Đại sứ Argentina, ông Alberto J. Kaminker (phải) cùng các nhà khoa học bên các nấm mộ liệt sĩ vô danh của Việt Nam. |
Tâm khảm người con
Anh Trần Đức Thiệp, con liệt sĩ, báo với chúng tôi rằng có chuyện rất cảm động: “Một đoàn các nhà nhân chủng học của Argentina sang Việt Nam giúp tìm mộ liệt sĩ ở TPHCM”. Anh mời tôi với tư cách nhà báo của các thân nhân liệt sĩ.
Tôi gặp anh Thiệp ở Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM vào sáng sớm.
Anh kể: “Bố tôi hi sinh trong một trận đánh ác liệt ở Bình Phước. Trận đánh diễn ra từ ngày 21 đến 29 - 11- 1968 tại Lộc Hòa, Lộc Ninh, quân ta hi sinh gần 100 người. Riêng đại đội bố tôi là C3, D4, E141 hi sinh gần hết vì Mỹ dùng nhiều xe tăng san bằng trận địa tiền tiêu. Năm 2007, dân rà phế liệu tìm thấy vũ khí quân ta, Quân đoàn 4 cho khai quật tìm được 15 bộ hài cốt. 4 bộ hài cốt đã xác định được thân nhân. Bố tôi là một trong số những người may mắn ấy, nhờ xác định gene. Còn lại 11 ngôi mộ của các liệt sĩ khác thì chưa xác định được danh tính. Thật may, có đoàn nhân chủng học Argentina vừa sang Việt Nam, họ hứa sẽ giúp tìm danh tính”.
Chúng tôi vừa nói chuyện xong thì có cuộc họp ngắn. Tôi đi theo anh Lộc đang đi tìm chú và anh Tính đi tìm bố, vào dự họp. Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cám ơn sự quan tâm của phía Argentina và cho biết vẫn còn nhiều mộ liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi.
Tiến sĩ Analia Gonzalez đánh dấu các hài cốt. Ảnh: T.N.A. |
Trong đoàn giúp tìm liệt sĩ có cả đại sứ Argentina tại Việt Nam, ngài Alberto J. Kaminker.
Ngài đại sứ nói: “Khi chiến tranh xảy ra, tôi còn là thanh niên. Chúng tôi đã rất thông cảm với những hi sinh mất mát của người Việt Nam. Không ngờ bây giờ tôi ở cương vị đại sứ tại Việt Nam. Qua thông tin từ phía Chính phủ Việt Nam, tôi biết còn hàng trăm ngàn liệt sĩ Việt Nam chưa xác định được danh tính. Tôi đã liên hệ với các nhà nhân chủng học ở nước tôi, xem có giúp đỡ được gì cho Việt Nam không. Các nhà nhân chủng học của chúng tôi từng làm việc này ở 30 nước trên thế giới. Rất mừng là hai tiến sĩ chuyên ngành của chúng tôi đã có mặt ở đây”.
Sau cuộc họp ngắn, họ xuống ngay nghĩa trang liệt sĩ, nơi các ngôi mộ vô danh được quy tập. Anh Lộc đang rất hy vọng vào sự trợ giúp của phía bạn vì gia đình đã hết cách.
“Trong 11 ngôi mộ vô danh được tìm thấy tại trận địa có tới 16 người cùng xin nhận” - anh nói với tôi.
Trân trọng và thành kính
Đến Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, đại sứ và các nhà khoa học Argentina vào thắp hương trước tượng đài Bác Hồ như những người Việt Nam.
Sau đó họ lên ngọn đồi nơi quy tập 11 liệt sĩ vô danh của đại đội 3. Anh em ở Ban chính sách Quân đoàn 4 đã chờ sẵn.
Các nhà khoa học Argentina vẽ sơ đồ và đánh số mộ xong, các chiến sĩ trẻ măng, mặc quần áo mới tinh, bắt đầu đào lấy hài cốt.
Một, rồi hai, ba, bốn… hài cốt được đưa từ lòng đất lên. Trời mưa nhiều ngày, nước không thoát được nên đọng lại trong mộ khá nhiều.
Tiến sĩ Analia Gonzalez kiểm tra hài cốt. |
Ngài đại sứ Alberto J. Kaminker trực tiếp theo dõi công việc của các nhà khoa học nước mình.
Ông ngồi sát bên những ngôi mộ vừa khai quật, bên những di cốt của các chiến sĩ Việt Nam, động viên các nhà khoa học tích cực làm việc để sớm có kết quả cho các gia đình liệt sĩ.
Tôi biết hàng trăm ngàn liệt sỹ Việt Nam chưa được xác định danh tính. Tôi đã liên hệ với các nhà nhân chủng học ở nước tôi, bởi họ từng làm việc này ở 30 nước trên thế giới. Rất mừng là hai tiến sĩ chuyên ngành của chúng tôi đã có mặt ở đây. Ngài Alberto J. Kaminker - Đại sứ Argentina tại Việt Nam |
Nữ tiến sĩ trẻ Analia Gonzalez khuôn mặt trái xoan trắng trẻo cẩn thận đặt số thứ tự và chụp hình từng tiểu sành.
Cô là người ít nói nhưng làm việc luôn tay. Không chỉ ghi chép, chụp hình, phân tích tình hình mà cô còn động viên giúp đỡ những người lính trẻ Việt Nam trong công việc khai quật hài cốt.
Số lượng hài cốt được đưa lên khá nhiều, cô dặn các chiến sĩ để nguyên hiện trạng, tránh nhầm lẫn. Các hồ sơ được ghi chép rất tỉ mỉ.
Trời đổ nắng to, trên đồi cao không có phương tiện làm việc gì nhiều. Hài cốt được đưa đến một cái bàn đá kê bên gốc cây gần đó. Chiếc bàn đá có lẽ là nơi nghỉ ngơi của các công nhân và những người đến thăm nghĩa trang. Bóng cây chỉ đủ che cho mấy người.
Bọc ni lông được tháo ra. Ai đó nói: “Theo phong tục lẽ ra không nên buộc chặt hài cốt, như thế sẽ không tốt”. Khác với hình dung của tôi, bộ hài cốt khá khô, nhưng xương cốt đã ngả màu đen sạm.
Nước sạch được chuyển đến. Tiến sĩ Analia Gonzalez trực tiếp rửa từng mẩu xương. Chị cẩn thận tìm kiếm trong đám đất đen. Kết quả thật bất ngờ, hàng chục chiếc răng vẫn khá nguyên vẹn bên những mảnh vỡ của xương chi và xương sọ.
Nữ tiến sĩ đứng tuổi hơn, bà Mercedes Salado Puerto cẩn thận dùng bàn chải đánh từng chiếc răng và liên tục trao đổi với các cán bộ phía Việt Nam.
Bà ngửa chiếc răng hàm vẫn còn nguyên vẹn vừa tìm thấy và đánh răng nhẹ nhàng cho nó trước sự chứng kiến chăm chú của ông Sergio F. Lolicastro, Trưởng bộ phận Văn hóa, báo chí và du lịch của Đại sứ quán Argentina.
Bà Puerto xếp khá nhanh những chiếc răng thành hai hàm theo vị trí từng chiếc. Bà xác định độ mòn của răng và đưa ra kết luận những chiếc răng này của những người trên 18 tuổi. Đây là độ tuổi của những người lính.
Một người hỏi bà vì sao trên những cái xương lại có vết như vết chặt vậy. Ngay lập tức bà Mercedes Salado Puerto trả lời: “Đây là những dấu vết để lại trong quá trình khai quật”.
Một tiến sĩ nhân chủng đến từ Hà Nội nói với tôi rằng cách khai quật của bà Mercedes Salado Puerto rất cẩn thận, chẳng khác gì khảo cổ, họ dùng những công cụ nhỏ và nhẹ để lấy từng lớp đất mỏng, liên tục vẽ hiện trường để tạo dựng vị trí và tư thế của con người.
Việc khai quật bằng xẻng cuốc là điều họ không bao giờ làm vì nó có thể gây hại đến hài cốt.
Chờ đợi những cái tên
Tiến sĩ Mercedes Salado Puerto nói: “Tôi cần bốn chiếc răng để gửi về Phòng nghiên cứu gene ở Argentina”. Một ý kiến từ phía Việt Nam: “Chị chỉ được lấy 2 chiếc thôi”.
Tiến sĩ Mercedes Salado Puerto nói: “Tình trạng răng không tốt do bảo quản kém. Hai chiếc không đủ, tôi cần bốn chiếc”. Cuối cùng chị cũng nhận được bốn chiếc răng và thêm một đoạn xương lớn nữa.
Một chiếc răng còn khá nguyên vẹn. |
Bấy giờ huyệt mộ được lấp lại với số xương cốt còn lại. Những người trong nghĩa trang nói: “Theo phong tục Việt Nam, nước rửa cốt cũng phải trả lại cho ngôi mộ”.
Tiến sĩ Mercedes Salado Puerto đồng ý. Chị nói ngoài kết quả xác định ADN, Viện Nhân chủng học Argentina sẽ gửi trả lại người dân Việt Nam tất cả những gì có thể.
Mất khoảng ba ngày để lấy mẫu của 11 hài cốt trong nghĩa trang. Sau đó, một công đoạn nữa là lấy mẫu từ người còn sống để đối chiếu tìm họ hàng, dòng tộc. Cả hai loại mẫu sẽ được gửi về Argentina.
Công việc không hề đơn giản, bởi trận chiến đấu ấy ngoài đại đội 3 còn gần 90 liệt sĩ các đơn vị khác. Đoàn nhân chủng học Argentina không hề nao núng, họ rất kiên định với công việc của mình.
Anh Tín lặng lẽ xúc động ngắm nhìn cuộc khai quật và khi những chiếc răng được đưa vào va ly cẩn thận, anh lặng người đứng nhìn, không nói được câu nào. Anh Lộc thì chụp ảnh, quay phim.
Cả hai đều chưa biết bốn chiếc răng ấy có phải của chú anh Lộc hay của bố anh Tính? Hay của người thân ai khác?
Họ phải chờ đợi kết quả gửi từ Argentina sau một thời gian nữa.
10 - 2012