Người dân còn khó tiếp cận chính sách giảm nghèo

Cần phân tích rõ nguyên nhân nghèo để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN
Cần phân tích rõ nguyên nhân nghèo để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN
TPO - Ngày 23/4, trong khuôn khổ nội dung phiên họp toàn thể, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức báo cáo kết quả giám sát của việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.     

Báo cáo cho biết, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, manh mún, sửa đổi chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo.

Trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, dù đạt được nhiều kết quả nhưng chính sách giảm nghèo nói chung còn nhiều tồn tại. Trong đó nổi lên là sự chồng chéo, khó tiếp cận.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong chính sách giảm nghèo do công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo, vẫn còn phân tán, thiếu liên kết, không lồng ghép được chính sách đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo.

Nhiều chuyên gia cho rằng quy trình xây dựng chính sách chủ yếu theo phương thức từ trên xuống. Một số chính sách chưa được phân hóa theo địa bàn, đối tượng nên chưa huy động được hết khả năng tham gia của cộng đồng, của người nghèo. Đây chính là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, chế độ.

Vì vậy, các chính sách ban hành rất khó tiếp cận và phù hợp với địa phương, do đồng bào nghèo chủ yếu sinh sống ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là các khu vực khó khăn với phong tục tập quán cũng như các điều kiện sản xuất đa dạng.

Báo cáo giám sát cũng nêu rõ: Việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo, cùng với việc đồng thời thực hiện nhiều chương trình, nhiều hợp phần, mỗi bộ, ngành lại quản lý một hay một số hợp phần theo chức năng quản lý nhà nước.

Tình trạng thiếu một đầu mối để điều hành, cân đối nguồn lực, nên quá trình thực hiện chưa thật thông suốt, thiếu sự phối hợp đồng bộ, hạn chế việc lồng ghép chính sách.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá công tác giảm nghèo ở một số địa phương vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức từ cấp ủy đảng, chính quyền. Đây là nguyên nhân hạn chế trong công tác giảm nghèo. 

“Thậm chí qua thực tế giám sát, ở một số thôn, ấp, bản, vẫn còn tình trạng người dân chưa biết rõ hoặc không hiểu biết đầy đủ các chính sách cụ thể đối với mình và địa bàn sinh sống”.

Sắp tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội Ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo, giai đoạn 2015 - 2020”.

Các cơ quan của Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương rà soát các văn bản có liên quan đến chính sách pháp luật giảm nghèo, tập trung, sắp xếp hợp lý theo hướng giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, phân tách trách nhiệm rõ ràng.

Sáng ngày 25/4, Uỷ ban Các vấn đề xã hội và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh - Xã hội và Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT giải trình "việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2005 - 2012"

1 chính sách 5 quyết định

Báo cáo Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết, chính sách giảm nghèo chồng chéo thể hiện ở ba khía cạnh chính: nội dung; đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện chính sách trên cùng một địa bàn. Thí dụ, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, thống kê cho thấy có nhiều quyết định, như: 134/2004/Q Đ-TTg, 20/2007/Q Đ-TTg, 167/2008/Q Đ-TTg, 74/2008/Q Đ-TTg và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP...

MỚI - NÓNG