'Loạn' giá vé chợ đen trận chung kết Việt Nam - Malaysia

TPO - Trước trận chung kết AFF Cup 2018, cơn sốt vé vào sân Mỹ Đình cổ vũ đội nhà vẫn tiếp tục nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội sở hữu cặp vé vào sân vì săn được vé Online là không hề dễ dàng. Trong khi đó, giá vé chợ đen được rao bán công khai được “thổi” lên gấp nhiều lần.

Trong bốn đợt bán vé online trận chung kết AFF Cup 2018 Việt Nam – Malaysia, đã có  10.300 đã được VFF bán ra. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi bức xúc và đặt dấu hỏi lớn về việc trong khi nhiều người sở hữu được một cặp vé đã là rất khó thì lại có người sở hữu tới hàng trăm vé? Không chỉ thế, tình trạng loạn giá vé chợ đen sát giờ bóng lăn cũng khiến người hâm mộ “hoa mắt, chóng mặt”.

Không cần phải ra tận cổng sân vận động quốc gia Mỹ Đình, chỉ cần gõ vài dòng từ khoá, bất cứ ai cũng có thể bắt gặp những người rao bán vé trận chung kết lượt về gấp vài chục lần so với giá gốc được bán ra.

'Loạn' giá vé chợ đen trận chung kết Việt Nam - Malaysia ảnh 1 Người hâm mộ đua nhau "xả" vé với giá đẩy lên vài chục lần so với giá gốc.

Hiện trên thị trường chợ đen, giá vé cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam - Malaysia vẫn tiếp tục tăng chóng mặt.

Ban đầu, mức giá thấp nhất vẫn được giữ ở con số 200.000 VND, còn tất cả hạng vé khác đều được điều chỉnh tăng lên lần lượt là 350.000, 500.000 và 600.000 đồng.

Tuy nhiên, một số cặp vé ở khán đài A, B có mệnh giá vé 600.000 đã được chào bán lên tới 10 - 20 triệu đồng/cặp.

Các vé mệnh giá 200.000 đồng/vé được rao bán ở mức 4 - 6 triệu đồng/cặp. Vé mệnh giá 350.000 đồng/vé đã lên mức 7 - 8 triệu đồng/cặp.

Trước nguồn lợi lớn, không chỉ các “cò vé”, ngay cả chính người hâm mộ cũng sẵn sàng... ở nhà xem TV và nhượng lại vé săn được để kiếm lời.

'Loạn' giá vé chợ đen trận chung kết Việt Nam - Malaysia ảnh 2 Không phải người hâm mộ nào cũng có cơ hội được vào sân xem trận chung kết AFF Cup 2018 vì giá vé thực tế đã được "thổi" lên mức chóng mặt.

“Tôi săn được cặp vé mệnh giá 350.000 đồng vừa bán “tất tay” được 6 triệu đồng. Cũng là người hâm mộ nhưng có nhiều cách để cổ vũ đội tuyển. Đâu nhất thiết cứ phải ra sân nên tôi đã quyết định nhượng lại cho người khác”, anh Mạnh (Trần Phú, Hà Đông) cho biết.

Cũng may mắn săn được cặp vé có mệnh giá 350.000 đồng, anh Linh (Cầu Giấy) đã nhanh chóng “chuyển nhượng” lại cho một người hâm mộ khác với giá lên đến 7 triệu đồng.

“Ban đầu tôi cũng không có ý định bán nhưng người mua có vẻ rất quyết tâm nên tôi đã quyết định nhượng lại”, anh Linh chia sẻ.

Thực tế, càng sát giờ bóng lăn, cơn sốt vé vào Mỹ Đình càng tiếp tục nóng. Chỉ cần dạo quanh các diễn đàn, các fanpape được người hâm mộ lập ra để bán vé cũng thấy thị trường “chợ đen” nhộn nhịp như thế nào.

Thậm chí, một số người hâm mộ còn chạy đua bán vé với nhiều hình thức khác nhau như ship tận nơi, có giảm giá v.v… để kích cầu khiến giá vé có dấu hiệu “loạn” dù đã được đẩy lên đỉnh điểm.

'Loạn' giá vé chợ đen trận chung kết Việt Nam - Malaysia ảnh 3 Nhiều người sở hữu tới hàng trăm vé và rao bán công khai (!?)

Trước đó, đúng 10 giờ sáng ngày 10/12, VFF bắt đầu mở bán vé trận chung kết AFF Suzuki Cup 2018 lượt về giữa 2 đội tuyển bóng đá Việt Nam và Malaysia diễn ra vào ngày 15-12 tới bằng hình thức bán online.

Tuy nhiên, giống như lần đầu bán vé online trận bán kết lượt về Việt Nam - Philippines, nhiều người hâm mộ vừa vào đặt vé ngay sau giờ mở bán bắt đầu lúc 10 giờ sáng 10/12 thì cả 2 trang bán vé này đều bị lỗi hoặc báo không giao dịch được.

Trưa 10/12, VFF thông tin, ngay khi vừa mở cổng, hệ thống đã ghi nhận lượt truy cập kỷ lục lên đến hơn 180.000 cùng thời điểm. Những phút tiếp theo, hệ thống luôn có trên 150.000 -160.000 người truy cập cùng lúc, gấp 72 lần số vé mở bán. Do mỗi người chỉ được mua 2 vé tối đa nên số lượng người mua thành công của đợt 1 khoảng 1.250 người.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.