Cuối năm 2018, UBND thành phố Huế ban hành quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện công trình bể chứa nước sạch Quảng Tế 3. Theo đó, có 43 hộ dân phường Thủy Xuân (Huế) bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi là 3,7ha bao gồm đất nông nghiệp và đất ở.
Ngay khi nhận thông báo, đối chiếu mức giá bồi thường từ UBND thành phố Huế, nhiều hộ dân tại Thủy Xuân hết sức bức xúc, do đất đai được áp giá đền bù quá thấp. Đơn cử như hộ ông Lê Văn Nhuận (trú tổ 16, phường Thủy Xuân): nhà ông có 298,4m2 đất nông nghiệp (thửa đất số 75) nằm trong diện bị thu hồi để thực hiện công trình cho doanh nghiệp nhưng chỉ được nhận mức tiền bồi thường chưa đến 14 triệu đồng.
“Đất của gia đình chúng tôi chỉ cách trung tâm thành phố chừng 2km, chính quyền áp giá bồi thường đất chỉ 23.300 đồng/m2 là quá thấp. Hiện nay, đến quán ăn quà sáng, mỗi tô bún hạng thường ở Huế đã có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng rồi. Mức đền bù mỗi mét vuông đất cho dân như thế chưa đủ để mua một tô bún”, ông Nhuận bức xúc.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Minh Hiền (tổ 16 phường Thủy Xuân) ngoài việc bị thu hồi 71,1m2 đất nông nghiệp, với mức bồi thường 23.300 đồng/m2, còn bị thu hồi 60m2 đất ở thuộc đường Thích Tịnh Khiết, với mức giá bồi thường bèo bọt đến khó tin, chỉ 940.000 đồng/m2. Được biết, không chỉ hai hộ dân kể trên, mà tại phường Thủy Xuân còn có hơn 40 trường hợp nhận được thông báo, bảng kê mức bồi thường đất với giá quá thấp.
Không chỉ áp giá đất bèo bọt khi thu hồi, có trường hợp cơ quan chức năng thành phố Huế còn “ngó lơ” bồi thường cho dân, như đất đai của dòng họ Nguyễn (tại tổ 16, phường Thủy Xuân) do ông Nguyễn Văn Xưng làm người đại diện. Tổng diện tích đất bị thu hồi trong trường hợp này là 2.504,5m2. Ông Xưng cho biết, toàn bộ diện tích đất này dòng họ Nguyễn của ông quản lý, sử dụng ổn định từ trước năm 1945 và nộp thuế cho nhà nước theo quy định, sau này được miễn thuế. Trong tổng diện tích đất kể trên, chính quyền chỉ bồi thường 1.475 m2 nông nghiệp cũng với mức giá “bèo” 23.300 đồng/m2, số đất còn lại là 1.029m2 không được bồi thường.
Còn 12 hộ dân khác có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình của doanh nghiệp nhưng không được bồi thường về đất. Theo các hộ dân, phần lớn những diện tích đất này đều do họ khai hoang, phục hóa và canh tác từ trước năm 1963, số ít còn lại được chính quyền giao đất canh tác từ năm 1976. Các hộ dân canh tác, sử dụng số đất đai kể trên đều thực hiện sổ mục kê khai theo các quy định về quản lý đất đai, nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phản ánh đến PV, người đại diện theo ủy quyền của nhiều hộ dân có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi công trình dự án doanh nghiệp là ông Võ Quang Bằng cho rằng, quyết định giải quyết bồi thường giá trị về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các hộ dân áp dụng khung giá 23.300 đồng/m2 đất nông nghiệp là không phản ánh đúng thực trạng về quá trình sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Giữa khung giá đất nông nghiệp của UBND tỉnh TT-Huế so với giá đất thực tế người dân chuyển nhượng tại vị trí tương tự trong khu vực hiện chênh lệch nhau gần 100 lần.
Theo cán bộ địa chính phường, trong các cuộc làm việc với chính quyền thành phố Huế, phường nhiều lần kiến nghị xem xét lại vấn đề áp giá, cũng như việc không bồi thường cho nhiều hộ dân khi đất đai bị thu hồi để tránh thiệt thòi cho bà con. Tuy nhiên, đến nay, UBND thành phố Huế vẫn chưa có quyết định xử lý theo kiến nghị của phường và nguyện vọng chính đáng của dân.
Đến nay, người dân vẫn chưa chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải tỏa, do không đồng tình về mức giá bồi thường và nhiều diện tích đất không được bồi thường.