Người con của Huồi Thum

Trung tá Ngũ Quang Hùng giúp bà con bản Huồi Thum sửa chữa đường đi trong bản
Trung tá Ngũ Quang Hùng giúp bà con bản Huồi Thum sửa chữa đường đi trong bản
TP - Mấy năm trước, đồng bào người Thái, người Khơ Mú ở bản Huồi Thum (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) còn chưa biết trồng cây lúa nước và rau sạch. Nhưng nhờ cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi, đặc biệt là trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngũ Quang Hùng, cuộc sống của bà con đã đổi thay nhiều. 

Xắn quần lội ruộng với dân

 Tháng 9/2016, trung tá Ngũ Quang Hùng (khi đó mang quân hàm thiếu tá) - thành viên Đội vận động quần chúng đồn Biên phòng Na Ngoi được Ban chỉ huy Đồn giới thiệu chuyển sinh hoạt tạm thời tại Chi bộ bản Huồi Thum. Đây là địa bàn cách xa trung tâm xã, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 95%. Phong tục, tập quán canh tác của bà con rất lạc hậu, chủ yếu tìm kiếm thức ăn bằng việc hái rau và săn bắt động vật rừng. Một số hộ dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng.

Trước thực trạng này, trung tá Hùng đã tham mưu cho địa phương và trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân từng bước xóa đói, giảm nghèo. Để “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, anh quyết tâm xây dựng bằng được các mô hình hiệu quả để bà con “tận mục sở thị” và làm theo. Anh tìm hiểu đặc điểm về thổ nhưỡng, thời tiết nơi đây rồi tham mưu xây dựng mô hình trồng lúa nước và rau sạch thâm canh trái vụ ở Huồi Thum.

“Với việc triển khai thành công các mô hình, trung tá Hùng đã giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, canh tác phụ thuộc vào tự nhiên. Các mô hình này sẽ được địa phương triển khai và nhân rộng trên địa bàn, từng bước giúp bà con xóa đói giảm nghèo ngay trên quê hương”.
Ông LẦU BÁ CHÒ, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi


Gia đình ông Bùi Văn Tuấn và ông Bùi Văn Nhâm là hai hộ đầu tiên được trung tá Hùng hướng dẫn trồng lúa nước. Anh bày cho họ cách cày bừa để ải đất, lựa chọn giống lúa phù hợp, ủ giống, gieo mạ, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh... Khi lúa chín, trung tá Hùng lại xắn quần lội ruộng giúp họ thu hoạch thành quả. Ngay vụ mùa đầu tiên, hai gia đình này thu được 1,5 tấn lúa. Nhận thấy hiệu quả, các hộ dân khác trong bản đã hưởng ứng làm theo. Đến nay, có 11 hộ ở Huồi Thum trồng lúa nước, thay cho phát nương làm rẫy. “Nhờ có anh Hùng hướng dẫn và cùng làm giúp, gia đình tôi rất biết ơn. Có nhiều lúa ăn, không sợ đói, chúng tôi vui lắm”, ông Bùi Văn Tuấn nói.

Thoát nghèo nhờ trồng rau sạch

 Để tăng năng suất, trung tá Hùng tiếp tục tham mưu cho Ban quản lý bản Huồi Thum và hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng rau sạch trái vụ trên diện tích đất lúa vừa thu hoạch xong. Từ đề xuất của anh, Đồn Biên phòng Na Ngoi huy động hơn 100 ngày công của cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ 4 hộ dân làm đất, bón phân, làm luống, rào vườn… Đồng thời, vận động Tổng đội Thanh niên xung phong 10 hỗ trợ cây giống, chủ yếu là cây bắp cải cùng một số giống rau khác như cải ngọt, cải ngồng và phân bón các loại. 

Sau một thời gian chăm sóc, vụ rau sạch đầu tiên đem lại lợi ích kinh tế rất thiết thực. Tiêu biểu như gia đình ông Xeo Văn Tiến thu nhập 24 triệu đồng trên diện tích 600m2; gia đình ông Bùi Văn Tuấn thu nhập 30 triệu đồng trên diện tích 1.050m2; gia đình ông Moong Văn Khăm thu nhập 20 triệu đồng trên diện tích 550m2. Đến nay, có 14 hộ đăng ký và đề nghị Đồn Biên phòng hướng dẫn, giúp đỡ phát triển mô hình trồng rau sạch thâm canh trái vụ.

Từ chỗ thiếu ăn, đói khổ, những gia đình được trung tá Hùng hướng dẫn nay đã đủ ăn, có hộ còn tích lũy và mua sắm được các vật dụng đắt tiền phục vụ cho lao động sản xuất và nhu cầu cá nhân. Hộ ông Bùi Văn Tuấn, sau hơn 3 năm trồng lúa nước đã mua được máy cày và máy xát lúa phục vụ gia đình và bà con trong bản. “Cán bộ Hùng tốt lắm! Anh ấy còn bỏ tiền túi mua phân bón tặng chúng tôi, còn hướng dẫn mọi người tận dụng một số đường nước cũ của mô hình trồng lúa nước và mua thêm một số đường ống mới để lấy nước tưới cho rau trồng luôn tươi ngon, sạch sẽ. Chúng tôi coi anh ấy như người con của bản mình”, ông Tuấn nói.

“Thời gian đầu triển khai mô hình trồng lúa nước, bà con vẫn chưa quen với phương pháp làm đất, gieo cấy mới, thậm chí không dùng trâu để cày xới đất nên hiệu quả không cao. Không chỉ “cầm tay, chỉ việc”, chúng tôi còn trực tiếp hướng dẫn bà con gieo trồng đúng kỹ thuật, vừa đảm bảo cây lúa, cây rau phát triển, vừa cho năng suất cao. Sau hơn 3 năm với 4 vụ lúa nước và một vụ rau trái vụ, đời sống người dân Huồi Thum đang dần cải thiện”, trung tá Ngũ Quang Hùng cho biết.

MỚI - NÓNG