Bám bản giữa vòng vây địch
Ở Lai Châu, bộ binh Trung Quốc tiến sang biên giới Việt Nam vào sáng ngày 17/2/1979 ở các điểm Sì Lở Lầu và Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nậm Xe để chiếm thị xã Phong Thổ. Đồn biên phòng Sì Lở Lầu nằm dưới tầm đạn pháo. Hai sư đoàn lính Trung Quốc cùng dân binh tiến lên sau khi được pháo cối dọn đường. Đám lính trẻ như Vàng Á Páo, Lý A Sing nhốn nháo hỏi: “Khi nào lính Trung Quốc tràn qua biên giới?”. Ngồi dưới hầm nên ông Phổ không thể quan sát để nhận định lúc nào lính địch tràn qua khiến đám lính trẻ lo lắng.
Cuộc chiến diễn ra nóng bỏng. Chính trị viên Nguyễn Vũ Tráng vừa chỉ huy, vừa làm công tác chính trị. Pháo vừa ngớt làn, vài cậu lính trẻ chui ra khỏi hầm, hoặc lấp ló để quan sát ra hướng biên giới. Ông Phổ thò người ra khỏi miệng hầm và quát lớn với vẻ bỗ bã và dứt khoát: “Nó đang pháo, chui vào hầm, mấy thằng kia, chết hết bây giờ!”. Khi ông vừa dứt lời thì quả đạn pháo rơi vào giữa 2 cậu lính trẻ. Đêm xuống, ông Phổ gọi người dân cùng đi nhặt hài cốt của 2 chiến sĩ mang chôn dưới giao thông hào. Ông rút chiếc dao găm luôn đeo bên hông để đào sâu chỗ nằm cho đồng đội và nói lời từ biệt.
Cả đồn biên phòng vừa chiến đấu, vừa rút về cao nguyên Dào San. Đơn vị có 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Khi rút xuống cao nguyên Dào San cách đó 50 km, Chuẩn úy Nguyễn Quang Phổ được phong vượt cấp lên Thượng úy, từ Đội trưởng trinh sát lên Đồn trưởng đồn biên phòng Sì Lở Lầu và nhận luôn quyết định “dẫn lính quay lại bản, sống trong lòng địch, cùng chi bộ Đảng bám giữ dân”. Khi quay trở lại thì chính trị viên Nguyễn Vũ Tráng hy sinh.
Cuộc họp chi bộ trong thời chiến diễn ra trong một túp lều trên rẫy ngô luôn có sự tham dự của Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu là Chẩu Sỉ Vảng, Đảng ủy viên Vàng Phù Dung, xã đội trưởng Tẩn Quảy Ly, Chủ tịch xã Phùng Văn Phu. “Ai làm phản và gây bạo loạn thì xử theo luật thời chiến!” - ông Phổ luôn nhấn mạnh với giọng đanh thép.
“Ai bắt hoặc lấy được đầu của ông Phổ sẽ được thưởng 500 cái chăn con công”. Người dân gặp ông Phổ thường nói về việc lính Trung Quốc rêu rao như vậy. Ông Phổ không sợ hãi, ông kể lại tính cách hài hước của mình, đó là vẫn vào bản, kể chuyện vui với mọi người. Khi tổ công tác cạn lương thực, ông Phổ quyết định vay gạo của dân, mỗi nhà 1 xing (bao vải đựng 5 - 6 cân). “Vay gạo để chống giặc, không biết bao giờ trả” - ông Phổ cười và nhớ lại những ngày sống trong lòng địch. Mỗi khi bọn địch kéo tới ông lại biến mất trong những ngôi nhà hoặc nương rẫy.
Dân chở che
Ông Giang, một cựu chiến binh từng có mặt ở mặt trận Lai Châu năm 1979 kể lại: “Ông Phổ có tiếng đấy, là một con người dũng cảm, nói là làm, làm rất quyết liệt, nhưng cái tính quá thẳng thắn của ông Phổ đôi khi cũng là trở ngại cho chính ông”. Ông Giang cho biết, lúc mặt trận nổ ra thì ban chỉ huy tiền phương nằm ở thị trấn Phong Thổ và ông Phổ được nhiều người nhắc tên khen ngợi. Vì từ mùng 6 tết năm 1979 lựu đạn đã ném vào đồn Sì Lở Lầu và hai bên đã quần nhau trên chiến hào.
Ông Phổ nhiều lần sống sót được là nhờ dân che chở. Kỷ niệm khó quên nhất được ông kể lại, đó là lần bọn địch bao vây ở góc ngôi làng mà ông vừa về. Ông Phổ chạy tới trước nhà của Tẩn Tả Mai, dân tộc Dao và nói thật nhanh “bọn nó tới!”. Nhà Tẩn Tả Mai treo chùm lá trước cửa. Theo phong tục của người Dao thì đó là có người sinh nở, người lạ cấm được vào. Nhưng trong tình huống sinh tử đó, Tẩn Tả Mai ra hiệu cho ông Phổ rằng “cứ vào”.
Tiếng súng lách cách vang lên gần lối đi là lúc ông Phổ đã phi nhanh vào nhà, chui dưới chiếc chăn dưới chân của chị Chảo Tả Mẩy đang ôm đứa con đỏ hỏn. Ở trước cửa nhà, Tẩn Tả Mai nói lớn rằng có nhìn thấy ông Phổ, nhưng người đó đã chui qua bụi rậm và chạy ra bờ suối. Cách xử trí của Tẩn Tả Mai cũng là thước đo lòng dân ở Sì Lở Lầu đối với ông Phổ. Sự bắt bớ càng gắt gao thì người dân làng càng che chở cho ông Phổ cùng những người lính trở về bám làng.
Tại hậu phương, tin tức về ông Phổ mờ mịt giữa thông tin chiến trận. Gia đình của ông luôn thấp thỏm nỗi lo khi nào thì lập bàn thờ. Tại thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), vào ngày 20/2/1979 (tức 3 ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc), người vợ của ông Phổ là bà Trần Thị Hùy trở dạ sinh đứa con trai. Người dân ở xóm đến chúc mừng, nhưng lúc quay ra ai cũng nói rằng “ông Phổ chồng bà Hùy đã chết trên biên giới”. Bà Hùy khóc mờ cả mắt. Bà nhớ lại, “chồng bộ đội thời đó nghèo lắm, sinh con nhưng vét hết gạo lúa cũng chỉ còn được vài lon, gia đình phải ra bờ rào hái lá rau cúc tần để ăn sống”.
Hơn 30 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, giờ đây ông Phổ đã ở tuổi 67.
Niềm an ủi đối với ông Phổ, đó là năm 2002, người con trai là Nguyễn Quang Nam thi đậu 2 trường Đại học Sư phạm và Đại học Biên phòng, hiện nay là giáo viên Học viện Biên phòng. Ông nói rằng, “mình rời quân ngũ sớm thì đã có con nối nghiệp cha”.
Ông Phổ nhập ngũ tháng 1/1972, đến năm 1992 ông về hưu sớm khi đang ở tuổi 39. Người anh hùng trận mạc bắt đầu gánh vác đủ công việc để nuôi bầy con, từ chặt tre, chở than, cấy lúa, bán rau, bán kem, dệt vải, đóng bè... Ông cùng người em vợ là Trần Văn Thụ từng đi bán kem tại phố Hàng Gai, sân ga Hàng Cỏ.
(Còn nữa)
Ảnh: Lê Văn Chương
Nguyễn Quang Phổ là người vừa cầm súng, vừa cộng tác viết báo và lấy bút danh là Lao Đoan. Ông Phổ cũng là cá nhân điển hình báo cáo thành tích chiến đấu trước Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang sau chiến tranh biên giới phía Bắc.