Ngư dân trẻ dũng cảm & lá cờ đi vào lịch sử

Ngư dân trẻ dũng cảm & lá cờ đi vào lịch sử
TP - Câu chuyện Bùi Văn Phải (24 tuổi)-chủ tàu cá QNg 96382, thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh (29 tuổi) cùng những ngư dân trẻ dũng cảm bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa biển Hoàng Sa trong hoạn nạn, góp phần khẳng định chủ quyền biển đã dấy lên sự ngưỡng mộ, khâm phục của người dân và các bạn trẻ cả nước.

> Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Bùi Văn Phải
> Khâm phục ngư dân quên mình bảo vệ cờ Tổ quốc

Phóng viên báo Tiền Phong (giữa) cùng hai ngư dân dân trẻ Bùi Văn Phải - Phạm Quang Thạnh và lá cờ được bảo vệ ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Thành
Phóng viên báo Tiền Phong (giữa) cùng hai ngư dân dân trẻ Bùi Văn Phải - Phạm Quang Thạnh và lá cờ được bảo vệ ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Thành .

Nhớ như in sáng ngày 24/3/2013, hàng trăm ngư dân tại cảng Sa Kỳ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bàng hoàng chứng kiển cảnh tàu cá mang số hiệu QNg 96382 cập cảng với phần nóc cabin cháy rụi. 9 ngư dân cháy đen vì nắng gió biển cả, vừa thoát chết sau khi bị tàu Trung Quốc bắn cháy loang lổ. Phần trên cabin của tàu chỉ còn trơ lại bộ khung sắt, mấy bình gas cháy sém nằm chỏng chơ giữa đống tro tàn. Thế nhưng lá cờ Tổ quốc dù đã cháy sém một góc, thủng lỗ chỗ vẫn tung bay đầy kiêu hãnh.

Phóng viên Tiền Phong là một trong những người đầu tiên đón con tàu khi vào bờ. Tàu cập bờ, nhìn lá cờ Tổ quốc, chúng tôi hỏi anh em trên tàu: Sao cabin tàu cháy cờ không cháy? Bùi Văn Phải cho biết: Giữa lúc hoạn nạn, ngọn lửa bùng cao trên ca bin, mọi người bình tĩnh kêu gọi nhau múc nước biển dập lửa cứu tàu, anh vẫn không quên cuộn lá cờ vào ngực, bảo vệ cờ khỏi lửa táp. Bởi với người ngư dân lá cờ Tổ quốc giữa biển khơi mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả vô cùng.

Bài báo “Chuyện người quấn cờ Tổ quốc vào ngực” cùng tấm ảnh chàng ngư dân quả cảm chạy tràn trang nhất số báo Tiền Phong số 86, ra ngày 27/3/2013, lập tức gây chấn động. Tiền Phong là tờ báo đầu tiên đăng tải bài viết, hình ảnh về sự kiện

Gặp Phải lần đầu nhiều người ngỡ ngàng, Phải vừa tròn 24 nhưng nhìn già dặn và từng trải nhiều so với tuổi đời. Da đen, dáng người cao to, vạm vỡ mang đặc trưng của những chàng trai xứ biển. Sinh ra và lớn lên ở An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) trong gia đình có 3 anh em và anh là cả trong nhà. Như mọi gia đình khác ở đảo Lý Sơn, gia đình Phải bao đời bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Ba Phải, ông Bùi Nồi một ngư phủ có tiếng ở Lý Sơn. Năm Phải vừa tròn 13 tuổi, bố qua đời. Phải nghỉ học và bắt đầu đi biển để đỡ đần mẹ và nuôi em ăn học. Những chuyến đi biển đầu tiên ở tuổi ăn tuổi học, làm bạn với ngư phủ lão luyện giúp Phải sớm biết đến Hoàng Sa, Trường Sa và tôi luyện bản lĩnh đi biển, mở đầu cho nghiệp ngư phủ.

Theo tàu anh em, hàng xóm đi biển ròng rã suốt gần 10 năm, năm 2011, Phải lập gia đình, sinh con. Tháng 4/2012 từ số tiền tích cóp chàng ngư phủ trẻ mạnh dạn vay mượn hơn 400 triệu đồng mua lại và nâng cấp tàu QNg 96382 hết hơn 570 triệu. Để có con tàu 105 CV này, anh đã phải bán hết tài sản gia đình mình có và vay mượn khắp nơi. Tàu cháy, chuyến đi biển đó Phải và anh em thua lỗ nặng.

Ngư dân Bùi Văn Phải và lá cờ được cứu ở Hoàng Sa trên trang bìa báo Tiền Phong số 86
Ngư dân Bùi Văn Phải và lá cờ được cứu ở Hoàng Sa trên trang bìa báo Tiền Phong số 86.

Hành động của Bùi Văn Phải và đội ngư dân trẻ đã gợi lên lòng khâm phục của nhân dân cả nước, nhất là các bạn trẻ. Ngày 28/3/2013, Trung ương Đoàn đã trao tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Phải và thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh vì đã có hành động dũng cảm bảo vệ cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền biển bất khả xâm phạm bao đời của dân tộc. Nhiều tổ chức, cá nhân trong cả đã quyên góp, sẻ chia tổn thất cùng ngư dân trẻ Lý Sơn bám biển.

Đặc biệt, lá cờ Tổ quốc được những ngư dân quả cảm xả thân bảo vệ ở Hoàng Sa đã được Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đưa về trưng bày, và trở thành lá cờ đầu tiên của ngư dân Lý Sơn đi vào lịch sử. Liên tiếp sau đó, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN, Hội Sinh viên VN, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa như trao 1.000 cờ Tổ quốc và áo Đoàn cho ngư dân trẻ Lý Sơn, Hội trại biển đảo ngay tại Lý Sơn, xây dựng cột cờ Lý Sơn, thành lập CLB ngư dân trẻ… Những hoạt động đó đã góp phần khích lệ, cổ vũ tinh thần cho ngư dân Lý Sơn tiếp tục kiên cường bám biển, giáo dục về chủ quyền biển đảo đến đông đảo bạn trẻ trong cả nước.

Ngày 15/4/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm người dân đảo Lý Sơn. Hàng ngàn người dân vui mừng chào đón Chủ tịch nước. Trong cuộc nói chuyện thân mật với ngư dân, Phải vinh dự được Chủ tịch nước gọi lên ngồi cạnh để cùng trò chuyện, được nói lên tâm tư nguyện vọng của mình và ngư dân trẻ trên đảo. Ngồi cạnh Chủ tịch nước, Phải kể lại sự việc bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin và chuyện bảo vệ cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa, chuyện khó khăn của ngư dân đảo nhà khi đánh bắt trên biển. Nghe xong, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nắm tay anh căn dặn, khích lệ tinh thần quả cảm của Phải và ngư dân trẻ Lý Sơn, động viên ngư dân Lý Sơn kiên cường bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. “Là một ngư dân bình thường, em không ngờ được ngồi nói chuyện với bác Chủ tịch nước một cách thân mật như vậy. Em rất tự hào điều đó. Là người con Lý Sơn em và nhiều ngư dân trẻ sẽ quyết tâm bám biển đến cùng”, Phải tâm sự.

Được khích lệ tinh thần, hỗ trợ vật chất, Phải và anh em tàu QNg 96382 tiếp tục vươn khơi bám biển dù muôn vàn khó khăn. CLB ngư dân trẻ Lý Sơn được thành lập với hơn 60 thành viên, Phải là một trong những nòng cốt. Trên cương vị Phó chủ nhiệm CLB, anh hăng hái đi đầu tham gia các hoạt động. Vào những dịp rảnh rỗi Phải và anh em ngư dân trẻ lại sinh hoạt tập thể với nhau để cùng sẻ chia kinh nghiệm đi biển, giúp đỡ nhau trên biển, bàn cách hỗ trợ nhau làm ăn vươn khơi, tuyên truyền về biên giới chủ quyền biển đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền…

Mới đây nhất trong cơn bão số 6, khi đánh bắt hải sâm tại Hoàng Sa, tàu QNg 96382 nhận được tin báo tàu QNg 96382 của anh Mai Văn Cường, ngư dân đảo Lý Sơn làm thuyền trưởng bị chết máy, trôi giạt giữa sóng gió cần ứng cứu. Dù biển đang động, sóng cấp 6 cấp 7 và chỉ mới đánh bắt được 20 ngày, bắt được 80 con hải sâm, nhưng Phải vẫn quyết định bỏ dở hành trình ứng để cứu tàu bạn. Ngày 6/8, tàu của Phải kéo được tàu cá QNg 90153 cùng 15 ngư dân về Lý Sơn An toàn. Chuyến đi biển Phải thua lỗ gần 70 triệu đồng.

Quyết tâm không rời biển

Sau chuyến đi biển đó, tôi gọi điện cho Phải từ đất liền, giọng Phải buồn rượi: Em không còn tàu nữa. Đầu nậu lấy mất tàu rồi anh ơi! Hỏi ra mới biết, trước đây để đóng được tàu QNg 96382, Phải phải vay mượn, kêu gọi đầu nậu chung 70% vốn. Sau lần tàu bị bắn cháy, Phải đã 3 lần ra khơi nhưng biển ngày càng khó làm ăn, chuyến nào cũng thua lỗ nên đầu nậu lấy tàu giao cho người khác. Phải ngậm ngùi đi làm bạn cho tàu anh em ngư dân trên đảo.

Xa con tàu QNg 96382 đầy kỷ niệm, nhưng Phải đang ấp ủ ước mơ đóng tàu mới công suất lớn hơn để bám biển: “Em đang chờ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh cho vay ưu đãi 400 triệu. Trong tay em đã có 200 triệu. Em sẽ xoay xở để đóng tàu lớn công suất 650 CV vươn xa hơn, bám biển Hoàng Sa được lâu ngày hơn. Nếu thuận lợi, đầu tháng 11 này sẽ triển khai”. Con tàu của Phải ước tính chi phi khoảng 1,8 tỷ đồng. Phải cho biết sẽ vận động anh em ngư dân trẻ trên đảo cùng hùn vốn đóng tàu lớn làm ăn, quyết tâm bám biển.

Cầu chúc cho chàng ngư dân trẻ dũng cảm sớm thực hiện ước mơ và hoài bão tiếp bước bao lớp cha ông ở Lý Sơn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG