Sáng sớm hàng ngày, ngư dân ở phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò, Nghệ An) lại hướng thuyền ra khu vực cửa biển (nơi nước sông đổ ra biển) để bắt đầu một ngày đánh bắt con chem chép bán cho thương lái. |
Loài hải sản này có hình dáng giống ngao, tuy nhiên thân hình nhỏ hơn, dẹt hơn, thân vỏ có nhiều hoa văn mà không trơn bóng như ngao. Trước kia, hải sản này hay dùng để nấu canh, hoặc lấy phần thịt bên trong để nấu cháo ăn rất ngon, ngọt, thơm. Theo người dân nơi đây, chem chép có nhiều loại. Nếu chem chép có vỏ mỏng, dài thì giá trị sẽ cao hơn. Tuy nhiên vì kích thước nhỏ nên quá trình chế biến tốn thời gian hơn so với ngao hoặc sò. |
Sáng sớm, mỗi chiếc thuyền sẽ có 2 ngư dân với nhiều dụng cụ đánh bắt chuyên dụng di chuyển ra vùng cửa sông để bắt đầu đánh bắt chem chép đến tận tối mới cập bến. Mùa đánh bắt con chem chép thường vào những ngày hè nước cạn. |
Sau khi đánh bắt được loại hải sản này, ngư dân sẽ đóng thành từng bảo tải, cập bến thuyền rồi vận chuyển lên bờ. |
Phía trên bờ, các thương lái đã đánh xe container chờ sẵn để thu mua loại hải sản này. |
Những bao tải chứa đầy con chem chép được ngư dân tập kết sẵn chờ bốc lên xe cho các thương lái. |
Những thương lái cẩn thận kiểm tra, đóng gói kỹ càng trước khi cho vận chuyển lên xe đông lạnh. Theo các thương lái, loại hải sản này được họ thu mua về rồi vận chuyển vào các tỉnh phía Nam để xay làm thức ăn nuôi tôm hùm. |
Mỗi bao tải con chem chép nặng 50kg được các thương lái thu mua với giá trung bình từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng. |
Mỗi ngày, một chiếc thuyền thường đánh bắt được từ 8 - 15 bao tải con chem chép. Với giá bán khoảng 200 nghìn đồng 1 bao tải, mỗi chuyến đánh bắt các ngư dân có thể thu về từ 2 - 3 triệu đồng. "Loại hải sản này được cái dễ đánh bắt và dễ bán. Ngư dân đánh được bao nhiêu là thương lái thu mua hết đến đó. Nhưng tùy theo con nước mới có loại hải sản này. Thường là vào các tháng mùa nước cạn mới có", ngư dân Nguyễn Văn Linh (trú phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò, Nghệ An) chia sẻ. |