Tố cáo đúng
Dáng vẻ gầy yếu, nét mặt chằng chịt vết chân chim, trông ông khắc khổ hơn nhiều ở cái tuổi 71. Nhưng nói về tiêu cực, tham nhũng, bất công, ông Ninh Cao Phu mắt bừng sáng sáng, giọng nói đanh thép, chắc nịch, lẫm liệt, khí khái.
Năm 1982, làm Trưởng trạm y tế Nông trường Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), ông cung cấp chứng cứ, tố giác với Đoàn thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật bắt 5 cán bộ, kỷ luật 10 cán bộ khác tham ô tài sản. Trong đó, ông Trần Tắc Trí, giám đốc và ông Nguyễn Văn Cam, Bí thư Đảng ủy Nông trường Sông Đốc bị mất chức.
Sau đó, ông Ninh Cao Phu tố cáo “hưu chui, hưu rởm” bản thân cán bộ và người thân cán bộ để trục lợi chế độ hưu trí tại Nông trường Sông Đốc. Ông Trần Kim Tuyến, Phó giám đốc, từ 44 tuổi tăng lên 55 tuổi, công tác 14 năm nâng lên 35 năm để hưởng chế độ hưu trí…Cơ quan chức năng thu hồi, hủy chế độ hưu trí 5 người, 10 người khác đang hoàn tất hồ sơ để hủy bỏ.
Ông cung cấp thông tin cán bộ biển thủ đất công ở thị trấn Sông Đốc, báo Tiền Phong có bài điều tra: “Đất công cho thuê thành đất của cán bộ”. Năm 2014, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời quyết định cho thanh tra, chuyển cơ quan điều tra nhưng vụ việc chưa thể xử lý dứt điểm.
Năm 2010, UBND thị trấn Sông Đốc xác nhận đơn cho ông Lê Thanh Tiền xin UBND huyện Trần Văn Thời thuê 7.500 m2 đất, có vị trí đắc địa, mở rộng sản xuất, thời hạn cho 4 năm. Sau đó, ông Tiền “đền ơn” cán bộ chủ chốt thị trấn Sông Đốc bằng cách cho thuê lại. Ngay sau đó cán bộ sang nhượng bỏ túi vài trăm triệu đồng/nền hoặc cất nhà cho thuê, để ở…
Tương tự, bà Lương Kim Quyên- vợ ông Lâm Văn Phú, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc thuê 16.707,2 m2 tại khóm 10, thị trấn Sông Đốc, với giá 1.281,5 đồng/m2/năm, kinh doanh thể dục thể thao (sân bóng đá), thời hạn 10 năm (2010- 2020). Hiện nay, vợ chồng ông Lâm Văn Phú xây dựng kiên cố trên khu đất thuê trong khi thời hạn cho thuê chỉ còn hơn 1 năm nữa.
Có bao che?
Lý giải việc UBND huyện Trần Văn Thời cấp phép xây dựng cho gia đình ông Lâm Văn Phú trên phần đất gần hết hạn hợp đồng, ông Sử Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói: “Thuê đất 10 năm, sử dụng đúng mục đích, hết hạn sẽ xem xét cho thuê tiếp?”.
Kết quả xử lý vụ ông Lê Thanh Tiền thuê đất, rồi cho 37 hộ thuê lại, đã hết hạn hợp đồng 5 năm, ông Sử Văn Minh cho biết, sẽ xử lý nhưng diễn biến phức tạp. Trước mắt, thu hồi phần đất ông Lê Thanh Tiền quản lý. Còn phần đất cho cán bộ thuê lại, sang bán, chuyển nhượng, xây cất nhà…sẽ xử lý sau.
Mới đây, ông Phu tố giác chính quyền hỗ trợ, bồi thường sai dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư khóm 9, thị trấn Sông Đốc. Nhưng UBND thị trấn Sông Đốc, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định đã làm đúng.
Vụ ông Phu tố cáo một số cán bộ lợi dụng bồi thường rút ruột ngân sách của UBND thị trấn Sông Đốc với sự bao che của ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời. Ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông báo kết quả giải quyết tố cáo, khẳng định ông Phu tố cáo đúng.
Liên quan đến việc này, mới đây ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời bị kiểm điểm rút kinh nghiệm; Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc và ông Hồ Song Toàn, Trưởng phòng TN- MT Trần Văn Thời bị khiển trách.
Ông Phu nói với Tiền Phong: “Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chưa qui trách nhiệm cán bộ làm sai, trách nhiệm thu hồi hơn 2,1 tỷ đồng đã hỗ trợ, bồi thường cho ông Đinh Văn Toản. Nếu tôi không tố giác kịp thời, những cán bộ này sẽ bồi thường, hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng, vậy có tư túi không”?
Phận người tố cáo
Hiện ông Phu đang phải ở nhờ nhà ông Nguyễn Hoàng Kha, ở ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, giáp với thị trấn sầm uất Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau). “Rủi quá, tội nghiệp thằng cháu họ, cùng quê, lập nghiệp ở Sông Đốc, bị bệnh, qua đời. Tôi ngại ở chung nhà với cháu dâu, phải nhờ vả vợ chồng chú Kha”- ông Phu phân trần.
Năm 1983, ông Ninh Cao Phu làm Trạm trưởng Trạm y tế Nông trường Sông Đốc, được cử học văn hóa, trúng tuyển vào Đại học Y Dược TPHCM (niên khoá 1985-1988). Con đường học hành vừa rộng mở, tương lai thăng tiến bản thân ông với nghề thầy thuốc bị đóng sập. Nguyên nhân do ông Phu tố cáo giám đốc của mình là ông Trần Tắc Trí, kết quả ông này bị kỷ luật. Vị Giám đốc này trả thù ông Phu bằng cách làm công văn, tham mưu và được Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải ra quyết định buộc thôi học.
Ông Phu khoác ba lô về Nông trường Sông Đốc nhưng không được làm việc vì bị kỷ luật, hồ sơ thất lạc... ông khiếu nại ròng rã 10 năm. Báo Tiền Phong số 140 ngày 21/11/2000, có bài: “Ở Nông trường Sông Đốc không ai dám đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, nếu…”.
Ngày 5/12/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiểm tra nội dung báo nêu, giải quyết và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12/2000. Nhiều năm sau, ông Ninh Cao Phu được Sở LĐ-TB&XH Cà Mau giải quyết chế độ nghỉ việc với 24 năm công tác, tổng tiền 18.984.000 đồng.
Ông Phu nói: “Được mấy chục triệu đồng tiền xương máu, vợ tôi là giáo viên dạy ở Sông Đốc, đi theo người đồng nghiệp trẻ. Cả 5 người con ông tự sống và may mắn làm ăn khấm khá khắp nơi”.
Gần hết quãng đời, ông Ninh Cao Phu chiêm nghiệm: “Mất hết công danh, sự nghiệp, gia đình cũng tan nát. Danh dự đã được phục hồi một phần, phải tiếp tục chiến đấu chống tiêu cực, tham nhũng, bất công vì mình là Bộ đội Cụ Hồ, “chiến sĩ chống giặc nội xâm”.
Ông Vũ Xuân Cửu, nguyên Phó giám đốc Nông trường Sông Ðốc: “Anh Ninh Cao Phu là người thẳng thắn, trung thực và luôn không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Nhưng cuộc đời anh ấy quá nhiều trắc ẩn, cô độc, nghèo khó bởi thói đời “đấu tranh tránh đâu”. Nhưng bà con ở đây coi ông như “Bao Công” xứ biển Sông Ðốc”.
Ông Ninh Cao Phu, sinh năm 1948, ở Lai Thành (Kim Sơn, Ninh Bình), vào ngành quân y, tham gia Chiến dịch Ðường 9 Nam Lào, mặt trận Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh, được Ðảng và Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huy hiệu chiến dịch năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh…Sau khi ra quân, ông làm Trưởng trạm y tế xã Lai Thành (Kim Sơn, Ninh Bình), chuyển vào làm Trưởng trạm y tế Nông trường Sông Ðốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) và bị nghỉ việc, hiện sống ở Sông Ðốc.