Người đàn bà duy nhất tạc tượng ở làng đá Non Nước

Chị Bình là người phụ nữ độc nhất ở làng đá Non Nước làm nghề tạc tượng.
Chị Bình là người phụ nữ độc nhất ở làng đá Non Nước làm nghề tạc tượng.
TP - Cơ sở điêu khắc đá Lê Thắng ở làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng trở nên đặc biệt, bởi tay chạm khắc tượng điệu nghệ lại là một người phụ nữ - chị Lê Thị Hòa Bình (38 tuổi). Chị Bình là người đàn bà độc nhất ở đây dám cầm máy, cầm đục thổi hồn vào tượng đá.

Mê tượng như…điếu đổ

Xưởng đá Lê Thắng của chị Bình nằm trong một con hẻm nhỏ. Khó có thể hình dung những khối đá đồ sộ nên hình hài ấy lại nhờ bàn tay của một người phụ nữ nhỏ bé. Vốn là  thợ may chân yếu tay mềm, sau khi lấy chồng làm nghề chạm khắc đá ở Non Nước, chị quen dần với những bức tượng. 

Chị kể: “May mặc thì chẳng được bao nhiêu, chồng lại phải thuê thợ trả công cao nên tôi nghỉ việc phụ chồng đánh bóng, rửa tượng. Càng làm, tự nhiên càng thấy thích, tôi nằng nặc đòi chồng dạy chạm khắc”.

Nghe sở thích “rồ rồ” của vợ, chồng chị một mực từ chối, chị lại nhờ bố chồng bày và học lỏm thêm từ các thợ trong xưởng. Được một thời gian, chị được giao làm phôi tượng. Thấy chị làm tốt, chồng chịu chỉ cho cách chạm khắc, lên đường nét. 

“Thời gian đầu, tượng tôi làm ra toàn bị khách trả lại hoặc bán giá bèo. Vậy mà mê quá, tôi chẳng chịu bỏ nghề. Mọi người trong xưởng có nghỉ trưa, nghỉ chiều, còn tôi lăn lê từ sáng sớm tới tối mịt, đến cả khi mang bầu cũng vậy”, chị nhớ lại. Rồi sự cần mẫn, chịu khó của chị cũng có kết quả, khi những bức tượng giao chị chạm khắc nhận được cái gật đầu của chồng, đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Kể từ đó, chị thay luôn thợ chính.

Công việc bụi bặm, nặng nhọc nhưng chị đã gắn bó 15 năm qua. Phụ nữ trong làng chỉ phụ khâu đánh bóng, rửa tượng chứ chẳng ai “cả gan” vác máy, cầm đục gọt đẽo như chị. Đến giờ, bàn tay chị đã chạm khắc gần hai ngàn bức tượng, mỗi năm xuất xưởng hàng trăm sản phẩm.

Người đàn bà duy nhất tạc tượng ở làng đá Non Nước ảnh 1

Từ Mỹ về xem người đàn bà tạc tượng

Tài khắc tượng của chị Bình được cả làng đá Non Nước nể phục. Chị Nguyễn Thị Lực (cùng tổ) nói: “Cánh đàn ông thấy chị ấy khắc tượng là…run, chị làm rất nhanh, chính xác và còn rất đẹp, có khi làm gấp đôi một thợ chạm khắc lâu năm. Tụi tui cũng muốn một lần tạc ra bức tượng do chính tay mình, nhưng chịu. Công việc này đòi hỏi phải cần cù và có khiếu”. 

Trong xưởng chị Bình, nhiều thanh niên vì phục cái tài của chị đã theo học đến 10 năm trời như anh Ly, anh Nhân…

“Chị Bình là người phụ nữ duy nhất ở làng đá Non Nước biết điêu khắc tượng, sản phẩm chị làm ra chất lượng không thua kém những nghệ nhân lâu năm khác. Sự cần mẫn, tài hoa của chị được rất nhiều người nể phục. Không những vậy, chị Bình còn rất nhiệt tình đào tạo, truyền nghề cho lớp thợ trẻ”. 

Ông Hoàng Văn Nhân, tổ trưởng tổ 38, khối phố Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Hai năm trước, chuyện vợ chồng anh Nguyễn Văn Sửu (Việt kiều Mỹ ) về ở luôn trong nhà chị để xem chị tạc tượng làm cả xóm trầm trồ. Anh Sửu đặt hàng ở xưởng chị một tượng Phật Quán Thế âm Bồ tát và một tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mỗi bức cao hơn 2m. Quá bất ngờ vì người chạm khắc lại là phụ nữ, anh Sửu cùng vợ xin ở luôn trong nhà, chỉ để xem từng đường đục, mài của chị. 


Chị cười: “Lần đầu tiên có người hâm mộ ngồi xem mình chạm khắc tượng suốt nửa tháng trời, tôi thấy hạnh phúc vì năng lực của mình đã được công nhận, từ đó biết yêu quý bàn tay mình hơn, tự tin hơn trong những bức tiếp theo”.

Khi hoàn thành hai bức tượng trên, đôi vợ chồng Việt kiều khăng khăng bắt chị phải khắc tên mình bên dưới bởi chơi tượng đá đã lâu, nhưng đây là hai bức tượng đầu tiên được làm từ đôi tay bé nhỏ của một người phụ nữ. Đến bây giờ, chị vẫn còn giữ nguyên phong thư của đôi vợ chồng Việt kiều để làm kỷ niệm.

Chị Bình đam mê khắc tượng người, bởi với chị, dù là tượng đá nhưng mỗi khuôn mặt đều có một thần thái riêng, phải thổi được cái hồn vào trong đó. Trong xưởng chị, hàng chục bức mẹ bồng con, Bồ tát, thiên thần đang xếp hàng chờ đôi tay chị tạc những đường nét trên khuôn mặt.

MỚI - NÓNG