Đến làng đúc lư đồng An Hội, nằm ở khu vực đường Nguyễn Duy Cung (thuộc địa bàn P.12, Quận Gò Vấp, TP.HCM) vào thời gian này, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hết sức tất bật của những người thợ, nghệ nhân nơi đây.
Theo các nghệ nhân nơi đây, để tạo ra 1 lô lư đồng thành phẩm, cần phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, trong đó gồm các khâu chính: làm và nung khuôn, nấu đồng tan chảy để đổ vào khuôn, làm nguội để lấy sản phẩm và cuối cùng là hàn, chạm thêm họa tiết rồi đánh bóng sản phẩm. Nhiều công đoạn với lắm công phu nên mỗi bô lư đồng cần phải hơn 20 ngày mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Một góc của lò sản xuất lư đồng Năm Toàn
Đắp khuôn cho lư đồng
Khuôn sáp được phủ đất bên ngoài
Phơi khô khuôn đất
Sau khi đổ đồng nóng chảy vào khuôn, người thợ đợi cho sản phẩm nguội rồi dùng búa đập lớp đất bên ngoài để lấy sản phẩm
Tiến hành mài để làm nhẵn những điểm góc cạnh của sản phẩm
Dùng hàn để hàn những chỗ bị khuyết
Đục để tạo họa tiết cho sản phẩm
Vào thời điểm cận tết là lúc nhộn nhịp nhất trong năm của làng nghề. Thông thường, trung bình mỗi lò ở làng nghề sản xuất được từ 200 – 300 bộ lư đồng/tháng. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, các lò đang phải hoạt động liên tục để đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Ông Hai Thắng (chủ lò đúc lư đồng Hai Thắng) cho biết “Mỗi bộ lư giá từ khoảng 3 triệu đến hơn vài chục triệu đồng tùy độ lớn nhỏ và sự tỉ mĩ, công phu của mỗi bộ sản phẩm. Trong đợt này, lò của tôi nhận được nhiều đơn hàng nên phải tranh thủ làm để giao hàng đúng hạn”
Làng đúc lư đồng An Hội đã có hơn 200 trăm năm lịch sử và là địa chỉ sản xuất lư đồng bậc nhất tại đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Qua thăng trầm của năm tháng, hiện nay làng chỉ còn 5 lò đang hoạt động đó là lò: Hai Thắng, Ba Cồ, Năm Toàn, Sáu Bảnh và Út Kiển.
Hiện nay, An Hội là làng đúc lư đồng theo lối thủ công duy nhất còn tồn tại ở đất Sài Gòn.