Ngũ khúc Phú Quang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai cuộc giã biệt chấn động làng văn nghệ năm qua: Nguyễn Huy Thiệp, Phú Quang. Dưới đây là 5 đoản khúc về một Phú Quang đã vội vã trở về vội vã ra đi nhưng gia tài để lại- những bản tình ca thì còn vang vọng mãi…

1/ TỪ “QUANG COR” ĐẾN ĐÀI DANH VỌNG

“Toàn tài, từng là tay kèn cự phách và chỉ huy dàn nhạc tài ba”. 28 năm trước- 1994, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nói với tôi như vậy về Phú Quang. Hôm nay Thụy Kha “khảo cổ” rõ hơn về một Phú Quang solist kèn Cor trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam: “Năm 1975 Dàn nhạc vào Sài Gòn, chơi một quả thu phục nhân tâm cực chất bằng giao hưởng Định mệnh của Beethoven. Chính Phú Quang chứ không ai khác đã là người tấu lên bốn nốt mở màn “păm păm păm pằm” của bản này bằng tiếng kèn Cor”. Thật là cuộc chào sân quá oách của một người, của những người Hà Nội phố.

10 năm sau, 1985, “Quang Cor”- biệt hiệu hồi đó của anh, chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp. Đó là chặng chinh phục liên tiếp mảnh đất phương Nam, có người khi mô tả cuộc chinh phục này với tôi, còn dùng từ mạnh: “Phú Quang, Trần Tiến trấn áp khắp nơi”. Từ đây, người phương Nam biết đến một nhạc sĩ mà tên tuổi gắn với Hà Nội và các bản tình ca vang lên không dứt.

Còn nhớ năm 1994, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn của báo Tiền Phong đi Sài Gòn chơi một chuyến về kể: “Trong ấy người ta kháo nhau là bây giờ chỉ đọc thơ Nguyễn Duy và nghe nhạc Phú Quang, đâu cũng thấy!”

Cuộc chinh phạt, “trấn áp” này của một người có thể nói là “Hà Nội từ gót chân đến đỉnh đầu” đem lại vinh quang xứng đáng cho anh. Nhưng đời này làm gì có gì bỗng dưng. Phú Quang kể với tôi, những ngày mới vào trong đó lập nghiệp, cứ nghe giọng Hà Nội trên đường là anh lại lẽo đẽo đi theo. Nỗi nhớ, nỗi đau, sự xa cách, hoài niệm cộng hưởng với chuyên môn sâu đã chuyển hóa thành nhạc phẩm được nhiều người đồng cảm- điều này là lẽ sống chết cũng là hạnh phúc vô bờ của một nghệ sĩ như Phú Quang.

Ngũ khúc Phú Quang ảnh 1

Poster đêm nhạc “Ký ức Hà Nội phố” năm 1994 của Phú Quang. Tư liệu của DPV.

Một trong nhiều vật tôi còn giữ đến giờ, đó là poster đêm nhạc Phú Quang 2/10/1994 tên là Ký ức Hà Nội phố ở Nhà hát Thành phố (Hồ Chí Minh) với sự tổ chức của Saigon Concert. Ca sĩ biểu diễn có Bảo Yến, Cẩm Vân- Khắc Triệu, Hồng Nhung, Thanh Long Bass, Phương Thảo- Ngọc Lễ, Lệ Thu, Mai Loan, Bích Hồng. Và ba gương mặt Hà Nội: NSND Lê Dung, NSƯT Trung Đức, nghệ sĩ độc tấu Flute Hồng Nhung. Dẫn chương trình: Diễn viên điện ảnh Tuyết Ngân.

Ngũ khúc Phú Quang ảnh 2

Phú Quang biểu diễn cho khán giả trẻ tại Nhà văn hóa Thanh Niên, TPHCM năm 1989.

Đọc lại danh sách tác phẩm vang lên đêm đó, thấy hóa ra nó đã trụ hạng bền bỉ từ bấy đến giờ, chứng tỏ sức sống đâu đùa được: Em ơi Hà Nội phố, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mưa, Chiều hoang, Chiều phủ Tây Hồ, Đâu phải bởi mùa thu, Im lặng đêm Hà Nội, Mùa hạ còn đâu, Thương lắm tóc dài ơi, Dạ khúc, Biển nỗi nhớ và em, Khúc mùa thu, Điều giản dị, Tình khúc 24, Đà Lạt ngày tôi về…

Tờ poster này trông đơn giản, chứ về sau các chương trình có Phú Quang nhúng tay thì luôn cầu kỳ duy mỹ. Giá vé hồi đó 30.000 đồng vào loại “chát”. Ở tuổi 40 đã là tâm điểm của đời sống văn nghệ- đó là Phú Quang.

2/ “YÊU MÀ KHÔNG TỎ BÀY THÌ YÊU MẤY CŨNG BẰNG KHÔNG”.

Câu này- “yêu mà không tỏ bày thì yêu mấy cũng bằng không” không phải Phú Quang mà Xuân Diệu nói. Xuân Diệu thì nhất rồi, tha thiết, da diết: Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi cát vàng em/Hôn thật khẽ thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi hôn lại/Cho đến mãi muôn đời/Đến tan cả đất trời/Anh mới thôi dào dạt

Trong tình yêu, im lặng không phải là vàng. Nếu không yêu quá mức nghĩa là yêu chưa đủ. Và yêu mà không tỏ bày thì sao người ta biết được. Tỏ bày còn chả ăn ai nữa là không.

Tha thiết muốn tỏ bày nên Phú Quang mới đồng cảm với những người giỏi giãi bày. Một ví dụ: nhờ bài hát Có một ngày Phú Quang phổ thơ Nguyễn Khoa Điềm mà người ta biết hóa ra có một Nguyễn Khoa Điềm tinh tế, sâu thẳm trong tình yêu: “Có một ngày em không yêu anh/ Em cười bằng ánh sáng của nụ hôn khác”. (Bài này, một ca sĩ Underground tên là Trâm Đặng hát rất mộc và hay. Ca sĩ dòng nhạc Underground thường hoạt động tự do, không quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng). Hoặc Dạ khúc của Hoàng Phủ Ngọc Tường- thơ đã sang trọng lại được âm nhạc đồng cảm, thăng hoa chắp cánh khiến hai lần sang trọng: Có chiều nào như chiều xưa/Anh về trên cát nóng/Đường dài vành môi khát bỏng/Em đến dịu dàng như cơn mưa

Phú Quang rất thích câu thơ Việt Phương: Ta đi yêu người ta yêu nhau. Tôi còn thích bài Bỗng hơn, cũng của Việt Phương: Bỗng nhiên vũ trụ thuộc về ta/Khi căn phòng còn một mình hai đứa/ Như tình cờ như hẹn hò như bất ngờ như lời hứa/Một phút một đời không biết nữa thời gian/ Anh đứng sát bên em yên lành tan vỡ/Lạnh buốt như băng rực lửa nồng nàn/… Và cứ thế anh lặng im đứng yên lặng im đứng yên/Nâng niu một cái gì bùn đất thiêng liêng mong manh vững bền giữ gìn lan tỏa.

Nghĩ lại thì lẽ ra nên xui Phú Quang phổ bài Bỗng này mới phải, dù có thể hơi khó. Yêu mà không tỏ bày thì yêu mấy cũng bằng không. Và tỏ bày thế mới là tỏ bày chứ.

Nhân đây lại nhớ kỷ niệm gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng để phỏng vấn, khoảng hơn hai chục năm trước. Không thể ngờ một con người chân chất như vậy lại có thể đắm say huy hoàng đến thế, nâng cánh nhạc cho thơ của người tình si Thanh Tùng bằng ngón nghề thượng thặng: Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương/Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say.

Về Em ơi Hà Nội phố đỉnh cao danh vọng của Phú Quang, khán giả đặc biệt như nhà báo- nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu nhận định “làm hài lòng cả người già người trẻ”, “nó cũng phải tốp 3 thật đấy” (bài hay nhất về Hà Nội) và “nó giúp hàng triệu đàn ông tán gái, trong đó có tôi”. Điều giản dị cũng giúp ông lãi to khi tán gái, với tôi thì mệnh đề này hơi đơn giản quá: Và ta biết một điều thật giản dị/Càng xa em ta càng thấy yêu em.

Đọc bài Phú Quang- cháy lên tia lửa mặt trời của tôi in Tiền Phong 5/2020, nhà báo Đỗ Quang Hạnh (báo Lao Động) cho rằng hơi quá lời khi nhận định Em ơi Hà Nội phố phải nằm trong tốp 5 tốp 10 bài hát hay nhất về Hà Nội còn Phú Quang thuộc số nhạc sĩ viết hay nhất về Hà Nội. Bản thân Phú Quang nhận định Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi là ca khúc hay nhất về Hà Nội. Có thể lắm. Nhưng người ta không thể hát Hà Nội cháy, Hà Nội hồng, Hà Nội vùng đứng lên hàng ngày, còn Em ơi Hà Nội phố hát giờ nào ngày nào và ở đâu, nghe đều ngọt cả? Em ơi Hà Nội phố không chỉ điểm trúng huyệt của những người yêu Hà Nội, nặng lòng với Hà Nội mà còn luôn thời thượng.

Nguyễn Thụy Kha trước kia từng phát biểu Em ơi Hà Nội phố quá hay, đặc sắc nhất sự nghiệp của Phú Quang nhưng đến năm ngoái lại bảo Chiều không em- Phú Quang phổ thơ Thụy Kha mới đỉnh, còn hơn cả Em ơi Hà Nội phố! Cho nên khi Thụy Kha kháy nhẹ tôi rằng đã “cực đoan dễ thương” khi xưng tụng Em ơi Hà Nội phố đến thế thì tôi đối đáp: Anh còn dễ thương hơn đấy! Ta có thể không hoàn toàn khách quan nữa khi bị tình yêu che mờ- tình yêu này rộng lắm, có thể là yêu bản thân, yêu kỷ niệm hoặc yêu ai đó... Cũng như chuyện này: Ngày Phú Quang ra đi, trong số khán giả của anh có những người có vẻ tròng trành, chống chếnh, chới với sao đó (mấy từ láy này Phú Quang ưa dùng: tròng trành, chống chếnh, chới với, chơi vơi) cho nên đã đề nghị đặt ngay tên anh cho một con phố của Hà Nội. Yêu mà! Và yêu mà không tỏ bày thì yêu mấy cũng bằng không?

Ngũ khúc Phú Quang ảnh 3

Nhạc sĩ Phú Quang

3/ MỘT ĐỜI ĐAM MÊ MỘT ĐỜI GIÔNG TỐ

Ở đám tang thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo mấy năm trước, tôi gặp Phú Quang. Anh ghi sổ tang chỉ một câu “Thương Tạo quá Tạo ơi!”. (Nhớ lại thì về sau này hóa ra chúng tôi toàn gặp nhau ở đám tang là chính, để đưa tiễn những người quen chung. Mỗi lúc như vậy không tránh khỏi ngậm ngùi, khác hẳn vẻ thản nhiên ngày thường).

Đời người ngắn hay dài? Vừa ngắn lại vừa dài.

45 tuổi Phú Quang kể tôi nghe về cú ra đòn đầu tiên của số phận: bị đối xử bất công ở tuổi 14. Rằng cậu thiếu niên Quang khi ấy có tên trong danh sách du học Liên xô với điều kiện phải là Đoàn viên nhưng khi bầu bán, Phú Quang bị nhận xét “kiêu ngạo”, không đủ tiêu chuẩn. Thế là mất cơ hội! Khiến chỉ muốn tự tử quách. Vì du học thời đó đồng nghĩa đổi đời.

Về sau thấy anh kể chuyện này nhiều lần ở nhiều nơi kể cả báo chí, truyền hình. Mấy chục năm mà vẫn tươi rói như hôm qua! Trò chuyện với ông Lộc Vàng- người hát nhạc vàng nổi tiếng nhất Việt Nam, đi tù chỉ vì hát nhạc vàng, cũng vậy- bạn sẽ thấy ông chỉ vừa ra tù hôm qua, chứ không phải đã mấy chục năm đằng đẵng. Tội lắm.

Chúng ta thường tưởng mình đã đi những chặng rất dài nhưng chính ra vẫn loanh quanh mỏi mệt, ám ảnh với những dấu mốc quan trọng trong đời. Ta muốn kiềm chế không nói về nỗi đau của mình, toan tính của mình, bệnh tật của mình, các mối quan hệ đầy khúc mắc của mình. Nhưng khó. Trong ý nghĩa như thế, thì đời người khá ngắn.

Bước vào tuổi tri thiên mệnh, Phú Quang thích chia sẻ kinh nghiệm giữ sức khỏe, nào tập Suối nguồn tươi trẻ, ăn canh dưỡng sinh... Tuổi U65, U70 hay lên báo và lên sân khấu bộc bạch về người mẹ đã khuất, về những “cuộc tình lìa xa, giấc mơ giờ phôi pha”.

Thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới thôi, đã một đời người” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài Dù năm dù tháng). Ngày viết dòng tiễn biệt xót thương Nguyễn Trọng Tạo người được anh phổ nhạc bài Một dại khờ một tôi, có lẽ Phú Quang không thể ngờ lượt của mình lại đến nhanh như vậy. Lần tôi vào Bệnh viện Hữu Nghị (Việt Xô) thăm hồi cuối 2020, Phú Quang nằm đó không nói được, không trở mình được nhưng biểu cảm cho thấy anh vẫn nhận thức được mọi chuyện, cho nên lúc đầu còn chú mục vào người thăm nhưng sau đó quay đầu nhìn lên trần nhà với vẻ đầy bi phẫn. Những năm gần đây tôi chứng kiến nhiều sự phẫn uất, bất lực của những người quen thân nhưng liên hệ Phú Quang nằm đây với con người kiêu hãnh mà tôi biết xưa kia, quá buồn.

Đà Lạt ngày tôi về Phú Quang phổ thơ Trần Hữu Lục, Nhã Phương là người hát sang nhất: Anh bây giờ quá xa/Một nửa vầng trăng hao khuyết/Anh bây giờ quá xa/Khi ngày em trở lại/Tan về đâu về đâu những giọt sương ngày ấy/Tan về đâu về đâu tà áo thuở ban đầu. Sự chia ly trong tình yêu đã muôn phần đau đớn. Chia ly, từ biệt cuộc sống này khi mình vẫn thiết tha quyến luyến nó thì sao?

Ngũ khúc Phú Quang ảnh 4
Trường phổ thơ của Phú Quang khá rộng. Như bài thơ Lời rêu của Nguyễn Thị Hoàng, sẽ không nhiều người biết nếu không đi vào âm nhạc Phú Quang: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại/Đá tảng nào vô tri/Chết một đời rêu phong”. Ảnh: TƯ LIỆU DPV

4/ NGÀY MAI TA BỎ ĐI/TRẦN GIAN XIN TRẢ LẠI…

Ngày vào viện thăm Phú Quang, thấy hình ảnh tiều tụy này thật khó chấp nhận, cho nên phải pha trò để không khí nhẹ bớt: “Mới ngày nào lên báo nói thầy bói phán Phú Quang chết năm 99 tuổi mà nguyên nhân là thất tình, thế mà bây giờ bắt chúng tôi (tôi đi cùng Cẩm Vinh con dâu danh họa Bùi Xuân Phái) chứng kiến cảnh này đây”. Và tôi có rất nhiều điều để nói với Phú Quang nhưng lúc này không còn hợp nữa rồi.

Sau khi Phú Quang ra đi, có hôm tôi xem một clip người ta đưa lên mạng, ghi lại cảnh một vị có chức nào đó hình như đang say, hát trong bữa tiệc cơ quan thì phải, bài Sinh nhật đen của Phú Quang nghe rất sợ nhưng Phú Quang vẫn kiên nhẫn đệm piano, vẻ mặt chán lắm nhưng vẫn đệm. Tôi biết Phú Quang khó tính như ma, anh phải hạ tiêu chí của mình là vì những hệ lụy của đời sống mà thôi. Anh đã hơn một lần bất đắc dĩ hạ chuẩn phải không?

Phía nam có một kịch sĩ hàng đầu, là cố nhân của Phú Quang. Anh kể: “Cô ấy giỏi nhưng thấy cô ấy hát trên sân khấu thì anh bảo Em mà hát thì anh đi đóng kịch! Đến lượt mình, Phú Quang hồi xưa bị tôi trêu là đã “uống thuốc liều” khi đọ giọng với Quang Lý, Ngọc Tân trong các đêm nhạc của mình. Chỉ bật bông phừng phừng là được rồi! (“Phừng Phừng” là biệt hiệu chúng tôi đặt cho Phú Quang, trêu anh vì hay lên sân khấu dận pê-đan uỳnh uỳnh, nhấn phím piano pằm pằm hoặc bập bùng guitar trong các đêm nhạc của mình. Phừng phừng cũng là tiếng bật bông, liên quan đến tích một truyện tiếu lâm Việt Nam).

Giá Phú Quang còn sung sức và tôi đủ quan tâm, thì những năm qua sẽ không lờ đi mà chân tình góp ý, ví dụ đừng đặt tên bài hát (phổ thơ người khác) là Trước mồ cha, mồ mả nghe nặng lại thô vụng. Mẹ là người đầu tiên, người đàn bà mãi mãi không bao giờ phản bội (phổ thơ Hồng Thanh Quang) nghe cũng không ổn. Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa, Con giai phố cổ…) thì vốn là người con trai yêu mẹ nên nhăn nhó: Đặt mẹ cạnh phản bội thấy vô đạo!

Hoặc lẽ ra đừng thì hơn, nhẹ dạ chiều nhà báo để trần tình về tập nọ tập kia trong đời, về con riêng con chung. Mình có tới 3 tập, dù nâng lên hạ xuống ai thì không tổn thương người này cũng chạnh lòng người kia. Cũng đừng phi lộ, hé mở quá nhiều về các cuộc tình làm gì vì âm nhạc đã thay lời muốn nói rồi.

Làm người nổi tiếng khó thật đấy chứ chẳng chơi. Không kín võ thì thiên hạ ì xèo, còn ngược lại- tỏ ra kín kẽ, khôn ngoan sắc sảo hơn người, chắc gì đã thuận lợi hơn. Như Nguyễn Duy viết, bài Xẩm ngọng: Ông bụt xúc phạm con ma/Lão say khướt xúc phạm bà tỉnh queo/Cái sang xúc phạm cái nghèo/Cái ngay xúc phạm cái khoèo bẩm sinh/Cõi dương xúc phạm cõi âm/Cõi thiêng xúc phạm cõi trần tục gian… Cho nên, cẩn thận bởi nhiều khi ta đang làm tổn thương ai đó mà không hề hay biết. Ta chỉ tồn tại có khi đã đủ xúc phạm, huống hồ lại (vô tình hay hữu ý) bộc lộ sự hơn người, của mình.

Nói chung, nghệ sĩ ra công chúng để tâm tình và trả lời phỏng vấn, có Khánh Ly và Tuấn Ngọc đỡ gây hồi hộp hơn cả. Ngày xưa thì có Trịnh Công Sơn. Và đó là hình ảnh họ trình ra cho mọi người thôi nhé- rất nghệ sĩ, và khôn ngoan đến mực nói năng phải lời. Còn trong sâu thẳm họ nghĩ gì, sao ta biết được.

Càng có tuổi tôi càng thích nói thật hơn, đồng thời cũng hoài nghi hơn về độ xác thực của các thông tin trên mặt báo, nhất là mạng xã hội. Vô cùng đồng cảm với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, rằng “chúng ta đã quen nghe những lời nói dối để qua đó biết được sự thật” và đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh, rằng “câu sắc sảo sẽ không bằng câu chân thành”. Và chẳng ai ngoài bản thân ta biết mình hạnh phúc đến đâu, bất hạnh đến đâu. Với một người trải đời như Phú Quang thì bạn bè hà tất phải căn dặn, lo âu về anh mới phải?

Vào năm 1994 Phú Quang nói với tôi, anh có linh cảm mình sẽ chết trong cô đơn, “người bị vứt ra đường là anh chứ không phải ai khác”. Năm 2008 bên lề cuộc phỏng vấn để viết bài Phú Quang- Phố quá đông không thấy mặt người, tôi có hỏi linh cảm của anh đến giờ phút này nhìn lại chắc là sai nhỉ. Phú Quang im lặng.

Ngũ khúc Phú Quang ảnh 5

Với bạn bè một thuở ở Hà Nội, 1994. Từ phải qua: NSƯT Thu Hà, Phú Quang, nhà văn Lê Minh Khuê, và tác giả bài báo. Ảnh: TƯ LIỆU DPV.

5/ HÀ NỘI KHI VẮNG ĐI NHỮNG NGƯỜI NHƯ PHÚ QUANG…

Mùa đông 2021, cuối cùng Phú Quang cũng đi gặp Lê Dung, Ngọc Tân, Quang Lý, Hồ Quang Bình- những cái tên từng làm nên sự bảo chứng thành công trong các đêm nhạc Phú Quang. Họ đã hội ngộ ở nơi xa lắm…

Nghe kể thập kỷ 80 thế kỷ trước, Phan Vũ thân Bùi Xuân Phái nên hay theo ông bát phố, ông Phái vẽ phố còn Phan Vũ nghĩ về phố. Thật là những người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố tuyệt vời Hà Nội

Rồi đến lượt Phú Quang làm nhạc về phố và người Hà Nội, họ đã yêu đã sống thế nào, để cùng với nhiều nhạc sĩ khác góp phần khiến Hà Nội thành “danh bất hư truyền”, là Đất Thánh thực sự, thủ đô xứng đáng. “Tự nhiên như người Hà Nội”- câu này áp vào một người như Phú Quang cũng đúng. Chẳng tự nhiên mà giữa Sài Gòn cứ gào toáng “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (tên một đêm nhạc riêng mà anh làm thập kỷ 90 thế kỷ trước). Cả đời thản nhiên hát mãi về một nơi chốn và về những ám ảnh tình yêu, bất tận.

Có thống kê Em ơi Hà Nội phố được thu âm nhiều nhất trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Có tin đồn 300 album Hà Nội và em khi thu chớm đông sang của ca sĩ Đức Tuấn bán hết veo chỉ trong một chương trình Phú Quang mà anh tham gia. Có thể thế, cũng có thể không. Rất nhiều hư thực xung quanh cuộc đời của một nghệ sĩ như Phú Quang. Nhưng điều này thì chắc chắn: Hà Nội phải có một dòng nhạc như thế, một người như thế, ở thời như thế. Tự nhiên nhi nhiên và không thể khác.

MỚI - NÓNG