Đây là yêu cầu của Chính phủ đối với ngành Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch”, Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu trong giai đoạn này phải đẩy cao một bước mới để ngăn chặn, kiểm soát tình hình dịch bệnh ở nước ta.

Người đàn ông Nhật Bản có thể mắc COVID-19 ở Hà Nội, khó lây nhiễm trong khu cách ly ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ảnh Nhật Minh)

2 giả thiết lây nhiễm của người Nhật Bản

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ 25/1 đến nay đã xuất hiện hơn 642 ca tại 13 tỉnh, thành phố. Đến nay tình hình dịch bệnh tại 12/13 tỉnh, thành phố đã tương đối ổn định, ngoài trừ Hải Dương.

Cụ thể, tại TPHCM, từ 2/2 đến nay không có ca nhiễm, còn qua rà soát các trường hợp nguy cơ cao, tổng mẫu xét nghiệm trên 40 nghìn và chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm. Chuỗi lây nhiễm ở sân bay đã kiểm soát tốt, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là tương đối thấp. “Chúng ta có thể an tâm với TPHCM”, ông Long nói.

Đối với Hà Nội, ông Long cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất là ca lây nhiễm người Nhật Bản và tử vong. Trường hợp này đã thực hiện cách ly tại TPHCM theo đúng quy định, và 2 lần xét nghiệm đều âm tính. Trường hợp này cách ly cùng với 34 người khác tại khách sạn. Qua trích xuất camera cho thấy trong 14 ngày cách ly tại khách sạn không có việc tiếp xúc với bên ngoài. Kết quả xét nghiệm của ngành Y tế sáng nay cho thấy, nồng độ virus của trường hợp này khá cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu ra hai giả thiết dẫn đến lây nhiễm của trường hợp này, gồm:

Thứ nhất, trường hợp mới lây nhiễm, có thể lây nhiễm ngay ở Hà Nội. Vì các xét nghiệm cho thấy, nồng độ virus rất cao. Cho nên không thể có việc lây nhiễm ở khu vực cách ly.

Bên cạnh người Nhật Bản, thì Hà Nội cũng phát hiện thêm 2 trường hợp làm việc ở Công ty TNHH Mitsui Việt Nammitsu, gồm 1 người nước ngoài và 1 người Việt Nam. Các xét nghiệm của người Việt Nam có nồng độ cao. Do đó, theo ông Long, việc lây nhiễm SARS-CoV-2 có thể diễn ra trong 5- 7 ngày gần đây. “Bộ Y tế đang nghiêng về giả thiết này”, ông Long nhận định và cho biết đang tiếp tục phân tích để làm rõ chủng lây nhiễm.

Giả thiết thứ 2 được ông Long nêu ra là trường hợp người Nhật Bản lây nhiễm ở khu vực cách ly. Điều này cũng có thể xảy ra nhưng mức độ thấp, vì 34 người cách ly đều âm tính. “Sáng nay Bộ Y tế cũng đã trao đổi với Hà Nội và xác định đó là ca lây nhiễm trong cộng đồng để khoanh vùng, cách ly, truy vết”, ông Long nói.

Người đàn ông Nhật Bản có thể mắc COVID-19 ở Hà Nội, khó lây nhiễm trong khu cách ly ảnh 3 Lãnh đạo Tỉnh Hải Dương báo cáo tại cuộc họp (ảnh Nhật Minh)

Cách ly xã hội ở Hải Dương để chặn sự lây nhiễm

Riêng đối với Hải Dương, có 2 điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, nguồn lây nhiễm trong cộng đồng đang hiện hữu và có thể tiếp tục lây nhiễm, trong khi lại chưa cắt được chuỗi lây nhiễm. Hải Dương đã xét nghiệm trên 90 nghìn mẫu song tốc độ truy vết, xét nghiệm, cách ly F1 vẫn chậm hơn so với tốc độ lây nhiễm. “Chúng tôi rất quan ngại ở một số khu vực khác ngoài Chí Linh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đặc biệt, ông Long lưu ý việc cách ly F1 ở Hải Dương đang rất khó khăn do số lượng lớn, khu vực cách ly chưa đảm bảo nên có thể xuất hiện nguy cơ lây nhiễm. Do đó, Bộ Y tế đã họp với Hải Dương và tiến hành giãn cách xã hội trong phạm vi toàn tỉnh. Nếu không rất khó chặn được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

MỚI - NÓNG