Ngày 17/1, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương. Thông tin về hoạt động lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL cho biết, trong mùa lễ hội 2018, tình trạng lộn xộn, chen lấn, vệ sinh môi trường đã cơ bản được khắc phục; đặc biệt tình trạng cướp lộc, các lễ hội phản cảm cũng được hạn chế và thay đổi.
Tuy nhiên, theo bà Ninh, qua theo dõi đã xuất hiện một vài hiện tượng mới, như lễ hội Yên Tử có việc buộc cây giải ruy băng có chữ Trung Quốc lên hàng rào để cầu may mắn. Bộ đã yêu cầu Ban quản lý phải tháo gỡ ngay, bởi việc nghĩ rằng buộc lên hàng rào để cầu may mắn là không có cơ sở.
Hay như việc cướp phết ở một số lễ hội cũng có thay đổi nhiều. Với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trước kia có rủi ro, nhưng năm 2018 đã đảm bảo an ninh an toàn. Hiện chỉ có 2 nơi được tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống là Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng) còn các tỉnh khác không được tổ chức.
Để việc quản lý các lễ hội hiệu quả hơn, theo bà Ninh, cần thực hiện cương quyết, nếu những nơi nào không chấp hành nghiêm sẽ bị tạm dừng tổ chức lễ hội theo Nghị định mà Chính phủ mới ban hành, và chỉ cho hoạt động trở lại khi có giải pháp khắc phục. Cần tiếp tục chỉ đạo sát sao bởi có lễ hội chỉ là cấp xã, nhưng phạm vi không ở cấp xã nữa khi có sự tham gia của rất nhiều người từ các tỉnh khác đến.
“Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao nhà nước lại quản lý lễ hội trong khi trước đây người dân vẫn làm. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đó là lễ hội của người dân trong làng, nhưng giờ đã lan tỏa với sự tham gia của đông người, có sự lộn xộn và vỡ trận. Do đó bây giờ dù là lễ hội của cấp xã nhưng có nhiều người đến thì các cơ quan chức năng phải có sự chỉ đạo, phối hợp để tổ chức tốt lễ hội, mang lại món ăn tinh thần cho người dân”, bà Hương cho hay.
Để khắc phục những bất cập trong tổ chức lễ hội năm 2018, theo bà Hương, thời gian tới cần hoạch định cơ chế chính sách rõ ràng, trong đó có phân cấp, phân trách nhiệm cho các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho người tham gia lễ hội. Ngay cả quản lý lễ hội cũng phải biết giá trị lịch sử thì mới tham mưu tốt nhất cho cơ quan quản lý.
“Như lễ hội phát ấn Đền Trần (Nam Định), nhiều người không hiểu rõ giá trị, thậm chí những người bán thịt, bán rau hàng ngày cũng đến đền để xin ấn thăng quan tiến chức. Hay như lễ hội cướp chiếu ở Vĩnh Phúc để cầu sinh con trai, nhưng tôi không hiểu sao một chị 40 tuổi cũng đến giật chiếu để cầu cho mùa màng bội thu. Làm ăn phát đạt.
Cho nên cần tuyên truyền để người dân hiểu đúng giá trị của lễ hội, đến với lễ hội với mục đích gì. Đồng thời cần tăng cường thanh tra, kiểm tra không để vỡ trận, và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong tổ chức lễ hội”, bà Ninh cho hay.