Người có phiếu tín nhiệm thấp không từ chức: Xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng
Ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng
TPO - Đó là những băn khoăn được ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt ra khi tham gia thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 26/10.

Trước đó, thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố.

Theo ông Tùng, hiện nay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.

Ủng hộ dự thảo nghị quyết trên, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp bộ máy tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, đảm bảo sự liên thông, thông suốt các kết nối của các không gian thiết kế đô thị. Việc triển khai các quyết định hành chính ở các đô thị được nhanh hơn, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, ông Sơn bày tỏ băn khoăn với quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Theo  dự thảo nghị quyết, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

“Trường hợp vị này không xin từ chức thì giải quyết như thế nào? Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định đối với trường hợp nói trên thì người được lấy phiếu tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu vào chức vụ của các vị này có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm”, ông Sơn cho hay.

Từ đó ông Sơn đề nghị điều chỉnh lại dự thảo nghị quyết cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng, ttrường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân trình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm cho phù hợp với quy định của pháp luật về chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG