Người dân đặt trọn niềm tin vào Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình động viên và thăm hỏi người dân xã Thạch Kim, Lộc Hà.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình động viên và thăm hỏi người dân xã Thạch Kim, Lộc Hà.
TP - Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, có nhiều tổ chức đến đặt vấn đề giúp người dân đòi tiền đền bù từ thiệt hại này. Nhưng người dân tin tưởng vào các cấp chính quyền, đặc biệt rất tin tưởng vào sự điều hành và những lời hứa của Chính phủ.

Đại diện các hộ dân kinh doanh nghề thu mua cá đông lạnh tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh đã nói vậy khi tiếp xúc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào sáng 31/10.

Dùng tiền sắm ngư cụ, bám biển

Đó là ý định của người dân thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà sau khi nhận tiền đền bù của sự cố biển vừa qua vào chiều 30/10. Vợ chồng anh chị Trương Thị Hương được đền bù hơn 100 triệu đồng. Cầm trên tay số tiền vừa nhận, chị Hương cho biết sẽ gửi hết vào ngân hàng. “Nghề biển đã có từ cha ông truyền lại. Dù khó khăn rất nhiều sau khi sự cố biển nhưng người dân thôn Quang Trung vẫn sẽ bám biển. Số tiền đền bù để lo cho các con ăn học sau này”, chị Hương nói.

Còn bác Lê Văn Súng cho biết, hai vợ chồng nhận được hơn 60 triệu đồng tiền đền bù. “Dù thiệt hại là rất lớn nhưng số tiền này coi như phần nào động viên người dân yên tâm bám biển vì đã có chính quyền lo lắng. Chắc chắn sẽ dùng số tiền này mua sắm ngư cụ để tiếp tục bám biển”, bác Súng nói.

Cũng theo bác Súng, sau khi các cơ quan chức năng công bố biển an toàn và danh mục các loại hải sản an toàn, người dân xã Thịnh Lộc trở lại bám biển. “Cá có rẻ hơn nhiều so với trước đây nhưng niềm tin của người dân bắt đầu trở lại. Với lại người dân ở đây đánh bắt cá tầng nổi nên mọi người yên tâm”, bác Lê Văn Súng cho biết.

Một số người dân nhận được tiền đền bù cho biết, trong thời gian vừa qua, các cấp chính quyền đã làm việc rất vất vả, đến từng gia đình, lên tận thuyền để kiểm tra cụ thể. “Việc thống kê, áp giá được cán bộ xã, xóm làm rất khách quan, bất kể ngày thường hay ngày nghỉ”, ngư dân Võ Hồng Nga nói.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, việc chi trả tiền đền bù diễn ra nhanh chóng do danh sách và các mức áp giá đã được người dân thống nhất trước đó. Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn cho biết, trong buổi chiều 30/10, huyện đã chi trả cho 15 chủ tàu và 15 lao động tại thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Việc chi trả tại các thôn khác của xã Thịnh Lộc và các xã được thực hiện trong các ngày tiếp theo. Đến thời điểm hiện tại, huyện Lộc Hà đã phê duyệt số tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển là 207 tỷ 183 triệu đồng.

Áp giá chính xác

“Sau khi xảy ra sự cố môi trường, người dân đánh bắt cá ở Thạch Kim gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc áp giá đền bù bước đầu người dân thấy chính xác. Người dân mong được đền bù sớm để tiếp tục sắm sửa ngư cụ tiếp tục bám biển”, bác Phạm Minh Tịnh, đại diện 130 hộ có tàu thuyền công suất dưới 90CV ở xã Thạch Kim trao đổi với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Anh Nguyễn Hồng Phượng, xã Thạch Kim, Lộc Hà, đại diện các hộ thu mua cá đông lạnh ở Thạch Kim nói, dù không trực tiếp đánh bắt hải sản nhưng thiệt hại của những hộ dân làm nghề đông lạnh rất lớn. “Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, có nhiều tổ chức đến đặt vấn đề giúp người dân đòi tiền đền bù từ thiệt hại này. Nhưng người dân tin tưởng vào các cấp chính quyền, đặc biệt rất tin tưởng vào sự điều hành và những lời hứa của Chính phủ”, anh Phượng nói. Anh cũng mong các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ người dân về việc vay vốn ngân hàng, xử lý số hải sản đang tồn kho…

Chiều 31/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo lãnh đạo bốn tỉnh, do lần đầu tiên thực hiện việc bồi thường nên xảy ra nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như có nhiều đối tượng kiến nghị không có trong các quyết định, hoặc đối tượng có trong quyết định nhưng chưa có mức áp giá đền bù.

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh trước mắt đã ứng trước 3 nghìn tỷ đồng cho bốn tỉnh và đề nghị các tỉnh chi trả sớm cho người dân trong tháng 11. “Việc chi trả phải nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên phải đúng đối tượng, rõ ràng, minh bạch. Không được để xảy ra vấn đề khiếu nại, sai đối tượng. Việc xác định đối tượng nằm trong diện bổ sung phải xác định thiệt hại cụ thể. Số tiền này phải để dành cho việc chuyển đổi nghề của người dân chứ không phải bồi thường hết”, Phó Thủ tướng phát biểu. Ông cũng nói, địa phương nào để xảy ra việc gian dối kê khai không đúng đối tượng, chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương, TN-MT, NN&PTNT, Y tế, LĐ-TB&XH… sớm lên các phương án xử lý số hải sản tồn dư, tiếp tục lấy mẫu hải sản để kiểm nghiệm và công bố cho người dân biết, tăng cường việc giám sát về môi trường tại Formosa, xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho
người dân… 

Quảng Trị: Chi trả bồi thường trước 15/11

Ngày 31/10, ông Võ Văn Hưng-Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng kê khai, đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị, cho hay: Toàn tỉnh có hơn 8.000 hộ dân với gần 45.000 nhân khẩu, hơn 2.800 tàu thuyền của 16 xã, thị trấn vùng biển ở 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng bị ảnh hưởng nặng bởi Formosa, với kinh phí đền bù đã được trên duyệt 1.000 tỷ đồng. Hiện 500 tỷ đồng đã về kho bạc nhà nước tỉnh. Việc chi trả tiền cho người dân sẽ được dứt điểm trước ngày 15/11.              

Hữu Thành

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.