Người bình thường trong bức ảnh nổi tiếng

Bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự
Bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự
TP - “Vào thời điểm đó thì đấy là hành động bình thường, ai cũng sẽ làm vậy thôi!” - cô nữ dân quân của hơn nửa thế kỷ trước mở đầu câu chuyện khi gợi nhớ về bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn.

Nằm khuất sâu trong một con hẻm của thành phố Nam Định, căn nhà nhỏ của vợ chồng hai bác Phạm Quang Tiến và Hà Thị Nhiên hằng ngày luôn ngập tiếng cười của các cháu nội, ngoại. Những đứa bé hồn nhiên nô đùa và ắt hẳn chúng không thể hình dung để có được cuộc sống thanh bình ngày hôm nay, ông bà của chúng đã từng phải sống trong những năm tháng tàn khốc nhất của chiến tranh. Và người bà phúc hậu vẫn ngày ngày bế chúng từng là một trong những hình ảnh tiêu biểu của ngàn vạn thanh niên thời bấy giờ.

Cô nữ dân quân ngày ấy, bây giờ

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Hải Thịnh (Nam Định), khi vừa tròn 20 tuổi, như bao thanh niên thời bấy giờ, cô gái Hà Thị Nhiên tham gia vào đội nữ dân quân xã vừa sản xuất vừa cầm súng chiến đấu bảo vệ quê nhà. “Nhiệm vụ của đội nữ dân quân chúng tôi là bảo vệ các ụ pháo của quân đội ta đặt trên địa bàn xã”- bác Nhiên - cô nữ dân quân ngày đó giờ đã lên chức bà cho biết.

Cô nữ dân quân thời đánh Mỹ kể: Trong những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, vùng biển Hải Thịnh phải hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù nhất, khi thường xuyên bị đạn pháo từ ngoài biển bắn vào, bom máy bay giặc từ trên trời dội xuống. Bác Nhiên vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, ngày 25/5/1966, đang bảo vệ các ụ pháo, khi thấy máy bay rơi xuống biển, cả đội nữ dân quân của bác đều lao ra để tìm phi công để tránh trường hợp những tên còn sống sẽ thông báo tọa độ qua điện đàm về chỉ huy vừa để cầu cứu, vừa làm lộ trận địa pháo của ta. Tuy nhiên, lần đó không tìm thấy phi công, chỉ thấy xác máy bay trôi từng mảng trên biển. “Tôi kéo phần cánh máy bay của giặc vào bờ như một lời cảnh báo về tội ác mà chúng gây ra cho quê hương, đất nước tôi!” - Ánh mắt của bác Nhiên sáng lên sự quyết tâm, nhiệt huyết như thủa đang tham gia chiến đấu.

Người bình thường trong bức ảnh nổi tiếng ảnh 1

Chứng nhận Giải đặc biệt của Hiệp hội báo chí Đức tặng nghệ sỹ Quang Văn nhân dịp Triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 5 tại Berlin cho bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng”

Hình ảnh một cô nữ dân quân nhỏ nhắn, gương mặt xinh xắn, mặc áo vải nâu vẫn còn những miếng vá, khoác khẩu súng trường trên vai, dùng dây thừng kéo xác máy bay đã được nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Văn ghi lại. Đến khi bức ảnh đó được đưa ra thế giới, mọi người không khỏi bất ngờ về tinh thần chiến đấu của những người phụ nữ Việt Nam và càng hiểu thêm lý do một cường quốc của thế giới lúc bấy giờ là Mỹ lại thất bại trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Kết thúc chiến tranh, mối tình nảy nở từ những năm tháng kháng chiến của cô nữ dân quân với chàng xạ thủ pháo bắn biển Phạm Quang Tiến kết trái thành một gia đình nhỏ. Và bất ngờ hơn nữa khi cô dân quân ngày nào về làm dâu tại con phố nhỏ của Thành Nam, nơi nghệ sỹ Quang Văn đang sinh sống. Trong lần gặp đó, khi nhận được bức ảnh và tờ báo từ chính tay của nghệ sỹ Quang Văn, bác Nhiên mới thấy bất ngờ vì hành động tưởng chừng như đơn giản của mình lại trở thành hình tượng cho một phần sức mạnh dân tộc Việt: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.

Người bình thường trong bức ảnh nổi tiếng ảnh 2

Vợ chồng bác Phạm Quang Tiến và Hà Thị Nhiên bên bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” tại nhà riêng

Từ ngày đó, cuộc sống của gia đinh bác Nhiên phần nào bị thay đổi. Bác phải tiếp đón nhiều hơn những đoàn công tác, tổ chức, nhà báo… đến để tìm hiểu và xác thực thông tin. Nhiều hơn nữa là những người quen có, lạ có vừa khâm phục, vừa hiếu kỳ muốn đến chứng kiến tận mắt cuộc sống giản dị của nhân vật chính trong một bức ảnh nổi tiếng. Bác phải đi nhiều hơn đến những buổi giao lưu, gặp gỡ mà ở đâu cô nữ dân quân một thời cũng thường trực một nụ cười hiền: “Vào thời điểm đó thì đấy là hành động bình thường, ai cũng sẽ làm vậy thôi!”.

Và câu chuyện của một bức ảnh

Nghệ sỹ Quang Văn - một trong những cây đại thụ của làng nhiếp ảnh Việt Nam (năm nay gần 90 tuổi) cho biết: “Là người trực tiếp bấm máy, nhưng tôi không kỳ vọng quá nhiều vào bức ảnh. Đến năm 1970, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam chọn và gửi bức ảnh đó đi dự thi, và lần đó, bức ảnh được Huy chương Vàng do Hội Nhà báo CHLB Đức trao tặng”.

Bác Quang Văn kể: Thời kỳ đó, Hải Thịnh là vùng biển chịu sự tàn phá của bom đạn giặc nhiều nhất. Đang là cán bộ phụ trách thông tin triển lãm của Nam Định, bác nhận nhiệm vụ về Hải Thịnh làm phóng sự ảnh quân và dân vừa chiến đấu vừa sản xuất để tuyên truyền. Tuy nhiên, sau nhiều chuyến đi, bác vẫn chưa chụp được bức ảnh nào quân và dân trực tiếp chiến đấu. “Cuối cùng, tôi quyết định chọn hình ảnh dân ta đi gom mảnh xác máy bay, và may mắn là lần đó tôi gặp cô Nhiên đang kéo một mảnh cánh máy bay có in cờ Mỹ” - nghệ sỹ Quang Văn vui vẻ kể thêm.

Hiện nay, hai vợ chồng bác Hà Thị Nhiên có 3 người con đều đã trưởng thành và 6 người cháu nội ngoại vẫn thường xuyên về chơi với hai bác dưới mái nhà nhỏ của thành phố Nam Định.

“Sự trừng phạt đích đáng”, không phải là bức ảnh duy nhất phản ánh tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ra với Thế giới. Bởi còn bức ảnh mà nhà thơ Tố Hữu đã xúc cảm viết thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/ Ra thế, to gan hơn béo bụng/ Anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Đó là bức ảnh của nghệ sỹ Phan Thoan miêu tả một nữ dân quân dáng người thấp nhỏ, mặt ngẩng cao đang cầm súng áp giải viên phi công Mỹ cao lớn đang bước cúi đầu… Ở Nam Định, những người lớn tuổi từng sống trong thời chiến đều biết tới cô nữ dân quân Hà Thị Nhiên qua những câu thơ: “Thần sấm, con ma, lũ giặc trời/Trúng đạn đâm nhào xuống biển khơi/Cô gái dân quân xã Hải Thịnh/Hiên ngang kéo xác máy bay rơi”.

Giờ đây, những nhân chứng lịch sử đó đang hạnh phúc hưởng cuộc sống yên bình mà họ và đồng đội đã bỏ biết bao xương máu ra để có được. Bác Phạm Quang Tiến (chồng bác Nhiên), một người lính pháo binh từng chiến đấu dưới các trận mưa bom của giặc Mỹ cười: “Thời chiến chỉ có ăn cơm nhà, vác ngà voi đi chiến đấu. Không vui thì sống sao nổi?”.

MỚI - NÓNG