Người đàn ông khoe thịt 'chim quý': Nếu là Hồng Hoàng có thể truy cứu

Người đàn ông khoe "chim quý" bị giết thịt lên facebook cá nhân gây xôn xao dư luận. Ảnh: TL
Người đàn ông khoe "chim quý" bị giết thịt lên facebook cá nhân gây xôn xao dư luận. Ảnh: TL
2 cá thể chim đã bị làm thịt được một người đàn ông (ngụ tại TP.HCM) chụp ảnh khoe trên facebook cá nhân có nhiều đặc điểm giống loài chim Hồng Hoàng (một giống chim quý hiếm tại Việt Nam). Giá trị mỏ sừng loại chim này ước tính khoảng 6.150USD/kg, tức đắt gấp 3 lần ngà voi.

Nhiều tranh cãi

Những ngày qua, hình ảnh một người đàn ông (được cho là giám đốc 1 doanh nghiệp, ngụ tại TP.HCM) khoe ảnh chụp cùng 2 cá thể chim đã bị giết thịt (có nhiều đặc điểm giống loài chim Hồng Hoàng) lên trang facebook cá nhân gây xôn xao dư luận.

Quá trình tìm hiểu của PV được biết, Hồng Hoàng hay Phượng Hoàng Đất có tên khoa học là Buceros bicornis, là loài chim to lớn, sống ở các vùng rừng nhiệt đới ở một số nước Châu Á và khu vực Đông Nam Á, khi trưởng thành có thể dài tới 95 – 120cm với sải cánh lên đến 152cm và nặng tới 2,15 – 4kg. Đặc trưng của loài này là phần mũ mỏ màu vàng ngay trên chiếc mỏ lớn.

Do môi trường sống đang bị thu hẹp dần nên số lượng chim Hồng Hoàng ngày một giảm sút, cùng với đó là nạn săn bắt Hồng Hoàng để lấy mỏ sừng (ước tính giá trị mỏ sừng loài chim này khoảng 6.150USD/kg tức đắt gấp 3 lần ngà voi) của chúng đang khiến cho loài chim này đang nằm ở danh sách cận nguy cấp trong sách Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên viết tắt là IUCN.

Người đàn ông khoe thịt 'chim quý': Nếu là Hồng Hoàng có thể truy cứu ảnh 1

Hồng Hoàng là loài chim đặc biệt quý hiếm. Ảnh: TL

Tại Việt Nam, loài chim Hồng Hoàng hiện chỉ còn cư trú tại một số khu bảo tồn và các khu rừng già.

Trả lời báo chí, chủ tài khoản Facebook Tuan Kiet (người đăng những hình ảnh trên) cho biết tên thật là Bạch Ngọc Tuấn, nhà huyện Củ Chi, (TP.HCM). Ông Tuấn nói những bức ảnh ông đăng Facebook được chụp trưa 25/11, khi trên đường dự đám cưới ở Tây Ninh.

“Khi xe chạy đến địa phận xã Suối Dây hoặc xã Suối Ngô (huyện Tân Châu, Tây Ninh), ông dừng để mọi người đi vệ sinh. Do lúc này hơi say, trong lúc đi vệ sinh tôi thấy người dân bán nhiều con chim đã bị vặt lông nên cầm 2 con để chụp ảnh về đăng Facebook” - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn: “Người bán chim nói giá 120.000 đồng/con nhưng tôi không mua. Tôi chỉ xin chụp hình đăng Facebook. Tôi có hỏi thì người dân địa phương gọi chim này là cò hay chim Cao Cát gì đó chứ không phải chim Hồng Hoàng”.

Trong khi đó, ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh thông tin, nếu chỉ nhìn những hình ảnh của cá thể chim đăng tải trên mạng xã hội khó có thể khẳng định là Hồng Hoàng hay Cao Cát. Vì hai loài còn phân biệt qua độ lớn và màu sắc. Nếu hình ảnh trên là chim Cao Cát thì đó chỉ là loại chim thông thường không bị xử lý.

Được biết, Cao Cát bụng trắng hay còn gọi là Cao Cát phương đông là loài chim cùng họ Hồng Hoàng, nhưng nhỏ và xấu hơn Hồng Hoàng.

Loài chim này có bộ lông màu đen là chủ yếu, lông dưới bụng có màu trắng; đuôi, cánh có đốm trắng; trong khi đó Hồng Hoàng có lông dưới bụng màu đen.

Theo đánh giá của chuyên gia, vì 2 con chim trong bức ảnh đã bị vặt lông nên không thể dựa vào màu sắc để phân biệt. Tuy nhiên, quan sát ở vùng má, bọng mắt và mỏ của chim có thể nhận ra điểm khác biệt.

2 con chim bị giết thịt có phần mũ ở trên hẹp và cao, phần mút mũ nhọn nhô ra phía trước. Ngoài ra, mỏ của Cao Cát có màu vàng nhạt, chóp mũ có vệt đen.

Phần da trần quanh mắt của Cao Cát có màu xanh nhạt hay xanh ánh đỏ, một đám da ở họng có màu xanh phớt tím. Trọng lượng của chúng chỉ từ 1,2 - 1,5 kg.

Trong khi đó, đặc trưng nổi bật nhất của Hồng Hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và cân nặng 2,15 – 4 kg.

Cao Cát bụng trắng hiện đang sinh sống chủ yếu ở Myanmar, Thái Lan, Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, Cao Cát bụng trắng có ở hầu khắp các rừng rậm rạp từ Bắc chí Nam.

Vì chưa phải là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Cao Cát vẫn có thể được nuôi để làm cảnh và làm thịt nếu được cấp phép. Được biết, loài Cao Cát khá dễ nuôi, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại trái cây rừng và cả các loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái. Một con Cao Cát cảnh có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.

Nếu đúng là Hồng Hoàng thì có thể truy cứu hình sự

Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, Thạc sĩ Luật học Vũ Tuấn (Công ty TNHH tư vấn Hưng Việt, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Chúng ta cần nhìn nhận vụ việc trên 2 khía cạnh.

Trước hết, xét về mặt đạo đức, nếu đây là hai cá thể chim quý thì việc giết hại rồi chụp ảnh khoe mạng khiến cho dư luận cảm giác phản cảm và phi đạo đức.

Xét về mặt pháp luật, cần phải xác định rõ cá thể chim bị giết hại mà người đàn ông này khoe trên facebook có thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; hay có trong phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hay không?

Người đàn ông khoe thịt 'chim quý': Nếu là Hồng Hoàng có thể truy cứu ảnh 2

Người đàn ông khoe "chim quý" bị giết thịt lên facebook cá nhân gây xôn xao dư luận. Ảnh: TL

Nếu cá thể chim trên bị săn bắn, giết hại thuộc một trong các danh mục nêu trên thì cần xác định về khối lượng, số lượng, hành vi của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 (BLHS) hoặc tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điều 244 (BLHS).

Cụ thể Điều 234 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

d) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm

đ) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm

e) Vận chuyển, buôn bán qua biên giới

g) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

h) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên…”

Điều 244 quy định: Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định.

Theo Theo GiadinhNet
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.